Sóc Trăng:

Nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả, cơ quan điều tra nói gì?

(Dân trí) - Những ngày qua, dư luận người dân ở Sóc Trăng rất quan tâm đến nghi án “giải cứu phân bón rởm” có liên quan đến 2 cán bộ quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sóc Trăng về vụ án này.

Theo nhận định của Cơ quan ANĐT tỉnh Sóc Trăng, đây là vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan đến 2 cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường Sóc Trăng là ông Châu Hoài Phương (Phó Chi cục trưởng, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành) và ông Ung Văn Thanh (cán bộ Chi cục).

Theo hồ sơ, vào tháng 4/2016, Đoàn kiểm tra liên ngành do ông Châu Hoài Phương (làm Trưởng đoàn) đã kiểm tra, tạm giữ 148 bao phân bón gồm 3 loại phân khác nhau của DNTN Hồ Mỹ Nhiên (phường 1, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng). Kết quả giám định lần đầu, cả 3 mẫu phân bón bị tạm giữ đều không đạt chất lượng. Doanh nghiệp khiếu nại nên tiến hành kiểm định lần 2, vẫn không đạt. Tuy nhiên, các mẫu này sau đó được đưa đi kiểm định lần 3 thì kết quả lại đạt chất lượng nên toàn bộ số phân bị tạm giữ được giải phóng, trả lại cho doanh nghiệp tiêu thụ.

Hơn một năm sau, CQĐT Công an tỉnh Sóc Trăng khởi tố vụ án, bắt giam 2 người là ông Châu Hoài Phương và ông Ung Văn Thanh về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Cả 2 bị tạm giam 7 tháng thì cho tại ngoại.

Theo CQĐT, quy định của pháp luật tại thời điểm xảy ra vụ án, không có quy định cho kiểm định lần 3, nhưng ông Phương đã cho kiểm định lần 3. Việc kiểm định lần 3 thực hiện gửi mẫu vào ngày 17/6/2016 cho đơn vị kiểm định là Trung tâm Kiểm định Nam bộ, trong khi cùng ngày này Bộ Công Thương có quyết định thu hồi chức năng kiểm định của Trung tâm Kiểm định Nam bộ.

Ngoài ra, theo giám định viên Sở Nội vụ và Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng thì việc trả lại 148 bao phân bón cho DNTN Hồ Mỹ Nhiên bán ra thị trường đã gây thiệt hại vật chất và phi vật chất.

Tuy nhiên, suốt quá trình bị điều tra, cả ông Phương và ông Thanh đều kêu oan. Ông Phương dẫn quy định tại khoản 6 Điều 9 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa: “Người sản xuất có quyền khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra, quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Với quy định này, ông Phương cho rằng việc giám định lần 3 là theo yêu cầu hợp pháp của công ty sản xuất.

Nghi án cán bộ quản lý thị trường “giải cứu” phân bón giả, cơ quan điều tra nói gì? - Ảnh 1.

Vụ án có liên quan đến 2 cán bộ thuộc Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng.

Khi được hỏi hành vi sai phạm cụ thể của các bị can trong vụ án là gì? Đại tá Dương Việt Hùng - Phó Thủ trưởng Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng cho biết: Trong quá trình thực thi công vụ, khi kiểm tra phát hiện phân bón không có hồ sơ công bố hợp quy, Đoàn kiểm tra liên ngành lấy mẫu đưa đi thử nghiệm để xác định phân bón đảm bảo chất lượng hay kém chất lượng theo chỉ tiêu ghi trên bao bì và lấy kết quả thử nghiệm làm căn cứ để xử lý theo quy định pháp luật.

Cụ thể, theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, thì Đoàn kiểm tra chỉ được thử nghiệm lần đầu, nếu có khiếu nại thì cho thử nghiệm lại và kết quả thử nghiệm lại là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng.

Thực tế trong vụ án này là các bị can đã thông báo cho người bán hàng được quyền khiếu nại kết quả thử nghiệm lần đầu, sau đó tiến hành đầy đủ trình tự, thủ tục để thử nghiệm lại theo yêu cầu của người bán hàng, bị can đã giải thích rõ quy định pháp luật về kết quả thử nghiệm lại (lần 2) là kết quả cuối cùng để xử lý, nhưng khi có kết quả thử nghiệm lại thì không sử dụng để giải quyết mà cho tiến hành thử nghiệm lần 3.

Hành vi trái pháp luật của các bị can trong vụ án là cho tiến hành thử nghiệm lần 3 để lấy kết quả thử nghiệm lần 3 làm căn cứ để xử lý, kết luận cuối cùng. Việc lấy kết quả thử nghiệm lần 3 để kết luận xử lý được thực hiện bằng việc lợi dụng chức vụ quyền hạn chỉ đạo làm khống biên bản cuộc họp Đoàn kiểm tra, sau đó mang đến cho từng thành viên ký vào, các bị can đã sử dụng biên bản khống này để giải tỏa lô phân bón kém chất lượng đã được niêm phong. Riêng đối với lô phân bón này, qua 2 lần thử nghiệm có kết quả đều không đạt, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) đã có văn bản kết luận là phân bón giả.

Về kết quả thử nghiệm lần 3, theo Đại tá Dương Việt Hùng, pháp luật không quy định việc thử nghiệm lần 3 mà chỉ quy định thử nghiệm lần đầu và thử nghiệm lại. Việc thử nghiệm lại chỉ được thực hiện khi có khiếu nại đối với kết quả thử nghiệm lần đầu, lần thử nghiệm lại này phải được thực hiện theo trình tự thủ tục bắt buộc do pháp luật quy định. Vấn đề quan trọng nhất là pháp luật quy định phải lấy kết quả của lần thử nghiệm lại (tức thử nghiệm lần 2) là căn cứ để xử lý, kết luận cuối cùng, nếu làm trái quy định này là trái pháp luật.

Trong vụ án này, các bị can đã thực hiện đầy đủ trình tự thủ tục bắt buộc do pháp luật quy định khi tiến hành lần thử nghiệm lại, từ đó mà có được kết quả thử nghiệm lại một cách khách quan, đúng pháp luật. Tuy nhiên, các bị can đã không lấy kết quả thử nghiệm lại này để xử lý, kết luận cuối cùng, mà lại cho tiến hành thử nghiệm lần 3. Sau đó lấy kết quả thử nghiệm lần 3 để xử lý, kết luận cuối cùng. Đó cũng chính là hành vi trái pháp luật của các bị can trong vụ án.

Về tính hợp pháp của kết quả thử nghiệm lần 3, Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN không có quy định việc thử nghiệm lần 3, nên việc thử nghiệm lần 3 là không phù hợp, do đó các thông tin tài liệu liên quan đến việc thử nghiệm lần 3 và kết quả thử nghiệm lần 3 đều được coi là bất hợp pháp.

Hơn nữa, quy trình thử nghiệm lần 3 không đúng quy định của pháp luật. Cụ thể, tại Biên bản lấy mẫu ngày 13/4/2016 của Đoàn kiểm tra liên ngành đã có ghi rõ “Thời gian lưu mẫu là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản lấy mẫu”, tuy nhiên đến ngày 13/6/2016 (tức là 60 ngày sau) thì lại lấy mẫu lưu đưa đi thử nghiệm lần 3. Về nguyên tắc, mẫu lưu này đã không tồn tại từ sau ngày 13/5/2016 theo biên bản ấn định, vậy thì mẫu ở đâu mà có để đưa đi thử nghiệm, tình tiết này lại phù hợp với việc lập biên bản khống về việc mã hóa mẫu phân bón lập ngày 13/6/2016 để đưa đi thử nghiệm lần 3, đó là khi mã hóa mà không có mẫu phân bón. Như vậy, có căn cứ để xác định mẫu đưa đi thử nghiệm lần 3 không phải là mẫu được lấy theo Biên bản lấy mẫu ngày 13/4/2016 của Đoàn kiểm tra liên ngành.

Trước thông tin các bị can dựa vào điểm a Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ KH&CN để thông báo cho người sản xuất là Công ty Con Cò Vàng, để người sản xuất biết và khiếu nại kết quả thử nghiệm lần 2, do đó việc các bị can chấp nhận khiếu nại của người sản xuất và cho thử nghiệm lần 3, theo Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng, theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN, thì người bán hàng được liên hệ với người sản xuất là để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa trong thời hạn ghi trong biên bản.

Căn cứ theo quy định trên, trong vụ án này người sản xuất chỉ được tham gia vào việc thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa về những vấn đề không phải là kết quả thử nghiệm, bởi vì nếu kết quả thử nghiệm không đạt theo chỉ tiêu chất lượng công bố trên bao bì, thì phải bị xử lý vi phạm. Ở đây pháp luật không có quy định cho phép người sản xuất tham gia khắc phục, sửa chữa đối với chất lượng số phân bón bị kiểm tra, nếu các bị can hoặc Đoàn kiểm tra thông báo cho người sản xuất biết kết quả thử nghiệm mẫu phân không đạt để nhà sản xuất khiếu nại là không đúng quy định Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN.

Đại tá Dương Việt Hùng khẳng định: “Điều cần phải được hiểu rõ ở đây là pháp luật không cho phép người sản xuất được tham gia khắc phục, sửa chữa đối với lỗi sản xuất hàng hóa không đảm bảo chất lượng. Việc hàng hóa lưu thông ra thị trường mà không đảm bảo chất lượng thì phải bị xử lý theo quy định pháp luật, không có chuyện khi hàng hóa bị phát hiện không đảm bảo chất lượng thì người sản xuất được quyền tham gia khắc phục, sửa chữa, nếu người sản xuất được làm như vậy thì còn đâu là kỷ cương luật pháp”.

Sau khi có kết quả thử nghiệm lại (thử nghiệm lần 2 mẫu không đạt), Công ty Con Cò Vàng có Công văn số 12.06/2016/CCV-CV ngày 12/6/2016 đề nghị Đoàn kiểm tra “xem xét cho lấy mẫu và kiểm tra lại”. Vấn đề được đặt ra là, Công ty Con Cò Vàng “biết mình” không có quyền khiếu nại trong trường hợp này theo quy định tại Khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa nên Công văn không có nội dung khiếu nại đối với kết quả thử nghiệm mà yêu cầu cho lấy mẫu và kiểm tra lại, nhưng các bị can vẫn tiếp nhận Công văn, sau đó cho người đưa mẫu đi thử nghiệm lần thứ 3 là không thỏa mãn yêu cầu của Công ty Con Cò Vàng.

Việc giám định lần 3 là do Đoàn kiểm tra liên ngành áp dụng Khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để giải quyết khiếu nại của nhà sản xuất, quan điểm của Cơ quan ANĐT cho rằng: Nếu cho rằng trong vụ án này phải áp dụng Khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa để giải quyết khiếu nại của nhà sản xuất là không đúng quy định pháp luật.

Theo Đại tá Dương Việt Hùng, theo quy định của điều luật trên, nhà sản xuất được quyền khiếu nại, và đối tượng khiếu nại của nhà sản xuất là “Kết luận của đoàn kiểm tra” hoặc khiếu nại “Quyết định của cơ quan kiểm tra, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền”. Trong vụ án này, Đoàn kiểm tra chỉ lấy mẫu phân bón đi thử nghiệm, chưa ban hành một kết luận nào, cơ quan có thẩm quyền cũng chưa ban hành một quyết định nào, thì cơ sở nào để nhà sản xuất khiếu nại, khiếu nại về vấn đề gì?

“Điều cần lưu ý ở đây là không được đánh tráo khái niệm giữa “Khiếu nại kết quả thử nghiệm” với “Khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra”, đây là 2 nội dung hoàn toàn khác nhau và được pháp luật điều chỉnh khác nhau. Việc khiếu nại kết quả thử nghiệm phân bón được điều chỉnh bởi Khoản 3 Điều 20 Thông tư 29/2014/TT-BCT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương, việc khiếu nại kết luận của đoàn kiểm tra được điều chỉnh bởi Khoản 6 Điều 9 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa”, Đại tá Hùng giải thích thêm.

Liên quan đến vấn đề trưng cầu giám định và kết luận giám định tư pháp, Cơ quan ANĐT xác định đã được thực hiện theo quy định của Luật Giám định tư pháp, các Giám định viên tư pháp là người đủ tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, là chuyên gia trên lĩnh vực và ngành đang công tác, được Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm làm Giám định viên tư pháp. Kết luận giám định của Giám định viên tư pháp là văn bản được Luật Giám định tư pháp bảo vệ, việc có sử dụng kết luận giám định hay không là thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Không có tổ chức hay cá nhân nào được phép can thiệp vào quá trình giám định và kết luận giám định.

Đại tá Dương Việt Hùng thông tin thêm: Ngày 2/10, Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã có Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án vì theo yêu cầu điều tra bổ sung của Tòa án phải giám định bổ sung, nhưng hiện nay chưa có kết quả giám định nên Cơ quan ANĐT căn cứ điểm c khoản 1 Điều 229 Bộ luật Tố tụng hình sự quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án để chờ các kết quả giám định. Sau khi có kết quả trưng cầu giám định, Cơ quan ANĐT sẽ phục hồi điều tra vụ án, kết luận điều tra bổ sung và chuyển hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát tiếp tục truy tố để Tòa án xử lý các bị can theo quy định của pháp luật.

B.D