UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo đẩy nhanh tiến trình cổ phần hoá tại Hacinco
Ròng rã hơn 10 năm qua, 23 nhà đầu tư vào Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) đi kiến nghị khắp nơi yêu cầu Hacinco phải thực hiện một chủ trương đúng của Thành phố. Thế nhưng, đáp lại sự cầu thị của các nhà đầu tư là sự thờ ơ, cố tình né tránh của Hacinco. Hậu quả là sự chậm trễ trong quá trình cổ phần hóa Hacinco đã khiến cho 23 nhà đầu tư cùng người lao động bị chiếm dụng 21 tỷ đồng ròng rã hơn 10 năm qua.
Hành trình gian nan
Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) là một đơn vị thuộc Tổng Công ty đầu tư và phát triển nhà Hà Nội.
Ngày 29/10/2004, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 7252/QĐ-UB cho phép HACINCO triển khai cổ phần hóa. Ngày 29/9/2005, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO với một số nội dung chính như sau: Thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa: 31/12/2004; Giá trị thực tế doanh nghiệp: 260.208.975.812 đồng; Giá trị thực tế vốn nhà nước: 7.189.588.114 đồng; Vốn điều lệ dự kiến: 50 tỷ đồng; Giá khởi điểm cổ phần chào bán: 10.000 đồng/1 cổ phần.
Ngày 25/10/2005, 23 nhà đầu tư đã mua cổ phần của HACINCO trong phiên đấu giá được tổ chức công khai tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội. 23 nhà đầu tư này đã thực hiện nghiêm túc quy trình, thủ tục mua cổ phần từ việc đăng ký tham gia cho đến việc đặt cọc, nộp phiếu tham dự đấu giá và thanh toán mua cổ phần theo đúng các quy địnhvới tổng số tiền đã thanh toán là hơn 21 tỷ đồng.
Ngày 01 – 02/12/2005, HACINCO đã tiến hành Đại hội cổ đông lần đầu để thông qua Điều lệ, Phương án sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa và bầu Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát Công ty cổ phần. Tuy nhiên, 10 năm sau đó, đến tận ngày hôm nay, HACINCO vẫn chưa hoàn thiện quá trình cổ phần hóa theo đúng quy định pháp luật khiến 23 nhà đầu tư “chết mòn” trong vô vọng.
Sau rất nhiều lần gửi đơn từ kiến nghị đến kêu cứu, những vấn đề còn tồn tại trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO đã được các cơ quan, ban ngành có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương chỉ đạo, hướng dẫn, khắc phục để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa thể hiện tại các văn bản như: Văn bản của Văn phòng Chính phủ (Công văn số 7409/VPCP-ĐMDN ngày 19/12/2006, Công văn số 1577/VPCP-ĐMDN ngày 26/3/2007, Công văn số 3311/VPCP-ĐMDN ngày 15/6/2007, Công văn số 6025/VPCP-ĐMDN ngày 01/9/2009, Công văn số 6561/VPCP-KNTN ngày 22/9/2009, Công văn số 1704/VPCP-KNTN ngày 22/3/2011…); Văn bản của UBND TP Hà Nội: (Quyết định 7867/QĐ-UB ngày 30/11/2005, Công văn số 03/VP-KT ngày 03/01/2006, Thông báo số 75/TB-UB ngày 05/4/2006, Thông báo 126/TB-UBND ngày 07/6/2006, Công văn số 5131/UBND-CN ngày 06/11/2006, Công văn số 592/UBND-CN ngày 30/01/2007, Công văn số 5776/UBND-KT ngày 13/8/2013, Công văn số 5108/VP-KT ngày 11/8/2014… ) cùng rất nhiều các văn bản chỉ đạo khác của các Bộ, ban ngành của Trung ương và TP Hà Nội để tháo gỡ những tồn tại, khó khăn trong quá trình cổ phần hóa, đồng thời luôn yêu cầu HACINCO nghiêm túc thực hiện đúng nhiệm vụ của mình.
Cũng đã hơn 10 năm trôi qua, bất chấp sự chỉ đạo, hướng dẫn sát sao của các cơ quan ban ngành từ Trung ương tới địa phương, quá trình cổ phần hóa tại HACINCO vẫn dậm chân tại chỗ, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của 23 nhà đầu tư.
Những khuất tất trong quá trình cổ phần hoá Hacinco
Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 về việc “Phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội”, ngày 30/11/2005 UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số 7867/QĐ-UB điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO theo hướng giảm vốn điều lệ tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được.
Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động, chuyển nợ lương sai quy định… (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên việc cổ phần hoá công ty HACINCO đã bị dừng lại.
Đến ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ, theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại, theo như phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV ngày 29/05/2009.
Như vậy, rõ ràng phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội có rất nhiều điểm bất hợp lý, trái quy định pháp luật.
Thứ nhất, phương án tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005. Bởi căn cứ theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/09/2005 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO thì hình thức cổ phần hóa tại HACINCO là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; vi phạm quy chế đấu giá cổ phần lần đầu; mua cổ phần ưu đãi tính trùng và chuyển nợ lương sai quy định…. Toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật, bao gồm cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý theo quy định tại khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP “…Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”.
Theo đó UBND TP Hà Nội phải quyết định giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định, tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.
Thế nhưng, tại phương án đề xuất của Tổng Công ty xây dựng và phát triển nhà Hà Nội (HANDICO) và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội: tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); đồng thời không tuân thủ đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.
Như vậy, nếu phương án này được áp dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động, bởi việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của họ tại doanh nghiệp, đi kèm sẽ là giảm mức lợi nhuận, lợi tức mà họ được hưởng theo tỷ lệ cổ phần của mình.
Thứ hai, Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật. Trên phương diện thực tế, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn góp phải được diễn ra minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả nhà nước, người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp.
Theo phản ánh của các nhà đầu tư, giả sử Quyết định 1886/QD-UB vẫn buộc phải triển khai thì HANDICO sẽ phải chuyển số tiền rất lớn vào HACINCO thì mới phù hợp, khi mà tại thời điểm năm 2005, các nhà đầu tư và người lao động đã chuyển vào tài khoản phong toả của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội số tiền trên 23 tỷ đồng và ngay tức thì số tiền này đã được chuyển về HACINCO để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh của công ty này trong suốt 10 năm qua.
Trong khi đó vào thời điểm phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hoá theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 thì vốn nhà nước được xác định là 4.553.600.000 đồng, nhưng đến cuối năm 2005 thì công ty bị lỗ 7.4 tỷ đồng, như vậy vốn nhà nước tại HACINCO lúc này là một con số âm (theo Công văn số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội). Vốn nhà nước tại thời điểm này là con số âm, vậy nếu không nhờ vào số vốn trên 23 tỷ của người lao động và của các nhà đầu tư thì để sản xuất, kinh doanh thì liệu HACINCO có còn tồn tại được không, khi mà Tổng công ty HADICO không hề chuyển tiền bù vào số âm của vốn nhà nước, chứ chưa nói đến việc chuyển bù vào phần vốn góp không hợp lệ đã bị loại bỏ nói trên.
Tiếp đến, ngày 1/3/2016 vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội tiếp tục có Công văn số 1433/VP-KT gửi Sở Tài chính, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO). Tại Công văn này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu “Giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội, Công ty HACINCO và các Sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết dứt điểm cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội”.
Để thể hiện tính quyết liệt và sự nghiêm túc trong chỉ đạo, công văn đốc thúc lần thứ 2 này của UBND TP Hà Nội cũng ghi rõ: UBND TP Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo tại Công văn số 8384/VP-KT ngày 3/12/2015 về việc thực hiện cổ phần hoá Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.
Theo ý kiến của Luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội thì phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội với phương án tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005. Đồng thời, việc Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật.
Vì vậy, Quyết định 1886/QĐ-UBND ngày 22/4/2010 ban hành cho đến nay vẫn chưa thực hiện được, gây tranh chấp và khiếu kiện kéo dài đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, của các nhà đầu tư và công luận xã hội.
Để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các nhà đầu tư kiến nghị các cơ quan ban ngành cần xem xét, điều chỉnh quyết định thực hiện cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội theo hướng giảm vốn điều lệ tại phương án 1 của Công văn số 441STC/TCDN-P2 ngày 17/02/2006.
Phương án này thực hiện sẽ giải quyết được dứt điểm việc chuyển đổi Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thành Công ty cổ phần, không gây khiếu kiện kéo dài và phù hợp với các quy định của pháp luật.
Theo Nhà báo và Công luận