Bị cáo Trương Mỹ Lan xin giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản

Xuân Duy

(Dân trí) - Liên quan tới các tài sản bị kê biên trong quá trình điều tra, bị cáo Trương Mỹ Lan xin HĐXX giải tỏa kê biên để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho các bị hại.

Sáng 30/9, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi.

Muốn đấu giá 18% cổ phần vốn góp

Tại buổi làm việc sáng nay, HĐXX dành nhiều thời gian hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan liên quan tới 18% cổ phần vốn góp tại Vietcombank Bonday Bến Thành.

Bị cáo Trương Mỹ Lan xin giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản - 1
Bị cáo Trương Mỹ Lan. (Ảnh: Hải Long).

Hồ sơ vụ án thể hiện, Bộ Công an đã kê biên 18% cổ phần tại Vietcombank Bonday Bến Thành. Số cổ phần này do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TPHCM (Setra) nắm giữ.

Được triệu tập tới tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, đại diện Vietcombank Bonday Bến Thành xác nhận thông tin trên. Đồng thời, đại diện của pháp nhân này đề nghị HĐXX xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Còn đại diện Vietcombank đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên số tài sản trên và cho chuyển nhượng phần vốn góp trên. Đồng thời, ngân hàng này đã thuê đơn vị thẩm định, 18% cổ phần trên có giá hơn 920 tỷ đồng, chứng thư thẩm định giá đã được gửi tới tòa.

Đại diện Vietcombank nói đơn vị này và Vạn Thịnh Phát có ký kết thỏa thuận chuyển nhượng phần vốn góp trên, trình tự, thủ tục đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tiếp đó, HĐXX tiến hành hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan về tài sản trên. Người phụ nữ này nói bản chất 18% vốn góp tại Vietcombank Bonday Bến Thành là tài sản của mẹ bị cáo. Dù số tài sản này không liên quan SCB nhưng bà vẫn mong muốn đem vào để khắc phục hậu quả.

Khi được tòa hỏi về phương án giải quyết, bà chủ Vạn Thịnh Phát nói muốn tổ chức đấu giá, không muốn thỏa thuận. Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX giải tỏa nhiều tài sản của mình để khắc phục hậu quả, bồi thường cho các trái chủ vì giá trị không lớn.

Khi được hỏi, đại diện Công ty Setra nói trên giấy tờ không thể hiện tổ chức này đứng tên thay bà Trương Mỹ Lan.

Chủ tọa nêu giữa Vạn Thịnh Phát và Vietcombank có ký thỏa thuận chuyển nhượng 18% vốn góp để khắc phục hậu quả. Tại tòa, đại diện Setra nói 2 bên đã thống nhất được mức giá là hơn 920 tỷ đồng và đang chờ các thủ tục chuyển nhượng.

Mang phần vốn góp dự án Hòn Ngọc Viễn Đông khắc phục hậu quả

Hồ sơ vụ án thể hiện, nhà chức trách đã kê biên 84,82% vốn góp tại Công ty TNHH đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (hơn 4.580 tỷ đồng) do bà Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên.

Tại tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị HĐXX xem xét giải tỏa kê biên khối tài sản trên. Bà chủ Vạn Thịnh Phát khai dự án đô thị Ngọc Viễn Đông đã bồi thường xong 30ha. Về số tiền thực hiện dự án trên, bị cáo Lan nói là tiền riêng của mình, không liên quan tới SCB.

Bị cáo Trương Mỹ Lan xin giải tỏa kê biên hàng loạt tài sản - 2
Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: Hải Long).

Được tòa hỏi về nguồn gốc hình thành dự án trên, bà Lan nói mình có góp vốn 50% tầm 2.000 tỷ đồng, phần còn lại do một người bạn ở nước ngoài góp vốn, không liên quan tới Vạn Thịnh Phát.

"Nếu dự án thành công sẽ mang lại nguồn lợi lớn, không dưới 50.000 tỷ đồng. Bị cáo sẵn sàng mang vào khắc phục hậu quả còn không khắc phục thì sẽ mang đi làm từ thiện chứ bị cáo không có nhu cầu tiêu xài cá nhân", bị cáo Lan trình bày.

Tiếp đó, HĐXX hỏi bà Trương Mỹ Lan, Trương Huệ Vân (cháu bà Lan). Những bị cáo này xin tòa xem xét giải tỏa hàng loạt tài sản đang bị kê biên trong vụ án.

Quá trình điều tra, Bộ Công an đã rà soát, truy thu, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch các tài sản, tài khoản có nguồn gốc từ hành vi phạm tội của bà Lan, những người được bà Lan nhờ đứng tên và các bị cáo.

Cụ thể, cơ quan điều tra thu giữ 224 tỷ đồng của bà Lan; phong tỏa 79 tài khoản của các bị cáo trị giá hơn 92 tỷ đồng và 1,6 triệu USD; ngăn chặn giao dịch 205 tài khoản thanh toán, sổ tiết kiệm, tài khoản chứng khoán TVSI của các bị cáo, người liên quan, các pháp nhân liên quan với tổng số tiền 824 tỷ đồng và gần 262.000 USD.

Kê biên, ngăn chặn giao dịch đối với số cổ phần, phần vốn góp liên quan đến bà Lan, các bị cáo khác và các cá nhân được bà Lan nhờ đứng tên có tổng giá trị quy đổi khoảng 12.313 tỷ đồng tại nhiều tập đoàn, công ty; kê biên 9 bất động sản của bà Lan và các bị cáo tại Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng.