Vụ 30 năm mang thân phận bị can: Cần làm rõ có oan sai hay không?

Xuân Sinh

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc ông Nguyễn Văn Dương ở Hà Tĩnh phải mang thân phận bị can suốt 30 năm, luật sư cho rằng cần làm rõ có bị oan sai hay không?

Chiều 2/2 trao đổi với phóng viên Dân trí, bà Nguyễn Phan Lệ Thúy, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đơn vị nhận được đơn thư khiếu nại của ông Nguyễn Văn Dương vào tháng 4/2022. Sau khi nhận được phản ánh, đơn vị này đã vào cuộc, xác minh.

"Cái khó trong vụ án này là thời điểm xảy ra cách đây đã 30 năm, thời điểm ấy mới chia tách tỉnh nên công tác lưu trữ hồ sơ có nhiều khó khăn. 2 người kiểm sát viên của tỉnh trực tiếp phụ trách vụ án đã mất nên càng khó. Chúng tôi cũng xin ý kiến của VKSND tối cao. Tất cả đều được chúng tôi làm khẩn trương", bà Thúy cho biết.

Vụ 30 năm mang thân phận bị can: Cần làm rõ có oan sai hay không? - 1

Ông Nguyễn Văn Dương mong muốn các cơ quan chức năng sớm làm rõ vụ việc để trả lại danh dự cho mình.

Cũng theo Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Hà Tĩnh, đơn của ông Dương có nhiều nội dung, trong đó có yêu cầu minh oan, phục hồi danh dự.

"Những vấn đề này sẽ được chúng tôi xem xét một cách thận trọng, theo đúng quy định của pháp luật. Hiện tại, đơn vị đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can Dương, tức là bây giờ trong hồ sơ, lý lịch người này không còn liên quan đến vụ án nữa", bà Thúy nói.

Luật sư Phan Văn Chiều, Giám đốc Công ty Luật Hà Châu (Đoàn luật sư Hà Tĩnh) cho rằng, cần làm rõ ông Dương có bị oan sai hay không?.

Theo vị luật sư này, trên cơ sở nội dung đơn ông Nguyễn Văn Dương, trước hết Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Hà Tĩnh cần phối hợp với VKSND tỉnh tiến hành xác minh, kiểm tra lại hồ sơ vụ án có đúng như nội dung đơn ông Dương trình bày hay không?

Vụ 30 năm mang thân phận bị can: Cần làm rõ có oan sai hay không? - 2

Theo luật sư Phan Văn Chiều, cần sớm làm rõ trong vụ án trộm cắp nói trên, ông Dương có bị oan sai hay không? (Ảnh: PC).

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 248 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, thì VKSND quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án khi có một trong các căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 155 và Điều 157 của bộ luật này, hoặc có căn cứ quy định tại Điều 16, hoặc Điều 29, hoặc Khoản 2 Điều 91 của Bộ luật Hình sự.

Như vậy, đối chiếu quy định trên, nếu vụ án của ông Dương cho đến nay chưa được tòa án có thẩm quyền đưa ra xét xử và có một trong các căn cứ theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (không có sự việc phạm tội; hành vi không cấu thành tội phạm; đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự…).

Và nếu trên thực tế các cơ quan tiến hành tố tụng cũng chưa có quyết định nào khác liên quan đến giải quyết vụ án này, vụ án đang trong giai đoạn truy tố thì VKSND tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành ra quyết định không truy tố và ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Nguyễn Văn Dương theo quy định.

Trong vụ án đối với ông Nguyễn Văn Dương, xét thấy hành vi của bị can đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, ngày 16/1, VKSND tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can này.

Về việc này theo luật sư Phan Văn Chiều, đối chiếu Khoản 3 Điều 18 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định Nhà nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các trường hợp sau đây: Người bị tạm giam mà có bản án, quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định không có sự việc phạm tội, hành vi không cấu thành tội phạm hoặc đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm.

"Như vậy, nếu có đủ các căn cứ như tôi vừa viện dẫn và phân tích ở trên thì khi có quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, ông Nguyễn Văn Dương có thể liên hệ cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền để làm rõ có oan sai hay không, để phục hồi danh dự, cũng như bồi thường", luật sư Chiều nói.

Năm 1992, tại xã Đức Nhân, nay là xã Bùi La Nhân xảy ra vụ mất cắp khoảng 50m dây điện thắp sáng. Thời điểm đó, đường dây điện sinh hoạt thuộc công trình an ninh quốc gia nên Công an huyện Đức Thọ đã vào cuộc điều tra. Sau đó, ông Nguyễn Văn Dương (SN 1973, trú xã Bùi La Nhân, huyện Đức Thọ) được Công an huyện Đức Thọ mời đến trụ sở để phục vụ công tác điều tra.

Ngày 25/11/1992, Công an huyện Đức Thọ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự. Đến ngày 3/12/1992, Công an huyện Đức Thọ ra quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Dương về tội "Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về An ninh quốc gia", quy định tại Điều 94, Bộ luật Hình sự năm 1985. Ngày 12/12/1992 VKSND huyện Đức Thọ chuyển hồ sơ vụ án lên cấp tỉnh để tiếp tục điều tra.

Ông Dương bị tạm giam 6 tháng, sau đó được thả tự do nhưng không có quyết định nào. Cuối năm 2021, trong quá trình làm Căn cước công dân, ông Dương mới biết mình đang mang thân phận bị can của vụ án trộm cắp 30 năm trước.