Vui buồn chuyện lì xì ngày Tết

Hồng Phương

(Dân trí) - Lì xì sao cho "đẹp mặt", lì xì bao nhiêu để khỏi bị chê bai,... đang dần trở thành nỗi ám ảnh thường trực của nhiều người vào mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Từ khi nào tục lì xì đầu năm lại trở thành nỗi ám ảnh?

Tục lì xì dịp đầu năm được xem là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc ta từ lâu đời. Ông bà ta ngày xưa xem lì xì như lời chúc may mắn, bình an và hạnh phúc của người trao đến người nhận. Thuở ấy, lì xì không quan trọng ở giá trị vật chất mà được xem là một phần thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt.

Tuy nhiên trong những năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của xã hội thì nét đẹp văn hóa vốn có của tục lì xì cũng đang dần bị lãng quên. Tục lì xì ngày nay dần thiên hẳn về giá trị vật chất và trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người mỗi dịp Tết đến.

Vui buồn chuyện lì xì ngày Tết - 1

Lì xì trở thành phong tục, nét đẹp truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán

Chú Công (sinh sống tại Đà Nẵng) chia sẻ: "Ngày trước, lì xì không quan trọng về mệnh giá tiền như bây giờ. Đám trẻ chỉ cần được lì xì vài nghìn lẻ là đã vui cười cả ngày. Dù biết đời sống vật chất ngày một tăng cao nên mệnh giá trong bao lì xì cũng tăng dần nhưng tăng đến mức lì xì 20.000 đồng hay 50.000 đồng cũng bị chê ít là rất khó chấp nhận được. Nói vậy nhưng năm nào vợ chồng tôi cũng phải bấm bụng lì xì tiền mệnh giá lớn vì không muốn bị chê cười, bị nói ra nói vào trong những ngày đầu năm mới".

Cũng như chú Công, mệnh giá trong bao lì xì cũng khiến chị Bình (quê ở Quảng Nam) đang làm nhân viên văn phòng tại Đà Nẵng phải lo lắng không yên mỗi dịp Xuân về. Chị Bình tâm sự: "Cứ mỗi dịp cuối năm, bên cạnh "trăm" thứ tiền sắm sửa đón Tết thì tiền lì xì cũng là gánh nặng đối với tôi. Không chỉ riêng tôi, hầu hết bạn bè và đồng nghiệp xung quanh tôi cũng đều phải đau đầu tính toán sao cho giá trị trong bao lì xì ngày Tết phải phù hợp với từng đối tượng hay từng mối quan hệ, nếu không sẽ bị mang tiếng là ki bo..."

Đừng biến lì xì trở thành áp lực

Từ nỗi lo cơm áo gạo tiền để trang trải cuộc sống đến các phong tục lễ nghi đều khiến Tết trong lòng nhiều người, đặc biệt là những người lao động nghèo càng trở nên áp lực hơn bao giờ hết.

Vợ chồng chị Hạnh (quê ở Quảng Ngãi) nửa đùa nửa thật rằng nhiều lúc anh chị chẳng muốn về quê đón Tết vì mỗi lần về mà lì xì cho các cháu ít hơn các cô chú khác trong nhà thì sẽ bị cười chê.

Vui buồn chuyện lì xì ngày Tết - 2

Tuy nhiên, giờ đây tục lì xì dần trở thành nỗi lo của nhiều người mỗi dịp Xuân về

Chị Hạnh kể lại câu chuyện lì xì "dở khóc dở cười" của mình: "Cách đây 3 năm, tôi và chồng về quê nội đón Tết và lì xì cho mỗi cháu 10.000 đồng bị "chê ỏng chê eo" khiến tôi và chồng rất ngượng. Rút kinh nghiệm nên năm vừa rồi vợ chồng tôi đã chu đáo chuẩn bị mỗi phong bao một tờ 50.000 đồng "mới cứng", hai vợ chồng thở phào nhẹ nhõm vì tưởng như sẽ không lặp lại lịch sử cũ nữa. Cuối cùng hai vợ chồng tôi vẫn bị bàn tán, chê bai vì hai năm trời mới về ăn Tết mà chỉ lì xì có 50.000 đồng thay vì lì xì 100.000 đồng - 200.000 đồng như các cô chú khác. Chẳng biết từ khi nào lì xì lại có sức nặng đến vậy".

Theo chị Hạnh, hai vợ chồng chị từ quê lên thành phố làm công nhân với mức lương trung bình khoảng 6,5 triệu đồng. Trừ các chi phí sinh hoạt, ăn uống, chăm sóc con nhỏ,... gia đình chị không dư dả nhiều. Chính vì vậy mà việc lì xì "thẳng tay" 100.000 đồng hay 200.000 đồng để đẹp mặt với họ hàng là quá xa xỉ đối với gia đình chị.

Lì xì dịp đầu năm thực sự là mỹ tục tốt đẹp, đong đầy ý nghĩa của tộc ta từ ngàn xưa. Nhưng liệu lì xì có thực sự còn ý nghĩa khi người trao và người nhận cứ phải lo lắng và bận tâm về mệnh giá bên trong phong bao đỏ may mắn?