Nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả:

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án?

(Dân trí) - Liên quan đến nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả ở Sóc Trăng, Bộ Công thương được cho là có công văn có nội dung có lợi cho 2 cán bộ quản lý thị trường bị điều tra nhưng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng lại không đưa văn bản này vào hồ vụ án. Vì sao như vậy?

Theo diễn biến vụ nghi án cán bộ quản lý thị trường (QLTT) “giải cứu” phân bón giả, ngày 22/8/2018, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” đối với 2 bị cáo là Châu Hoài Phương (nguyên Phó Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng) và Ung Văn Thanh (nguyên Kiểm soát viên), trong phần thủ tục, chủ tọa phiên tòa công bố những tài liệu, chứng cứ mà HĐXX thu thập được. Đó là chứng cứ mới không có trong hồ sơ vụ án, nhưng đã được Bộ Công thương gửi cho cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng trước đây là công văn 3194 (ngày 27/4/2017) và 4743 (17/6/2018) cho rằng các phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm Khảo nghiệm phân bón vùng Nam Bộ (KKNPBNB) cấp ngày 27/6/2016 vẫn được xem là hợp pháp.

Lý do, tại thời điểm kiểm nghiệm phân bón thì Trung tâm KKNPBNB chưa nhận được quyết định của Bộ Công thương về việc hủy bỏ quyết định chỉ định cho Trung tâm này kiểm nghiệm phân bón. Từ đó, HĐXX cho rằng, các công văn của Bộ Công thương có nội dung có lợi cho các bị cáo, nên trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Vậy, vì sao cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng lại không đưa các văn bản của Bộ Công thương vào hồ vụ án?

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 1.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng, nơi có 2 cán bộ dính vào vụ án nghi "giải cứu" phân bón giả.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, Đại tá Dương Việt Hùng - Phó Thủ trưởng cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: Khi tiến hành xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu sai phạm của Đoàn kiểm tra liên ngành vật tư nông nghiệp do Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng chủ trì, cơ quan điều tra nhận thấy trong hồ sơ lưu của Đoàn kiểm tra liên ngành có nội dung Đoàn kiểm tra gửi mẫu phân bón có dấu hiệu nghi giả đến Trung tâm KKNPBNB để thử nghiệm.

Ngày 17/6/2016, Trung tâm KKNPBNB nhận mẫu và trả kết quả ngày 27/6/2016. Tuy nhiên, ngày 17/6/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm và chứng nhận phân bón vô cơ đã cấp cho Trung tâm KKNPBNB. Vì thế, cơ quan ANĐT đã gửi văn bản đến Vụ Pháp chế (Bộ Công thương) đề nghị xác định kết quả thử nghiệm đã trả lời của Trung tâm KKNPBNB có hợp pháp không?

Ngày 17/4/2017, Bộ Công thương ban hành Công văn số 3194/BCT-KHCN về việc xác định hiệu lực văn bản. Theo đó, xác định các Phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm KKNPBNB đã cấp ngày 27/6/2016 là hợp pháp, với lý do đến ngày 28/6/2016 Trung tâm mới nhận được Quyết định số 2466/QĐ-BCT của Bộ Công thương. Công văn này lại do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) trả lời chứ không phải do Vụ Pháp chế trả lời.

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 2.
Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 3.

Công văn số 3194 của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) gửi đến cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng.

Theo Đại tá Dương Việt Hùng, đây là vấn đề xác định tính hợp pháp của các Phiếu kết quả thử nghiệm, do Trung tâm KKNPBNB đã cấp, trong trường hợp Trung tâm này bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm. Việc xác định này được quy định rõ tại Điều 19 Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện một số điều về phân bón vô cơ. Theo đó, theo Khoản 3 Điều 19 của Thông tư: “Trường hợp quyết định chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp bị hủy bỏ, các kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp trong khoảng thời gian kể từ lần kiểm tra trước đến thời điểm hủy bỏ quyết định chỉ định sẽ không còn giá trị” (tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định là Trung tâm KKNPBNB; kết quả đánh giá sự phù hợp là kết quả thử nghiệm, giám định hoặc chứng nhận, các nội dung này được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 29/2014/TT-BCT).

Ngày 20/5/2016, Tổ công tác của Bộ Công thương do Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì, có Biên bản kiểm tra hoạt động đánh giá sự phù hợp tại Trung tâm KKNPBNB. Ngày 17/6/2016, Bộ Công thương ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc hủy bỏ quyết định chỉ định tổ chức thử nghiệm phân bón đối với Trung tâm KKNPBNB, căn cứ để ban hành quyết định là biên bản kiểm tra ngày 20/5/2016 của Tổ công tác của Bộ Công thương. Ngày 17/6/2016, Trung tâm KKNPBNB nhận mẫu thử nghiệm. Ngày 27/6/2016, Trung tâm này trả kết quả thử nghiệm.

Các thông tin trên cho thấy, lần kiểm tra trước là ngày 20/5/2016, thời điểm hủy bỏ quyết định chỉ định là ngày 17/6/2016, ngày nhận mẫu thử nghiệm trùng với ngày có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm, kết quả đánh giá sự phù hợp (kết quả thử nghiệm) được ban hành ngày 27/6/2016, tức là sau ngày có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm.

“Theo Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT thì kết quả thử nghiệm được ban hành trong khoảng thời gian từ lần kiểm tra trước (tức ngày 20/5/2016) đến ngày bị hủy bỏ chức năng thử nghiệm (tức ngày 17/6/2016) sẽ không còn giá trị. Theo điều khoản này, thì các kết quả thử nghiệm được ban hành từ ngày 21/5/2016 đến ngày 16/6/2016 là có giá trị tại thời điểm đó với điều kiện là chưa có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm, nhưng sang đến ngày 17/6/2016 thì các kết quả đó sẽ không còn giá trị, do đã có quyết định hủy bỏ chức năng thử nghiệm. Như vậy, dù cho Trung tâm KKNPBNB nhận được Quyết định số 2466/QĐ-BCT sau ngày 27/6/2016, thì các Phiếu kết quả thử nghiệm được ban hành từ ngày 21/5/2016 đến thời điểm nhận được quyết định này là không có giá trị”, Đại tá Dương Việt Hùng nhấn mạnh.

Theo nhận định của cơ quan ANĐT, đối chiếu Công văn số 3194/BCT-KHCN ngày 17/4/2017 của Bộ Công thương với Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT thì thấy rằng nội dung giải thích của công văn là trái với văn bản quy phạm pháp luật là Thông tư 29/2014/TT-BCT. Bởi vì, theo Thông tư thì các kết quả thử nghiệm trước hết phải có giá trị, khi có giá trị rồi thì mới hợp pháp (hợp pháp là phù hợp với quy định pháp luật), cụ thể là phù hợp với quy định tại Thông tư 29/2014/TT-BCT.

Công văn của Bộ Công thương cho rằng các kết quả thử nghiệm là hợp pháp, trong khi Thông tư của Bộ Công thương lại khẳng định các kết quả thử nghiệm là không còn giá trị. Do đó cần phải hiểu hợp pháp là những gì phù hợp với quy định pháp luật (gọi tắt là hợp pháp). Ở đây các kết quả thử nghiệm muốn hợp pháp thì trước hết nó phải có giá trị, khi nó có giá trị rồi thì nó mới phù hợp với quy định pháp luật, tức là phù hợp với điều khoản của Thông tư. Theo điều khoản của Thông tư thì các kết quả thử nghiệm là không còn giá trị, điều này phải được hiểu là nó không phù hợp với quy định Thông tư, nghĩa là không phù hợp với pháp luật, mà không phù hợp với pháp luật là không hợp pháp.

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 4.

Công văn số 4743 của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) gửi cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng.

Ngoài ra, đến ngày 14/6/2018 Bộ Công thương còn ban hành Công văn số 4743/BCT-KHCN với nội dung xác định: “Thông tư số 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ Công thương không quy định giá trị của Phiếu kết quả thử nghiệm do tổ chức đánh giá sự phù hợp ban hành”. Tuy nhiên, khi đối chiếu với Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT thì vẫn có nội dung quy định về giá trị của kết quả thử nghiệm.

Đại tá Dương Việt Hùng khẳng định: “Với căn cứ pháp lý và thông tin nêu trên, cơ quan ANĐT xác định Công văn số 3194/BCT-KHCN ngày 17/4/2017 và Công văn số 4743/BCT-KHCN ngày 14/6/2018 của Bộ Công thương là trái với Khoản 3 Điều 19 Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công thương, nghĩa là trái với quy định pháp luật. Do đó, cơ quan ANĐT đã không đưa các công văn nói trên vào hồ sơ vụ án là có căn cứ”.

Đại tá Dương Việt Hùng cũng thông tin, Công ty TNHH Con Cò Vàng có Công văn số 12.06/2016/CCV-CV (do bà Võ Thị Thanh Tuyền ký ngày 12/6/2016) gửi Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng giải thích về việc sản phẩm của công ty này phân phối cho doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên nhưng Đoàn kiểm tra lấy mẫu thử nghiệm (2 lần trước) không đạt yêu cầu “là do hàng phối trộn 3 yếu tố N, P205, K20 nên khi lấy mẫu kiểm tra có thể lấy không đều hoặc do bên Trung tâm kiểm nghiệm lấy mẫu đem phân tích không đều nên mới có kết quả là có chỉ tiêu vượt, chỉ tiêu đạt, chỉ tiêu chưa đạt; lô hàng (giao cho doanh nghiệp Hồ Mỹ Nhiên) được vận chuyển bằng đường ghe xuống đến Sóc Trăng mất cả tuần lễ, có thể chủ ghe không bảo quản tốt bị nắng nóng, bị thấm mưa,… cũng bị ảnh hưởng một phần đến chất lượng sản phẩm; ngoài ra, lô hàng này sản xuất gần 2 năm có thể do điều kiện bảo quản tại kho, nắng nóng bốc hơi và các yếu tố khách quan khác cũng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”.

Từ đó, Công ty Con Cò Vàng đề nghị “Chi cục QLTT Sóc Trăng xem xét và cho lấy mẫu và kiểm tra lại”. Chính từ công văn này nên mới có việc cho thử nghiệm lại lần 3 tại Trung tâm KKNPBNB và lần kiểm nghiệm này đạt chất lượng. Từ đó, Đoàn kiểm tra kết luận doanh nghiệp không sai phạm, không xử lý đối với chủ doanh nghiệp, giải tỏa số phân bón kém chất lượng đã niêm phong, giao cho chủ doanh nghiệp toàn quyền tiêu thụ.

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 5.
Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 6.

Công văn số 12.06 của Công ty Con Cò Vàng gửi Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng.

Theo Đại tá Dương Việt Hùng, trong quá trình xác minh, ngày 13/1/2017, cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có công văn đề nghị Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng cung cấp thông tin “Chi cục QLTT Sóc Trăng có nhận được Công văn số 12.06/2016/CCV-CV của Công ty Con Cò Vàng hay không? Nếu có thì người nào của Chi cục QLTT tiếp nhận và xử lý theo quy trình công văn đến, chuyển giao cho ai tiếp nhận? Công văn đến thời gian nào? Hiện nay công văn đó ở đâu?”

Ngày 18/1/2017, ông Nguyễn Việt Trung- Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn số 36/QLTT-TCHC khẳng định: “Qua rà soát, Chi cục QLTT tỉnh Sóc Trăng không có nhận được Công văn số 12.06/2016/CCV-CV ngày 12/6/2016 của Công ty Con Cò Vàng do Phó Tổng Giám đốc Võ Thị Thanh Tuyền ký”. Đáng nói hơn, công văn của Công ty Con Cò Vàng chỉ có chữ ký của bà Võ Thị Thanh Tuyền nhưng không đóng dấu theo quy định.

Vì sao cơ quan điều tra không đưa công văn của Bộ Công thương vào hồ sơ vụ án? - Ảnh 7.

Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng có công văn khẳng định không nhận được công văn 12.06 của Công ty Con Cò Vàng.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc vụ việc này.

B.D