Bạc Liêu:
Vụ “2 phụ nữ 38 lần phá nhà người khác”: Truy tố hành vi phạm tội 2 bị can chưa thuyết phục?
(Dân trí) - Liên quan đến vụ 2 phụ nữ 38 lần phá nhà người khác ở Bạc Liêu, theo quan điểm của Luật sư, Viện kiểm sát truy tố hành vi phạm tội 2 bị can Châu Thị Ba và Nguyễn Thị Liên theo khoản 1 điều 143 là chưa thuyết phục.
Như Dân trí đưa tin, Viện KSND huyện Giá Rai (Bạc Liêu) vừa truy tố ra trước Tòa án để xét xử đối với 2 bị can Châu Thị Ba và Nguyễn Thị Liên về cùng tội danh “Hủy hoại tài sản” theo khoản 1, điều 143 của BLHS.
Trao đổi với PV Dân trí, theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh Tân (Trưởng VP Luật sư Thanh Tân, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ) cho rằng, trong vụ án này nếu chỉ thiệt hại về tài sản thì truy tố theo khoản 1 điều 143 BLHS.
Tuy nhiên, theo Luật sư Thanh Tân, qua xem xét quá trình xảy ra vụ việc của 2 đối tượng Ba và Liên thì có căn cứ để Viện kiểm sát truy tố theo điểm a khoản 2 điều 143 BLHS là phạm tội có tổ chức. Vì trong vụ việc này, bà Ba và bà Liên có sự câu kết chặt chẽ, đồng lòng cùng thực hiện một hành vi phạm tội.
Cũng theo Luật sư Thanh Tân, cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội nhiều lần (ở đây bà Ba, và bà Liên hủy hoại tài sản bà Lén trên 50 lần). Mỗi hành vi của bà Ba và bà Liên đã có đủ các yếu tố cấu thành một tội phạm độc lập và được quy định tại cùng một điều luật trong phần riêng BLHS.
“Trong vụ án này, Viện kiểm sát truy tố hành vi phạm tội của bà Ba và bà Liên theo khoản 1 điều 143 BLHS là chưa thuyết phục vì mức hình phạt là quá nhẹ đối với hành vi phạm tội mà các bị can đã gây ra”, Luật sư Tân nêu quan điểm.
Theo khoản 1, điều 143 thì Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác gây thiệt hại từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Còn theo khoản 2, điều 143 thì Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Dùng chất nổ, chất cháy hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; c) Gây hậu quả nghiêm trọng; d) Để che giấu tội phạm khác; đ) Vì lý do công vụ của người bị hại; e) Tái phạm nguy hiểm; g) Gây thiệt hại cho tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng.
Trước đó, Dân trí đã có loạt bài phản ánh, năm 2011, bà Liên Mỹ Lén, ngụ xã Tân Phong, huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu có mua lại căn nhà số 156 từ bà Nguyễn Thị Gấm. Tuy nhiên, khi bà Lén đi làm giấy tờ chuyển quyền sử dụng thì bị phía bà Châu Thị Ba (ngụ xã Tân Phong) và bà Nguyễn Thị Liên (ngụ thị trấn Hộ Phòng) ngăn chặn không cho bà Lén làm giấy tờ.
Sau đó, bà Lén có đơn yêu cầu các ngành chức năng huyện Giá Rai và tỉnh Bạc Liêu làm rõ vụ việc trên. Sau khi nhận đơn, Công an tỉnh Bạc Liêu đã điều tra và kết luận việc mua bán từ thi hành án căn nhà 156 giữa bà Gấm và bà Lén là đúng pháp luật. Theo bà Lén, sau khi có kết luận của ngành chức năng việc bà sở hữu căn nhà là hợp pháp nên cuối tháng 7/2011, bà Lén mua vật liệu xây dựng và thuê thợ sửa chữa căn nhà thì bị phía bà Ba và bà Liên đến ngăn cản, đập phá.
Bà Lén cho biết, từ tháng 7/2011, mỗi khi bà sửa chữa nhà thì bà Ba và bà Liên lại xuất hiện ngăn cản, phá hoại tài sản của bà. Cho đến đầu tháng 3/2015, bà Ba và bà Liên bị lập biên bản tổng cộng 28 lần. Đến lần đập phá thứ 29 và bị lập biên bản thì Công an huyện Giá Rai mới có quyết định khởi tố bị can đối với bà Châu Thị Ba và bà Nguyễn Thị Liên về hành vi “Hủy hoại tài sản người khác”. Vào ngày 15/3/2015, các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can được tống đạt đến bà Ba, bà Liên. Tuy nhiên, dù bị lập biên bản và có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng bà Ba và bà Liên vẫn tiếp tục ngăn cản, đập phá tài sản của là Lén thêm 7 lần từ ngày 20/3 đến 8/4/2015.
Ngày 8/5, CQĐT Công an huyện Giá Rai đã tiến hành bắt tạm giam 2 tháng đối với bị can Nguyễn Thị Liên để điều tra hành vi “cản trở cơ quan điều tra”. Còn đối với bị can Châu Thị Ba, theo CQĐT, do bị can này có bệnh lý trong người, tâm lý không ổn định, dễ bị kích động, manh động dẫn đến hậu quả khó lường nếu bị bắt giam. Do đó, tạm thời Cơ quan CSĐT tiếp tục dùng biện pháp “mềm” để giáo dục, răn đe bị can này.
Tuy nhiên, theo gia đình bà Liên Mỹ Lén phản ánh, từ khi bị can Nguyễn Thị Liên bị bắt giam, bị can Châu Thị Ba đến nay vẫn tiếp tục có hành vi cản trở, hủy hoại tài sản của bà mỗi khi bà sửa lại nhà. Bà Lén cho biết, bà có báo lên chính quyền và công an nhưng các cơ quan địa phương vẫn không có động thái nào ngăn chặn hành vi của bà Ba.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
H.H