Vào Ams hay không vào Ams?

Khả Vân

(Dân trí) - Mấy hôm nay cộng đồng xôn xao về bài viết của một phụ huynh nào đó quyết định không cho con vào trường Amsterdam (AMS) vì nhiều lý do. Các phụ huynh ào ào hỏi ý kiến cũng như tranh luận rất dữ dội...

Vừa qua trên một diễn đàn mạng xã hội dành cho các bậc phụ huynh, một tài khoản chia sẻ lý do vì sao chị không cho con học Ams cấp 3, thậm chí còn tìm cách "phá" công cuộc vào trường này của con.

Phụ huynh này đưa ra 4 lý do để giải thích cho quyết định trên. Thứ nhất bởi trường học theo chuyên từng môn. Nghĩa là môn chuyên sẽ học nhiều hơn môn khác, đặc biệt là các môn được coi là rất phụ như sử, địa.

"Tớ lại nghĩ, dốt mới cần học. Dốt môn gì, học môn đó. Nếu học môn giỏi, bỏ môn dốt thì dốt vẫn hoàn dốt", phụ huynh này chia sẻ.

Thứ hai, theo phụ huynh này, học trong môi trường quá cạnh tranh sẽ khiến các con sống mệt mỏi. Bất kể lúc nào cũng phải học và học, áp lực thi cử quá nhiều thì sẽ không tốt cho tâm lý các bạn.

Đành rằng còn tùy từng gia đình nhưng học ở nơi có quá nhiều bạn giỏi, chắc chắn áp lực đó sẽ cao hơn nơi bình thường.

Vào Ams hay không vào Ams? - 1

Chia sẻ của một người mẹ về lý do vì sao không cho con học Ams đã tạo cuộc tranh luận sôi nổi trên nhiều diễn đàn.

Thứ ba, khi sống trong môi trường cạnh tranh, các con dễ so bì nhau. Điều kiện đó sẽ nảy sinh tính cách hẹp hòi, hay chê bai, dìm hàng bạn bè, thiếu bao dung. (dễ nảy sinh thôi nhé, có tính đó hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố).

Lý do cuối cùng được phụ huynh này đưa ra là nếu học Ams mà gặp thất bại, con sẽ vất vả để vượt qua nỗi thất vọng bản thân hơn hẳn học nơi khác. Sợ bạn khinh thường, cảm thấy mình kém cỏi... sẽ là các cảm giác con phải đối mặt.

"Đành rằng nơi khác cũng vậy nhưng áp lực chắc sẽ ko bằng. Nếu bạn nào yếu đuối quá, có thể tâm lý sẽ bị ảnh hưởng", phụ huynh này chốt lại.

Bài viết đã tạo cuộc tranh luận sôi nổi, đa chiều với hơn 2.600 lượt bình luận và 3,3 ngàn lượt chia sẻ. Tài khoản Trần Huyền Trang, một người đã theo học Ams 7 năm (cả cấp 2 và 3) cho rằng, đọc qua 4 lý do phụ huynh này viện dẫn không cho con học Ams thì thấy "bạn ấy chẳng hiểu gì về trường Ams cả".   

Theo ý kiến đồng tình, một phụ huynh khác chia sẻ gia đình mình có 2 người cùng học Ams mà giờ đây quyết định nói không với trường Ams hay trường chuyên cho con.

"Hồi xưa đi học cứ phải cố, cố để không kém bạn kém bè. Xưa mỗi lần họp phụ huynh là nơm nớp lo mẹ mắng, vì lúc nào cũng xếp thứ ngoài 20. Mẹ em là tín đồ của trường chuyên lớp chọn. Nhà em 2 anh/em em đã phải theo học trường chuyên từ năm lớp 4. Cách đây hơn 20 năm mà mẹ em đã từng bỏ cho em 200k/ buổi học thêm vực môn em bị kém để củng cố kiến thức cho em thi Ams.

Bác của con em thì 1 chỉ vàng/ buổi học môn sinh để có kiến thức đua vào đội tuyển sinh của Ams. Nhà em 2 nòi Amser đây, mà cuối cùng em vẫn nói không với chuyên hay Ams với con em".

Vào Ams hay không vào Ams?

Chia sẻ góc nhìn về vấn đề này, Luật sư Giang Nguyễn - người sáng lập The Ivy-League Vietnam (Trung tâm Anh ngữ Ivy) và là một nhà giáo dục với những quan điểm chuyên khảo về những vấn đề của giáo dục hiện đại đã đưa ra một vài tham góp.

Anh phân tích vấn đề trên thành 2 phần, theo đó nếu vào Ams:

"Thứ nhất, vào để được học tập trong một môi trường chọn lọc rất kỹ, tuy cũng có trường hợp do thân quen/quan hệ mà vào, nhưng nói chung là tuyển chọn rất khắt khe, đặc biệt là Ams cấp III.

Vào Ams hay không vào Ams? - 2

Luật sư Giang Nguyễn, học giả Fulbright, tốt nghiệp ĐH Cornell chuyên ngành kinh tế học, ĐH Luật Boston, và ĐH Luật Pennsylvania. Anh là người sáng lập The Ivy-League Vietnam và là một nhà giáo dục với những quan điểm chuyên khảo về những vấn đề của giáo dục hiện đại (Ảnh: FB nhân vật).

Thứ hai, vào để lấy cái danh là con học Ams. Ở đâu tôi không biết, nhưng ở Việt Nam ta thì cái danh quan trọng hơn cái ví. Nhiều khi tiền khô cháy túi không ai biết, nhưng danh mà ô uế thì nhục, mà danh mà vinh hiển thì đói cũng thấy hạnh phúc.

Người Việt ta đa phần là thế. Hư vinh, hư danh nhiều khi còn quan trọng hơn là cơm ăn áo mặc. Thế nên mới có câu: "Ra đường ra dáng ông đồ, về nhà không có hạt ngô đút mồm!".

Thứ ba, vào để đi du học. Nếu các phụ huynh muốn tham vọng cho con du học Mỹ, mon men tới các trường Ivy-League (nhóm các trường đại học hàng đầu nước Mỹ) thì không môi trường nào thuận lợi hơn Ams. Nói thế không có nghĩa là các trường khác hết cơ hội, ngược lại cũng rất nhiều.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là các trường đại học hàng đầu Mỹ đánh giá rất cao học sinh trường Ams bằng trải nghiệm thực tế của họ. Hầu hết các em học Ams đều học hành rất thành công tại các trường Mỹ, rất năng động, rất thành công sau khi tốt nghiệp. Điều này mang đến danh tiếng cho trường .

Thế nên các trường dành ưu ái rất lớn cho các học sinh trường Ams. Đây là sự thật đó vì cá nhân tôi ngồi cafe với các bộ tuyển dụng nhiều trường lớn nhất Mỹ rồi và lắng nghe họ nói tận tai!

Thứ tư, vào Ams để rèn luyện tính cách. Ams là môi trường rất hiền hóa, rất ghê gớm, nhiều thị phi, nhiều bon chen, cạnh tranh, và đào thải. Những khía cạnh này thể hiện ngay trong cộng đồng học sinh với nhau.

Cháu nào muốn năng động, học cách trải qua những cảm xúc tâm lý đa dạng, chiến đấu với các đối thủ cạnh tranh, hay học cách "tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến" thì nên vào Ams mà rèn rũa 3 năm. Các cháu sẽ học được rất nhiều từ bạn bè, từ các anh chị đi trước.

Thứ năm là, vào Ams để học. Tôi để việc học của các cháu học sinh Ams cuối cùng trong 5 tiêu chí vào Ams vì hầu hết các cháu vào đây là buông sách buông vở ngay năm đầu tiên.

Các cháu phần lớn đam mê hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng, tổ chức các câu lạc bộ, sự kiện hoành tráng, làm các dự án cộng đồng, và khuấy động các phong trào học sinh. Các cháu nào ham học thì cứ học, các cháu nào ham chơi thì cứ chơi, nhưng được cái cháu nào cũng học tối thiểu để điểm vẫn cao mà ta vẫn chơi.

Các cháu ở Ams là thế, học đã vất, chơi còn vất hơn (Learn hard, play harder). Ấy thế mà các cháu vẫn rất ổn, điểm SAT (chứng chỉ SAT) vẫn cao, IELTS/TOEFL ngất ngưởng để áp vào các trường Mỹ. Ams là thế đấy!

Nếu không vào Ams:

Thứ nhất, về quan điểm "vào Ams không học hành gì đâu", theo tôi đây là cách nhìn đúng về Amser (học sinh trường Ams) nhưng có lẽ cũng chưa đủ. Amser không học nhiều, nhưng đâu cần nhiều mà vẫn đủ liều là đươc.

Nếu bố mẹ nào muốn con học 3 năm cấp III học thật, học cày ải thì cho sang THPT Ngoại ngữ hoặc Chuyên Khoa học tự nhiên (HSGS). Bên đó học nặng hơn, thầy cô áp lực, ốp sát hơn chút ít.

Thứ hai, có ý kiến cho rằng Ams chỉ còn là cái tiếng, nhưng năng lực dạy và học đã rỗng tuếch từ lâu. Tôi cho rằng đây là cách nhìn của những chuyên gia hoặc của những bậc cha mẹ là người ăn học, làm trong những môi trường hàn lâm, hoặc có cái nhìn khắc nghiệt với con cái.

Phải nói là nguồn lực hàn lâm ở Ams không có nhiều, các thầy cô thì cũng bình thường thôi, không có gì xuất sắc cả nếu so với các thầy cô bên HSGS - nơi họ có thể là những chuyên gia hàng đầu về một số lĩnh vực, nhất là những ngành khoa học cơ bản vì HSGS gắn với trường đại học lớn.

Học sinh Ams phần lớn không nghiêm túc học hành, làm thí nghiệm hay đòi hỏi cao về tiêu chuẩn học hành nên nguồn lực, cơ sở vật chất dành cho việc học và nghiên cứu bên Ams có lẽ không còn được đầu tư chăm chút. Khi mà một ngôi trường thầy cô không hứng thú dạy (bọn trẻ đi học thêm cho nhanh) và cơ sở vật chất hàn lâm không còn được đầu tư nhiều thì chất lượng học hành đi xuống là điều bình thường.

Thứ 3, về tin đồn "Không học Ams vì bạn bè đố kị", theo tôi môi trường Ams chưa bao giờ là lành hiền. Nên các con nào không muốn cạnh tranh, bản tính hiền lành, tránh xa phiền toái thì không nên vào Ams là phải, hoặc vào Ams rồi thất vọng vì bạn bè, buồn nhớ bạn cũ Cầu Giấy, Giảng Võ ơi! Một thời ta sống hết lòng vì nhau, giờ đây vào Ams chúng nó đối xử với tớ thật là "ích kỷ".

Cuối cùng, quan điểm "Không vào Ams vì cần gì Ams con tôi mới đi du học", tôi cho rằng đây là quan điểm đúng 100%. Đâu phải cứ vào Ams thì mới đi du học, mới vào được Ivy-League .

Phần lớn các cháu sang Mỹ học đều từ các trường khác là nhiều, chứ Ams cũng chỉ chiếm một phần thôi. Có nhiều cháu học trường Yên Hòa, Trương Định mà vẫn thành kỹ sư công nghệ bên Mỹ, vẫn vào các hãng dược phẩm hàng đầu làm việc đó thôi. Học sinh của tôi đi Mỹ không từ Ams cũng rất nhiều, mà từ Ams cũng nhiều tương đối.

Tôi chỉ tóm lược vào ý kiến thu nhận được từ các phụ huynh khắp nơi và từ những học trò Ams của tôi tâm sự sau bao năm học hành".

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm