Nên hạn chế cấp phép các bảng quảng cáo kích cỡ quá lớn
(Dân trí) - Vụ tai nạn do bảng quảng cáo khổng lồ bị đổ sập ở Ấn Độ làm hơn 90 người thương vong, trong đó có 14 người chết là lời cảnh báo về sự nguy hiểm đối với thực trạng các bảng quảng cáo "khủng" ở nước ta.
Vì liên quan đến quảng cáo, quảng bá cần được nhiều người biết nên các biển hiệu, bảng quảng cáo thường đặt cạnh đường giao thông, khu trung tâm mua sắm sầm uất hoặc khu vui chơi, giải trí tập trung đông người.
Đáng nói là nhiều bảng quảng cáo có kích cỡ rất lớn, cần khối lượng lớn vật tư, sắt thép để xây dựng nên nó có trọng lượng rất lớn. Mặt khác, ở một số nơi có nhiều bảng quảng cáo đồ sộ mọc lên chen chúc, san sát nhau nhưng độ an toàn rất kém, khi gió lớn có thể thấy sự đung đưa, rung lắc rõ.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các bảng quảng cáo này có nguy cơ đổ sập, gây tai nạn là rất cao, rất đáng lo ngại, nhất là khi nó được dựng trong các khu vực dân cư đông đúc hoặc cạnh đường giao thông.
Trên thực tế ở nước ta đã có nhiều vụ các bảng quảng cáo bị gãy đổ gây tai nạn, thương tích, thậm chí có trường hợp chết người. Nguy hiểm là hiện có nhiều bảng quảng cáo vì lý do nào đó mà không còn được sử dụng, bỏ không nhưng bộ khung vẫn không được tháo dỡ hoặc chỉ tháo một phần nên vẫn còn trơ trơ với nắng mưa rất nguy hiểm. Các bảng này chứa rủi ro cao, có thể đổ sập bất cứ lúc nào, nhất là vào mùa mưa bão hay gió lốc xoáy lớn.
Bên cạnh đó, có nhiều bảng quảng cáo xây dựng rất ẩu, sơ sài, thậm chí xây "chui" mà chưa được cấp phép hoặc không đủ tiêu chuẩn an toàn xây dựng. Các trường hợp này chủ yếu là tự phát được gắn trên mái nhà dân, hàng quán treo lơ lửng, không chắc chắn rất nguy hiểm.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu xem xét cấp phép xây dựng biển hiệu, bảng quảng cáo phù hợp, có giới hạn về kích cỡ, khối lượng. Theo đó, không nên cấp phép đối với loại có diện tích quá lớn, trọng lượng quá nặng, nhất là ở khu vực đông dân cư.
Đồng thời, nên quy định thời hạn sử dụng đối với các bảng quảng cáo, nhất là ở ngoài trời với kích cỡ quá lớn, trường hợp gia hạn phải làm thủ tục xin phép theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm, dứt điểm tình trạng các bảng quảng cáo không còn sử dụng nhưng không được tháo dỡ hoặc không có các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân.
Có như vậy, mới ngăn chặn được nguy cơ các bảng quảng cáo sập đổ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng cũng như gây thiệt hại tài sản của người dân. Đồng thời cũng là biện pháp nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời đối với những sai phạm, lộn xộn trong hoạt động quảng cáo nói chung vừa đảm bảo thẩm mỹ, cảnh quang sạch đẹp, an toàn cho cộng đồng dân cư.
Luật gia Phạm Văn Chung