Bài 7:
Vụ cổ phần hóa “vịt trời” tại HACINCO: Những con số biết nhảy múa?
(Dân trí) - Liên quan đến những con số cấu thành nên vốn điều lệ của Công ty Đầu tư xây dựng số 02 Hà Nội (HACINCO), sau hơn 10 năm cổ phần hóa, với 03 lần UBND TP Hà Nội ra Quyết định về phương án vốn điều lệ, nhưng đến nay các nhà đầu tư vẫn tiếp tục “sống dở chết dở” vì vô vọng đi “đuổi vịt trời”.
Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 về việc “Phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội thuộc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội”, ngày 30/11/2005 UBND thành phố Hà Nội tiếp tục ra Quyết định số 7867/QĐ-UB điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ của HACINCO theo hướng giảm vốn điều lệ tương ứng mệnh giá cổ phần không bán được.
Tuy nhiên, do có nhiều sai phạm như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; tính trùng số năm công tác của người lao động, chuyển nợ lương sai quy định... (theo Công văn số 4143/UBND-CN ngày 31/7/2007 của UBND TP Hà Nội gửi Thủ tướng Chính phủ), nên việc cổ phần hoá công ty HACINCO đã bị dừng lại.
Đến ngày 22/4/2010, UBND thành phố Hà Nội lại tiếp tục ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND về việc điều chỉnh vốn điều lệ và cơ cấu vốn điều lệ, theo đó, cơ cấu vốn điều lệ có sự thay đổi theo hướng tăng tỷ lệ vốn góp của nhà nước từ 9,11% lên 49,6% và Tổng Công ty HANDICO sẽ đầu tư thêm vốn thay thế các cổ phiếu không hợp lệ bị loại, theo như phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV ngày 29/05/2009.
Theo Luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội thì phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO tại Công văn số 599/TCT-ĐTQLV và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội có rất nhiều điểm bất hợp lý, trái quy định pháp luật, cụ thể:
Thứ nhất, phương án tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005
Căn cứ theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/09/2005 của UBND thành phố Hà Nội phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hóa của HACINCO thì hình thức cổ phần hóa tại HACINCO là kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để thu hút vốn.
Tuy nhiên, trong quá trình cổ phần hóa đã xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng như: chuyển nợ thành vốn góp sai quy định; vi phạm quy chế đấu giá cổ phần lần đầu; mua cổ phần ưu đãi tính trùng và chuyển nợ lương sai quy định.... Toàn bộ số cổ phần được chào bán sai quy định pháp luật, bao gồm cổ phần ưu đãi và cổ phần bán đấu giá tại Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội, sẽ được coi là chưa bán hết và được xử lý theo quy định tại khoản 5, Điều 31, Nghị định 187/2004/NĐ-CP “...Trường hợp cổ phần chưa bán hết thì doanh nghiệp báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá để điều chỉnh quy mô hoặc cơ cấu vốn điều lệ trong phương án cổ phần hoá và thực hiện chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần”, theo đó UBND TP Hà Nội phải quyết định giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định, tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO.
Thế nhưng tại phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO và Quyết định số 1886/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội: tăng tỷ lệ cổ phần của nhà nước tại HACINCO là trái với hình thức cổ phần hóa được quy định tại Điều 3, Nghị định 187/2004/NĐ-CP; đi ngược lại với tinh thần cổ phần hóa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 94/2005/QĐ-TTg ngày 05/5/2005 “Nhà nước giữ cổ phần ở mức thấp hoặc không giữ cổ phần” (điểm b, khoản 2, Chương I, Phân A, Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định số 94/2005/QĐ-TTg); đồng thời không tuân thủ đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật: văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực và được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực.
Như vậy, nếu phương án này được áp dụng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động, bởi việc tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước đồng nghĩa với việc giảm quyền biểu quyết, quyền sở hữu của họ tại doanh nghiệp, đi kèm sẽ là giảm mức lợi nhuận, lợi tức mà họ được hưởng theo tỷ lệ cổ phần của mình.
Thứ hai, Tổng Công ty HANDICO đầu tư thêm số tiền 17.360.450.000 đồng để tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước là không phù hợp với thực tế và quy định pháp luật.
Trên phương diện thực tế, việc điều chỉnh tỷ lệ vốn góp phải được diễn ra minh bạch, công bằng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cả nhà nước, người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp
Thế nhưng, đến nay đã 5 năm trôi qua, giả sử Quyết định 1886/QD-UB vẫn buộc phải triển khai thì HANDICO sẽ phải chuyển số tiền là bao nhiêu tỷ đồng vào HACINCO thì mới phù hợp, khi mà tại thời điểm năm 2005, các nhà đầu tư và người lao động đã chuyển vào tài khoản phong toả của Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội số tiền trên 23 tỷ đồng và ngay tức thì số tiền này đã được chuyển về HACINCO để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh của công ty này trong suốt 10 năm qua? Trong khi đó vào thời điểm phê duyệt giá trị doanh nghiệp và phương án cổ phần hoá theo Quyết định 6680/QĐ-UB ngày 29/9/2005 thì vốn nhà nước được xác định là 4.553.600.000 đồng, nhưng đến cuối năm 2005 thì công ty bị lỗ 7.4 tỷ đồng, như vậy vốn nhà nước tại HACINCO lúc này là một con số âm. (theo Công văn số 5494/UBND-CN ngày 24/11/2006 của UBND TP Hà Nội). Vốn nhà nước tại thời điểm này là con số âm, vậy nếu không nhờ vào số vốn trên 23 tỷ của người lao động và của các nhà đầu tư thì để sản xuất, kinh doanh thì liệu HACINCO có còn tồn tại được không, khi mà Tổng công ty HADICO không hề chuyển tiền bù vào số âm của vốn nhà nước, chứ chưa nói đến việc chuyển bù vào phần vốn góp không hợp lệ đã bị loại bỏ nói trên.
Nếu chỉ cần áp theo mức lãi suất ngân hàng của số tiền trên 23 tỷ đồng của các nhà đầu tư và người lao động đã nộp từ 10 năm về trước, thì chắc chắn số tiền HANDICO phải nộp vào doanh nghiệp cổ phần hoá HACINCO sẽ là một số tiền “khủng” khi cộng dồn cả tiền gốc (theo Điều 1 Quyết định 1886/QĐ-UB) và tiền lãi suất của 10 năm qua, chứ không thể chỉ là một con số 17.360.450.000 đồng mà thôi.
Trên phương diện pháp luật, nếu số tiền trên 17 tỷ này được trích từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng Công ty HANDICO để thay thế cho những cổ phần chào bán sai quy định, nhằm tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước là không phù hợp với Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Ban hành kèm theo Quyết định số 76/2003/QĐ-BTC ngày 28/5/2003 của Bộ Tài chính), bởi theo quy định tại Điều 1, Quy chế này thì Quỹ được sử dụng để: “hỗ trợ giải quyết chế độ cho người lao động và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhà nước trong quá trình sắp xếp lại và chuyển đổi sở hữu...”.
Xác nhận 23 nhà đầu tư đã "đổ" hơn 21 tỷ đồng vào HACINCO từ 10 năm trước.
Vấn đề hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước chỉ đặt ra đối với 04 trường hợp:
Trường hợp 1: Bổ sung vốn cho doanh nghiệp đã cổ phần hoá để đảm bảo đủ tỷ trọng vốn Nhà nước trong cơ cấu vốn điều lệ của Công ty cổ phần (Điều 10) Trường hợp 2: Xử lý nợ vay quá hạn và nợ bảo hiểm xã hội trước khi chuyển đổi (Điều 11) Trường hợp 3: Hỗ trợ thanh toán nợ của các doanh nghiệp nhà nước áp dụng hình thức bán (Điều 12) Trường hợp 4: Hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp (Điều 13)
Như vậy, việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tổng Công ty HANDICO để thay thế cho những cổ phần chào bán sai quy định nhằm tăng tỷ lệ cổ phần nhà nước không thuộc 04 nội dung hỗ trợ tài chính đối với doanh nghiệp cổ phần hóa nêu trên. Vì vậy, cho dù phương án đề xuất của Tổng Công ty HANDICO có được UBND TP Hà Nội chấp thuận bằng việc ban hành Quyết định 1886/QĐ-UBND thì Tổng Công ty HANDICO cũng chính là người đầu tiên không thực hiện được Quyết định “bế tắc” này trong suốt hơn 05 năm qua, bởi từ đó đến nay Tổng Công ty HANDICO vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ chuyển số tiền 17.360.450.000 đồng vào HACINCO theo nội dung được quy định tại Điều 1 Quyết định 1886/QĐ-UB.
Rõ ràng, với tư cách là đơn vị chủ quản của HACINCO nhưng Tổng Công ty HANDICO lại thiếu trách nhiệm trong chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát quá trình cổ phần hoá tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2, đưa ra phương án đề xuất trái quy định pháp luật, không thể triển khai trên thực tế, dẫn đến quá trình cổ phần hóa tại đơn vị thành viên là HACINCO bị bế tắc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư và người lao động, “tạo hình ảnh xấu cho nhà đầu tư khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước” (Công văn số 689/TTg-ĐMDN ngày 07/05/2009 của Thủ tướng Chính phủ)
Nên chăng, để giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế trong quá trình cổ phần hóa tại HACINCO, đảm bảo cân bằng quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động, các cơ quan ban ngành cần xem xét, quyết định điều chỉnh giảm vốn điều lệ tương ứng với số cổ phần không bán được, bán sai quy định tương tự như việc trước đó UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 7867/QĐ-UB ngày 31/11/2005 để điều chỉnh giảm vốn điều lệ của HACINCO. Cụ thể, vốn điều lệ của HACINCO cần được điều chỉnh về số vốn thực góp như sau:
Tổng vốn điều lệ: 28.328.160.000 đồng, trong đó:
+ Vốn góp của nhà nước: 4.553.600.000 đồng; tương ứng 16.07% vốn điều lệ;
+ Vốn góp của cổ đông trong doanh nghiệp mua theo giá ưu đãi: 1.889.790.000 đồng, tương ứng 6.67 % vốn điều lệ;
+ Vốn của cổ đông mua đấu giá trên sàn giao dịch: 21.884.770.000 đồng, tương ứng 77.26 % vốn điều lệ.
Liên quan đến những con số cấu thành nên vốn điều lệ của HACINCO, đông đảo dư luận, người lao động và các nhà đầu tư hợp pháp không chỉ trông chờ vào việc xử lý kỷ luật nghiêm minh những cá nhân, tổ chức vi phạm mà còn đang “mòn mỏi” đêm ngày ngóng trông vào một quyết định hợp pháp, hợp lý từ UBND thành phố Hà Nội cho “số phận pháp lý” của những cổ phần này.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế