Để trẻ vào lớp 1 không bị phân biệt là công dân KT3

(Dân trí) - Các cháu không cần biết đến các thứ mà người lớn đặt ra. Các cháu có quyền được đi học, chính quyền phải đáp ứng một cách công bằng, không phân biệt đối xử.

Đủ chỗ cho trẻ em vào lớp 1 trường công là một bài toán nan giải của TPHCM. Mỗi năm trung bình địa phương tăng 150.000 học sinh, thì việc đủ ghế ngồi cho trẻ vào lớp 1 là rất áp lực. Ví dụ, khoảng hơn 1.000 học sinh tại quận 12 trong độ tuổi vào lớp 1 đứng trước nguy cơ không được nhập học trường công lập.
 

Tăng dân số tự nhiên tại chỗ, tăng dân số cơ học, hệ quả là TPHCM không đủ trường công cho học sinh vào lớp 1. Vậy thì ai bị loại trừ? Đó là những đứa trẻ mang thân phận “bán công dân” của TPHCM, với cuốn sổ KT3 (tạm trú) chưa đủ thời hạn một năm.

Đành rằng khi không đủ chỗ ngồi trong trường công, thì phải có biện pháp loại trừ theo thứ tự ưu tiên, đó cũng là lẽ công bằng. Nhưng nghĩ lại cũng thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ KT3, các cháu cũng như những cháu có hộ khẩu. Các cháu không cần biết đến các thứ mà người lớn đặt ra. Các cháu ở đâu tới, con nhà ai, nông dân hay công nhân cũng như nhau. Các cháu có quyền được đi học, chính quyền phải đáp ứng một cách công bằng, không phân biệt đối xử.

Học sinh tăng chủ yếu ở các quận 9, quận 12, quận Gò Vấp, quận Bình Tân và các huyện ngoại thành như Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi. Ở các địa bàn này, cơ sở trường học còn hạn chế về số lượng cũng như chất lượng, cho nên chuyện đủ chỗ ngồi lớp 1 trường công là điều chưa thể.

Vậy thì phải có nhiều cách để giải quyết. Đầu tiên là không thể “xông xênh” ngày học 2 buổi theo quy định, mà phải cắt đôi ra để có thể “nhân đôi” thêm số lớp 1. Thứ hai là áp dụng giải pháp tình thế, tăng sĩ số trong mỗi lớp ở mức có thể chấp nhận được.

Tất nhiên cả hai giải pháp trên cũng không thể giải quyết hết, cho nên cần có thêm giải pháp hỗ trợ học phí cho trẻ vào học trường tư thục.

Trên thực tế, phần lớn các gia đình nhập cư, cha mẹ làm công nhân ở các khu công nghiệp, sống ở khu vực ngoại thành, đều là người nghèo, thu nhập thấp, không đủ sức cho con học trường tư. Cho nên, hỗ trợ học phí là cách để cho trẻ em được đi học, công bằng chính là chỗ này đây.

TPHCM vẫn là địa chỉ của lao động nhâp cư, dân số cơ học tăng kéo theo số học sinh đầu vào ở các cấp. Cho nên, việc dựa trên số liệu trẻ vào lớp 1 hằng năm để tính toán xây dựng trường học ở các quận, huyện, đáp ứng đủ nhu cầu đi học của học sinh là điều phải làm.

Trẻ đúng tuổi đương nhiên vào lớp 1 công bằng như nhau, không phân biệt hộ khẩu hay KT3. 

Theo Lê Thanh Phong

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm