Vấn đề pháp lý từ 2 chiếc túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, việc có trả lại 2 chiếc túi cho gia đình bị cáo hay không phụ thuộc nhận định về việc tài sản có phải vật chứng và có ảnh hưởng tới quá trình xử lý vụ án, thi hành án hay không.

Liên quan tới việc xét xử đại án Vạn Thịnh Phát, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) mới đây đã bày tỏ nguyện vọng được xin lại 2 chiếc túi Hermes bạch tạng. Theo bị cáo, những chiếc túi này có giá trị không nhiều, muốn HĐXX xem xét cho xin lại để sau này cho con cháu làm kỷ niệm. 

Nhiều độc giả Dân trí thắc mắc, căn cứ quy định của pháp luật, yêu cầu của bị cáo có thể được chấp thuận hay không?. 

Vấn đề pháp lý từ 2 chiếc túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan - 1

Bị cáo Trương Mỹ Lan (Ảnh: Hải Long).

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong các cơ quan tiến hành tố tụng, luật sư Dương Đức Thắng (Giám đốc Công ty Luật Đức Trí Tín, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, vật chứng được hiểu là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về việc xử lý vật chứng, trong giai đoạn vụ án được đưa ra xét xử, việc xử lý vật chứng sẽ thuộc thẩm quyền của Hội đồng xét xử. Theo đó, nguyên tắc xử lý như sau: 

Đối với vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

Đối với vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án, nếu xét thấy tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng hoặc là vật chứng nhưng không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án và thi hành án thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ trả lại tài sản cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản đó. 

Đối với trường hợp này, ông Thắng nhìn nhận việc cơ quan tiến hành tố tụng thu giữ tài sản trong đó bao gồm 2 túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan để phục vụ cho quá trình giải quyết vụ án là có cơ sở. Suốt quá trình vụ án được giải quyết, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá tài sản trên có phải vật chứng hay không, nếu là vật chứng thì có ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án hoặc thi hành án hay không. Kết quả đánh giá trên sẽ là cơ sở để xem xét trả lại 2 chiếc túi cho gia đình bị cáo. 

"Trong vụ án này, thiệt hại mà bị cáo gây ra là rất lớn. Trong trường hợp số tiền còn lại không đủ đảm bảo thi hành án, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ áp dụng các biện pháp cưỡng chế, kê biên tài sản nhằm đảm bảo nghĩa vụ thi hành án của bị cáo. Đối với 2 chiếc túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan, nếu không phải vật chứng trong vụ án, tài sản này có thể được tuyên trả lại cho bị cáo. 

Tuy nhiên, tại giai đoạn thi hành án, nếu số tài sản đã bị tịch thu, kê biên trong vụ án của bà Lan chưa thể đảm bảo nghĩa vụ thi hành án, cơ quan thi hành án có thể tiến hành xử lý các tài sản khác, trong đó có 2 chiếc túi xách của bị cáo, nhằm đảm bảo việc thi hành án theo quy định của pháp luật", ông Thắng bình luận. 

Vấn đề pháp lý từ 2 chiếc túi Hermes của bà Trương Mỹ Lan - 2

Chiếc túi Hermès Himalaya Birkin 35 hiếm có trong buổi đấu giá tại Paris năm 2016, trị giá quy đổi sang tiền Việt Nam trong khoảng 4,4 tỷ đến 7,3 tỷ đồng (Ảnh: Reuters).

Liên quan tới khối tài sản của bà Trương Mỹ Lan trong vụ án Vạn Thịnh Phát, quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản, tài khoản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan, những người được bà Lan nhờ đứng tên và các bị cáo.

Cụ thể, cơ quan điều tra thu giữ 224 tỷ đồng của bà Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.

Kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bà Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được bà Lan nhờ đứng tên có tổng giá trị quy đổi khoảng 12.313 tỷ đồng tại nhiều tập đoàn, công ty; kê biên 9 bất động sản của bà Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.