Bài 9:

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Sở Tài chính TP Hà Nội không thể trốn trách nhiệm!

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí đăng tải loạt bài cổ phần hoá tại HACINCO khiến 23 nhà đầu tư bỏ hơn 21 tỷ “tiền tươi” đi đuổi “vịt trời” suốt 10 năm, UBND TP Hà Nội đã liên tục ra văn bản chỉ đích danh Sở Tài chính TP Hà Nội phải chủ trì xử lý dứt điểm vụ việc này. Vậy trách nhiệm của Sở Tài chính như thế nào trong vụ việc gây bức xúc này?

Liên quan đến vụ việc, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội dưới góc nhìn pháp lý.

Theo luật sư Lam Hồng thì để xảy ra tình trạng chậm chễ này, một trong những đơn vị phải trách nhiệm chính là Sở Tài chính TP Hà Nội - với tư cách không chỉ là thành viên Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp

Thứ nhất, Sở Tài chính đã không thực hiện đúng trách nhiệm đã được phân công.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 40 Nghị định 187/2004 thì: “Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổng công ty nhà nước thực hiện công tác cổ phần hoá theo quy định của pháp luật và phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được phê duyệt”.


Lần thứ 2 UBND TP Hà Nội ra công văn yêu cầu đích danh Sở Tài chính chủ trì xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Lần thứ 2 UBND TP Hà Nội ra công văn yêu cầu đích danh Sở Tài chính chủ trì xử lý dứt điểm vụ cổ phần hoá tại HACINCO.

Như vậy, Sở Tài chính cùng với các cơ quan liên quan có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ giám sát, đôn đốc HACINCO trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, Sở Tài chính đã không thực hiện đúng trách nhiệm của mình, khiến cho quá trình cổ phần hóa tại HACINCO xảy ra quá nhiều sai phạm (như chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động, chuyển nợ lương sai quy định... - theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ). Đặc biệt, những sai phạm này đã không được khắc phục kịp thời nên việc cổ phần hoá HACINCO đã bị dừng lại, dẫn đến việc xử lý và giải quyết hậu quả ở những thời điểm sau này trở nên vô cùng phức tạp, khiến cho vụ việc bị kéo dài trên một thập kỷ rồi vẫn chưa được giải quyết đúng đắn, hợp pháp và dứt điểm.

Thứ hai, do không thực hiện tốt trách nhiệm của mình nên đã để xảy ra những sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO. Thế nhưng khi những sai phạm đó bị phát hiện, Sở Tài chính lại đưa ra phương án trái luật để trình UBND TP Hà Nội xem xét: tại Công văn số 441/STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006 đưa ra kiến nghị 3 phương án để xử lý đối với số cổ phần không bán hết tại HACINCO, trong đó có phương án 2 là giữ nguyên mức vốn điều lệ và tăng tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần.

Phương án tăng tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại công ty cổ phần nếu được thực hiện sẽ là trái pháp luật, bởi việc tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP “...Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); đồng thời không tuân thủ đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.


Vụ cổ phần hoá vịt trời tại HACINCO khiến dư luận bức xúc.

Vụ cổ phần hoá "vịt trời" tại HACINCO khiến dư luận bức xúc.

Nếu phương án này được áp dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động, bởi việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của họ tại doanh nghiệp, đi kèm sẽ là giảm mức lợi nhuận, lợi tức mà họ được hưởng theo tỷ lệ cổ phần của mình, trong khi hơn mười năm qua các nhà đầu tư và người lao động đã bỏ tiền ra mua cổ phần, số tiền đó đã được chuyển về HACINCO để phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty này, còn Nhà nước thì không có đóng thêm bất cứ số tiền nào, ngoài số tiền đã được xác định tại thời điểm cổ phần hoá năm 2005.

Thứ ba, Sở Tài chính phải chịu trách nhiệm trong việc để cho việc cổ phần hoá tại HACINCO bị chậm chễ, kéo dài suốt hơn một thập kỷ qua, gây ảnh hưởng lớn đến quyền – lợi ích của các nhà đầu tư cũng như người lao động, làm ảnh hưởng nghiêm trong đến quá trình cổ phần hoá doanh nghiệp của nhà nước ta. Bởi trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, từ khi có Quyết định 7252 ngày 29/10/2004 của UBND TP Hà Nội cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa, trải qua các giai đoạn cổ phần hóa khác nhau cho đến khi những sai phạm trong cổ phần hóa của HACINCO bị phát hiện và cho đến nay, UBND TP Hà Nội đã liên tục có các văn bản chỉ đích danh Sở Tài chính phải phối hợp với Tổng công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO), Công ty đầu tư xây dựng số 2 (HACINCO) để giải quyết dứt điểm và tiến tới hoàn thiện việc Cổ phần hoá, thế nhưng cơ quan này vẫn không thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, dẫn đến việc cổ phần hoá vẫn bị chậm chễ, vẫn bị bế tắc như hơn mười năm về trước. Cụ thể:

-Trong Quyết định số 6680 ngày 29/9/2005 của UBND TP Hà Nội về phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Hacinco, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo: Giao thường trực ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Thành phố (Chi cục tài chính doanh nghiệp Hà Nội) chủ trì phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện: Chỉ đạo Hacinco và công ty chứng khoán Bảo Việt tổ chức bán đấu giá cổ phần ra bên ngoài doanh nghiệp tại trung tâm giao dịch chứng khoán và phân phối số lượng cổ phần ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp; thẩm tra và trình UBND TP quyết định phê duyệt quyết toán chi phí cổ phần hóa…

- Ngày 30/11/2005, UBND TP Hà Nội có Quyết định số 7867 về việc điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ của công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trong đó đã giao cho các sở tài chính, sở tài nguyên môi trường…chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, trong đó cổ phần của Nhà nước chiếm 9,65%, cổ phần của người lao động chiếm 11, 85% và cổ phần của các nhà đầu tư chiếm 78,5% vốn điều lệ của HACINCO.

- Ngày 7/6/2006, UBND TP Hà Nội có văn bản số 126 giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với HADINCO và các liên ngành chỉ đạo HACINCO triển khai ngay các biện pháp xử lý, khắc phục sai phạm để hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định và đảm bảo tiến độ.

Giao sở tài chính dự thảo văn bản của UBND TP gửi Bộ công an đề nghị sớm có kết luận điều tra về vụ việc HACINCO để UBND TP có căn cứ tiếp tục chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp theo đúng quy định.

Vụ cổ phần hoá “vịt trời” tại HACINCO: Sở Tài chính TP Hà Nội không thể trốn trách nhiệm! - 3


Quyết định cổ phần hoá HACINCO đã được ký cách đây hơn 10 năm.

Quyết định cổ phần hoá HACINCO đã được ký cách đây hơn 10 năm.

- Trong thông báo số 14 ngày 02/4/2010 của Văn phòng UBND TP Hà Nội về ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch Thường trực UBND TP tại cuộc họp giao ban UBND Thành phố ngày 26/3/2010, Phó chủ tịch thường trực UBND thành phố Phí Thái Bình đã có ý kiến chỉ đạo giao Sở Tài chính (Thường trực ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp) hoàn chỉnh hồ sơ trình UBND Thành Phố phê duyệt điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển HACINCO thành công ty cổ phần.

- Ngày 28/3/2011, UBND TP Hà Nội có công văn số 2096 chỉ đạo Sở Tài chính (thường trực Ban Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Thành phố) hướng dẫn, chỉ đạo HADINCO, HACINCO khẩn trương giải quyết các tồn tại trong quá trình cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2 theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo UBND Thành Phố để báo cáo thủ tướng chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2011.

- Ngày 05/10/2011, UBND TP Hà Nội có công văn 3662 trong đó có nội dung giao Sở Tài chính theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa HACINCO, báo cáo Ban Đổi Mới và phát triển doanh nghiệp Thành phố, UBND TP chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền.

- Ngày 8/8/2013, Các nhà đầu tư đã có đơn kiến nghị gửi đến UBND TP Hà Nội về việc giải quyết dứt điểm cổ phần hóa ở HACINCO. UBND TP Hà Nội đã có công văn số 5776 ngày 13/8/2013 yêu cầu Sở Tài chính, HANDICO và HACINCO nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố tại văn bản 2096 ngày 38/3/2011 (trong văn bản này có nội dung: giao Sở Tài chính – Thường trực ban đổi mới phát triển doanh nghiệp thành phố, hướng dẫn HANDICO, HACINCO khẩn trương giải quyết tồn tại trong quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật, báo cáo UBND TP Hà Nội để báo cáo thủ tướng chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2011).

- Ngày 18/11/2013, UBND TP Hà Nội có công văn số 6552, trong đó có nêu: Theo báo cáo của Sở tài chính, Quyết định 1886 của UBND Thành phố vẫn chưa được thực hiện. Để giải quyết dứt điểm tồn tại trong quá trình cổ phần hóa công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội, yêu cầu Sở Tài Chính báo cáo rõ nguyên nhân, lý do Quyết định số 1886 chưa được thực hiện cũng như vướng mắc (nếu có) trong việc thực hiện quyết định số 1886 ngày 22/4/2010 của UBND Thành Phố, đề xuất phương án giải quyết; Sở Tài chính báo cáo UBND Thành phố trước ngày 30/11/2013.


23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị ém nhẹm trái pháp luật.

23 nhà đầu tư đã thanh toán hơn 21 tỷ đồng cho một công ty thuộc quản lý của UBND TP Hà Nội nhưng suốt 10 năm đã bị "ém nhẹm" trái pháp luật.

- Ngày 11/8/2014, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 5108 tiếp tục yêu cầu Sở Tài chính nghiêm túc thực hiện và khẩn trương phối hợp với HANDICO, HACINCO và các đơn vị có liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND TP, báo cáo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Thành phố và UBND Thành phố trong tháng 8/2014.

- Ngày 3/12/2015, UBND TP Hà Nội đã có công văn số 8384 gửi Giám đốc Sở Tài chính, HADINCO, HACINCO, yêu cầu Sở tài chính phối hợp với HADINCO, HACINCO khẩn trương thực hiện Quyết định 1886 ngày 22/4/2010 của UBND TP để chuyển HACINCO thành công ty cổ phần.

- Ngày 1/3/2016, UBND TP Hà Nội tiếp tục có công văn 1433 trong đó giao Sở tài chính chủ trì, phối hợp với HANDICO, HACINCO phối hợp với các Sở ngành liên quan giải quyết dứt điểm cổ phần hóa HACINCO.

Có thể thấy, qua các thời kỳ, UBND TP Hà Nội đã luôn khẩn trương, quyết liệt và nghiêm túc chỉ đạo Sở Tài chính phối hợp cùng các cơ quan liên quan để giải quyết dứt điểm cổ phần hóa tại HACINCO. Thế nhưng cho đến nay những tồn đọng của quá trình cổ phần hoá tại HACINCO dường như vẫn còn nguyên, và vẫn chưa có một câu trả lời hợp pháp, hợp lý, hợp tình cho sự ngóng đợi của những người lao động và của các nhà đầu tư đang sở hữu hợp pháp hơn 90% số cổ phần tại HACINCO, thông qua phiên đấu giá công khai từ những năm 2015.

Vậy đâu là nguyên do của việc kéo dài tiến trình cổ phần hóa tại HACINCO? Để giải đáp được câu hỏi này, phải chăng chúng ta cần làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Tài chính trong việc liên tục có văn bản chỉ đạo của UBND TP Hà Nội nhưng cho đến nay những vướng mắc tồn tại vẫn chưa có lời giải đáp, khiến cho vụ việc cổ phần hóa HACINCO vẫn chưa có hồi kết?

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm