Trăn trở về "sự vô tư" trong những phong bao lì xì ngày Tết

PV

(Dân trí) - Từ món quà mang giá trị tinh thần, nhiều độc giả bày tỏ sự lo ngại về việc lì xì đang bị "vật chất hóa", trở thành thước đo để đánh giá mối quan hệ giữa mọi người.

Mừng tuổi đầu năm luôn được coi là nét truyền thống tốt đẹp của dân ta mỗi dịp Tết đến, xuân về. Tiền mừng tuổi thường được đặt trong những bao lì xì đỏ, là sự tượng trưng cho niềm hy vọng, sự may mắn, cát tường, thịnh vượng và mang theo sự gửi gắm về một năm mới an lành, hanh thông và như ý. Còn với trẻ nhỏ, tiền mừng tuổi được gửi gắm với những thông điệp như mạnh khỏe, mau ăn chóng lớn, chăm ngoan, học giỏi...

Đây là món quà mang giá trị về tinh thần, xuất phát từ sự hoan hỉ và vô tư giữa người cho và người nhận. Tuy nhiên, theo thời gian, món quà này nhiều khi không còn mang sự vô tư như thuở sơ khai mà được gửi gắm vào đó là cả "sức nặng" về vật chất, là thước đo để đánh giá mối quan hệ của người lớn trong những món quà dành cho con trẻ.

Trăn trở về sự vô tư trong những phong bao lì xì ngày Tết - 1

Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc (Ảnh: Hoài Nam).

Trong bài viết Suy ngẫm từ chuyện đổi tiền cũ lấy tiền mới, nhà báo, cư sĩ Lưu Đình Long chia sẻ: "Cuộc sống vận động không ngừng. Xã hội ngày một văn minh. Một phong tục truyền thống, một nếp nhà giữ gìn hay thay đổi là tùy quan niệm của mỗi người. Nhưng phải chăng văn hóa truyền thống chỉ trở nên có giá trị giáo dục và nhân văn khi con người ta không để vật chất chen vào, không để biến tướng thành so sánh đẳng cấp thông qua vật chất.

Thực sự, một tờ tiền mới, nhiều tờ tiền mệnh giá cao trong bao lì xì không bắt đầu bằng sự vô tư, hoan hỉ thì chắc chắn không tạo ra được năng lượng tích cực hay giá trị thiện lành nào".

Những ý kiến của ông Long nhận được nhiều sự ủng hộ, đồng tình của độc giả Dân trí. Bình luận dưới bài viết, độc giả Ngọc Mạnh chia sẻ: "Lì xì mất đi vẻ đẹp vốn có của nó do chính những người lì xì tạo ra. Nhiều người lì xì như muốn khoe độ giàu sang của mình, phải lì xì nhiều mới oai nên trẻ con có tư tưởng phân bì. Nhiều người đi chơi cùng đám bạn mà đứa giàu lì xì trước mà công khai số tiền lì xì cho cả đám biết như muốn thể hiện mình giàu và làm gương cho những đứa sau phải lì xì theo số tiền của nó".

"Lì xì vô tình đang tạo gánh nặng cho người lớn và làm hư trẻ con. Tất nhiên, trẻ em có hư hay không thì còn phụ thuộc vào cách giáo dục của bố mẹ, nhưng việc cho trẻ em tiếp xúc với tiền từ nhỏ dẫn đến nhiều việc phức tạp", độc giả Nhung Nguyen bày tỏ sự lo ngại.

Chung quan điểm, chủ tài khoản Tranhungdao Tytp viết: "Hành vi của trẻ nhỏ đều bắt nguồn từ ý chí của người lớn. Hãy dạy con trẻ cách biết ơn và lưu giữ vẻ đẹp của văn hóa truyền thống".

"Khi người lớn nặng tiền bạc sao trẻ nhỏ tránh khỏi", một ý kiến trực diện từ độc giả Phong Châu Nguyễn.

Không chỉ lo ngại về việc đánh mất những giá trị truyền thống, nhiều người còn quan ngại về việc những phong bao lì xì nhỏ sẽ mang tới gánh nặng tài chính lớn cho các gia đình, gây ảnh hưởng tới việc chi tiêu, mua sắm trong dịp cao điểm Tết và thậm chí xa hơn là làm sứt mẻ tình cảm, mối quan hệ giữa những người thân quen.

Bày tỏ quan ngại về điều này, anh Thế Anh viết: "Phong tục lì xì Tết hiện nay trở thành gánh nặng của rất nhiều người, làm nhiều gia đình cảm thấy Tết trở nên nặng nề hơn".

"Vì biến tướng, sĩ diện, hơn thua, mà người ta biến 1 phong tục đẹp thành nỗi lo lắng, sợ hãi, gánh nặng. Thật buồn! Về phần tôi, có năm không đổi được tiền mới, tôi vẫn vui vẻ gửi lì xì cho con, cháu từ những tờ tiền cũ hơn, với suy nghĩ rằng điều quan trọng là khi mừng tuổi thì mình trao gửi lời chúc gì, thông điệp và tâm thế ra sao", người dùng Khôi Trương nhấn mạnh.

Còn với bạn đọc có nickname But, người này lo ngại gánh nặng từ tài chính có thể tác động tới chính mối quan hệ của anh em trong gia đình: "Từ gánh nặng tài chính, Tết cũng trở nên đìu hiu khi anh em, bạn bè chẳng đến thăm nhau vì lo ngại chuyện lì xì. Chuyện trẻ nhỏ mở bao lì xì rồi chê và quay đi không phải điều hiếm, tôi đã gặp rất nhiều".

"Phú quý sinh lễ nghĩa, đừng quá phức tạp hóa vấn đề lên. Sinh ra ngày Tết để anh em con cháu sum vầy, ai cũng vậy thôi cả năm lo làm ăn, đến những người thân ruột thịt của mình mà 365 ngày có khi không đến thăm được nhau lấy một lần. Có mỗi ngày Tết là cơ hội để đến hỏi thăm, mừng tuổi thì đáng gì mà ca thán gánh nặng nọ kia. Có nhiều mừng nhiều, có ít mừng ít mà chả có thì trao nhau lời chúc. Cứ thoải mái, vô tư đi các bạn, đừng nghĩ nhiều", một góc nhìn lạc quan, tích cực từ độc giả Tuấn Đoàn.

Hoàng Diệu (tổng hợp)