Tuyển sinh theo tuyến, căn cứ vào khoảng cách cư trú là hợp lý!

Hải Hà

(Dân trí) - UBND Quận 8 TPHCM là 1 trong 3 địa phương cùng với TP Thủ Đức và quận Tân Bình thực hiện thí điểm tuyển sinh đầu cấp áp dụng bản đồ địa lý - bản đồ GIS khi phân tuyến.

Trong đó, học sinh được học tại trường gần nơi cư trú nhất, có thể xem xét không phân theo địa giới hành chính của phường. Sau thời gian thí điểm Quận 8 đã công bố tuyển sinh đầu cấp không theo địa giới hành chính mà trẻ em ở gần trường nào thì học trường đó.

Có thể nói, đây là bước đột phá quan trọng trong việc tuyển sinh đầu cấp vào các lớp 1, lớp 6. Bởi mỗi mùa tuyển sinh vấn đề phân luồng, phân tuyến luôn được dư luận xã hội rất quan tâm, nhất là ở những địa bàn đông dân cư, các thành phố lớn còn thiếu trường học.

Tuyển sinh theo tuyến, căn cứ vào khoảng cách cư trú là hợp lý! - 1

TPHCM thí điểm thực hiện tuyển sinh đầu cấp dựa vào bản đồ GIS (Ảnh minh họa: Hải Long).

Tuyển sinh vào đầu cấp học không chỉ liên quan đến vấn đề tồn tại lâu nay là "chạy" hộ khẩu để được học trái tuyến, hay tìm mọi cách để "chạy trường" mà còn tình trạng bất hợp lý là nhiều trẻ em nhà ở cạnh trường học nhưng không được nhận vào học, vì hộ khẩu nằm ở xã, phường khác!

Đây là bất cập được nhắc đến từ lâu, tuy nhiên chưa có giải pháp căn cơ, biện pháp thỏa đáng, phù hợp để xử lý, giải quyết nhằm nhận được sự đồng thuận từ các bậc phụ huynh cũng như dư luận xã hội. Do đó, việc áp dụng công nghệ thông tin xác định khoảng cách để phân tuyến tuyển sinh là rất khoa học, minh bạch và phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Điều này tránh tình trạng bất cập, bức xúc lâu nay của người dân, đó là trẻ em ở xa trường thì được học, còn ở cạnh trường lại không.

Tuy nhiên, để việc tuyển sinh theo phân tuyến đạt hiệu quả, hạn chế tối đa bất cập, tiêu cực hoặc sai sót thì cần có sự vào cuộc, phối hợp của cơ quan chức năng. Theo đó, cần hỗ trợ nhà trường, phụ huynh học sinh trong việc cấp mã số định danh cá nhân, mã định danh điện tử, cập nhật danh sách trẻ trong độ tuổi ra lớp, trẻ chuyển đến, chuyển đi trên địa bàn, xác nhận thông tin nơi cư trú nếu thấy nghi ngờ hoặc cần thiết...

Thiết nghĩ, việc tuyển sinh theo tuyến - căn cứ vào khoảng cách cư trú là rất hợp lý, khoa học. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, nhân rộng mô hình này ra các địa phương. Điều này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em học sinh trong việc đến trường, được học gần nhà, hạn chế tiêu cực trong việc tuyển sinh đầu cấp.

Ngoài ra, tuyển sinh theo khoảng cách tạo sự công bằng, minh bạch trong công tác tuyển sinh đầu cấp vốn tồn tại nhiều vấn đề lâu nay, tạo sự đồng thuận trong xã hội liên quan đến công tác này. Đặc biệt, thay đổi này phù hợp với giai đoạn hiện nay khi đã bỏ hộ khẩu giấy và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính nói riêng và hoạt động quản lý, điều hành nói chung.

                                                          ThS Phạm Văn Chung

                                         Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum