Từ 6/9, người đi chợ, đi siêu thị ở Hà Nội xin giấy đi đường như thế nào?

Khả Vân

(Dân trí) - Giấy đi đường sẽ được cấp cho 6 nhóm đối tượng, trong đó người đi mua lương thực, thực phẩm thuộc nhóm số 5. Thẩm quyền cấp cho nhóm này là công an phường, xã, thị trấn.

Chiều 3/9, tại cuộc họp thông tin về các giải pháp phòng chống dịch Covid-19 của TP Hà Nội, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an TP Hà Nội, đã thông tin về 6 nhóm đối tượng dự kiến được cấp giấy đi đường. Công an Hà Nội đã báo cáo kế hoạch cấp giấy đi đường giai đoạn giãn cách mới gửi đến UBND TP Hà Nội xem xét, phê duyệt.

Theo kế hoạch này, người đi mua lương thực thực phẩm, thuộc nhóm đối tượng số 5 được cấp giấy đi đường. Thẩm quyền cấp là công an phường, xã, thị trấn.  

Quy trình cấp giấy cho người đi chợ, siêu thị:

- Cảnh sát khu vực lập danh sách các hộ gia đình theo địa bàn xã/phường/thị trấn quản lý;

- Gửi danh sách cho cán bộ xã/phường/thị trấn để xét duyệt hoặc từ chối duyệt.

- Cán bộ xã/phường/thị trấn gửi lại thẻ đi chợ, siêu thị được duyệt cho Công an xã/phường/thị trấn đóng dấu xác nhận.

- Cảnh sát khu vực gửi lại Thẻ đi chợ, siêu thị đã được duyệt, đóng dấu cho đại diện hộ gia đình theo địa bàn quản lý.

Ở "vùng đỏ", mua hàng 2 lần/tuần, đặt online chỉ ship trong quận

Sở Công Thương Hà Nội cũng vừa thông tin về phương án đảm bảo nguồn cung, điều phối hàng hóa cho 3 phân vùng phục vụ giãn cách xã hội từ 6/9-21/9.

Đối với phân vùng 1, đảm bảo cung ứng hàng hóa cho khoảng 3,78 triệu người với 10 mặt hàng lương thực thực phẩm (gạo, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, dầu ăn, gia vị, rau củ quả, thủy hải sản, thực phẩm chế biến, sản phẩm chế biến từ ngũ cốc), 2 mặt hàng phòng chống dịch (khẩu trang kháng khuẩn và nước sát khuẩn) và 4 mặt hàng thiết yếu khác phục vụ trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ.

Từ 6/9, người đi chợ, đi siêu thị ở Hà Nội xin giấy đi đường như thế nào? - 1

Phân vùng 1 sẽ có 78 siêu thị, 149 chợ, 5.095 điểm bán lương thực, thực phẩm thiết yếu, 35 doanh nghiệp và 565 địa điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu có hình thức bán hàng trực tuyến, 927 địa điểm sẵn sàng trưng dụng làm kho, điểm bán hàng lưu động ngay khi cần thiết.

Trong đó, ở vùng đỏ, khu vực cách ly, phong tỏa, UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng Phương án cung cấp hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân (sử dụng lực lượng shipper, các lực lượng khác: phụ nữ, thanh niên, tổ dân phố,… để đưa hàng đến từng hộ dân hoặc đến các chốt).

Người dân được UBND quận/huyện thực hiện phát phiếu mua hàng 2 lần/tuần cho từng hộ gia đình trên địa bàn quận/huyện để mua hàng trực tiếp tại các điểm bán. Còn mua hàng theo hình thức mua hàng trực tuyến, các đơn vị cung ứng hàng hóa thực hiện giao hàng qua nhân viên giao hàng theo địa bàn các quận/huyện. Đặc biệt, đặt online chỉ ship trong quận.

Mua hàng tại các điểm bán hàng lưu động trên địa bàn, UBND các phường/xã thông báo cụ thể thời gian, địa điểm,… để người dân tham gia mua sắm.

Trong Phân vùng 2 có 10 siêu thị, 102 chợ, 1.178 cửa hàng tiện ích, 653 điểm bố trí bán hàng lưu động, 49 cửa hàng gas, 112 cửa hàng xăng dầu.

Phân vùng 3 có 13 siêu thị, 198 chợ, 3.273 cửa hàng tiện ích, 838 điểm bố trí bán hàng lưu động, 304 cửa hàng gas, 242 cửa hàng xăng dầu.

Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố sẽ đảm bảo đầy đủ nguồn hàng và điều phối, cung ứng hàng hóa đầy đủ đến người dân trên địa bàn. Người dân yên tâm không cần mua sắm tích trữ, chỉ mua đủ dùng cho 3 ngày/tuần theo lịch đi mua hàng.

Từ 6h ngày 6/9 đến 6h ngày 21/9, TP Hà Nội thực hiện phân theo 3 vùng trên cơ sở tận dụng lợi thế địa lý, các con sông, kênh nước để tăng cường công tác phòng chống dịch; bảo đảm sản xuất, sinh hoạt; song song với hình thành các lớp để ngăn chặn lây lan và tập trung nhân lực, vật lực để phòng, chống dịch ở khu vực nguy cơ cao; tập trung có trọng tâm xử lý những đối tượng, khu vực có nguy cơ cao.

Phân vùng 1: Là khu vực đô thị trung tâm với mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Hiện là "vùng đỏ", nhiều đối tượng nguy cơ cao.

Gồm 15 đơn vị hành chính: Toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận, huyện: Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Thanh Trì, Hoàng Mai. Một phần địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín (sơ đồ kèm theo).

Phân vùng 2: Phân cách bởi hệ thống sông Hồng, sông Đuống với Vùng 1. Toàn bộ địa giới hành chính của 5 quận, huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh.

Phân vùng 3: Vùng sản xuất nông nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, có mật độ và sinh hoạt dân cư đặc trưng nông nghiệp, có phần đô thị hóa với mật độ dân cư thấp. Chủ yếu được chia bởi sông Nhuệ, sông Đáy, toàn bộ địa giới hành chính của 10 quận/huyện: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên và một phần còn lại của 5 quận/huyện của Phân vùng 1: Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín.