Trả lại tiền đi đám là văn minh!
(Dân trí) - Việc trả lại phong bì khi đi đám giỗ, mặc dù là chuyện nhỏ, khá bình thường nhưng có thể coi là chuyển biến lớn về nhận thức, về văn hóa lễ nghĩa.
Hôm nọ, về quê tôi được mời đi ăn giỗ nhà bà con, trước khi đi mẹ tôi chuẩn bị cho tôi phong bì để thắp nhang theo đúng thông lệ. Đáng ngạc nhiên là cuối buổi tiệc, chủ nhà đi từng bàn để trả lại phong bì cho những người đã cúng khi thắp nhang, với lời cám ơn.
Đặc biệt là việc kiên quyết không nhận phong bì khi một số người có ý không nhận lại, với lý do bà con dành thời gian đến thắp nhang và dùng cơm với gia đình là đã quá tốt rồi.
Một số khách mời ở xa đến thì có đôi chút bất ngờ nhưng những người hàng xóm, bà con của tôi thì vui vẻ nhận lại phong bì, thậm chí có người nhận luôn cho cả bàn rồi phân phát, trả lại theo tên từng người ghi trên phong bì.
Tôi hỏi một người trong bàn là những trường hợp như này có nhiều không, thì được biết chỉ một số ít. Đó thường là những gia đình khấm khá, có điều kiện hoặc có con cháu làm ăn xa lâu lâu về giỗ cha mẹ, ông bà coi như trả lễ quê hương, cám ơn bà con quê hương nên không nhận phong bì, chứ chưa nhiều.
Tuy nhiên, xu hướng này đang tăng lên, hy vọng việc không nhận phong bì sẽ trở thành thói quen, nét đẹp, nét văn hóa của quê hương.
Việc trả lại phong bì khi đi đám giỗ, mặc dù là chuyện nhỏ, khá bình thường nhưng có thể coi là chuyển biến lớn về nhận thức, về văn hóa lễ nghĩa. Bởi những năm gần đây tình trạng đi đám giỗ, thắp nhang bằng phong bì là khá phổ biến, gần như là 100% và diễn ra ở mọi vùng miền!.
Thậm chí, ở một số địa phương vì phong tục nặng nề, quá nhiều lễ nghĩa và cộng thêm bệnh phô trương, hình thức, lãng phí và tâm lý đua tranh lẫn nhau. Nhiều gia đình khó khăn phải lo chạy vạy mượn tiền để... đi đám giỗ hoặc lo làm đám giỗ thật lớn, thật hoành tráng cho người thân mà cái nghèo cứ mãi đeo bám, cuộc sống không khá lên được.
Bởi nếu được mời mà không đi phong bì hoặc đi ít hơn so với người khác sẽ "tự dưng" làm cho tình làng nghĩa xóm bị phai nhạt hoặc nếu quan hệ bà con thân thuộc thì sẽ trở nên xa cách!
Ngoài ra, tình trạng cứ có giỗ chạp thì những người được mời đều "phải" đi phong bì nên một số chủ nhà mời khách một cách vô tội vạ, không cần suy nghĩ về chi phí. Bởi mời nhiều khách thì cũng chẳng tốn kém thêm bao nhiêu vì đã có tiền cúng, tiền phong bì bù lại.
Đây cũng chính là nguyên nhân các đám giỗ chạp ngày càng tổ chức lớn, khách mời ngày càng đông; năm sau đông hơn trước, còn hàng xóm thì nhà tổ chức sau thường làm to hơn nhà tổ chức trước...
Hành động trả lại phong bì của gia chủ mang nhiều ý nghĩa tích cực, nhân văn. Thông qua đó cho thấy rằng những người khách được mời thật sự là những người quan trọng, thân thiết với gia đình không mời tràn lan vì mục đích... nhận phong bì. Không nhận phong bì cũng có nghĩa là họ không lợi dụng đám giỗ cho người thân nhằm phô trương, hình thức, lãng phí; từ đó phần nào cảm nhận, thấy rõ được tấm lòng hiếu, nghĩa của họ đối với người thân đã khuất.
Vì vậy, văn hóa không nhận phong bì không chỉ thực hiện trong hoạt động, giao dịch hàng ngày trong mối quan hệ trên - dưới, xin - cho... mà nên nhân rộng ra toàn bộ đời sống xã hội, đặc biệt là trong hoạt động tâm linh, ma chay, cúng giỗ. Điều này không chỉ vừa thực hiện nếp sống mới, văn minh trong đời sống hàng ngày theo chủ trương của Đảng, Nhà nước mà còn hạn chế tình trạng phô trương hình thức, loại bỏ các hủ tục rườm rà, gây tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc của người dân.
Dù thế nào thì việc trả lại tiền đi đám giỗ là hành động văn minh, rất cần duy trì, nhân rộng!.
Luật gia Phạm Văn Chung