TP.HCM: “Nóng” chuyện phân lô bán nền hộ lẻ sau tố cáo của Bí thư huyện ủy

(Dân trí) - Sau những thông tin tố cáo của Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn liên quan đến công tác quản lý đất đai như tách thửa phân lô đã khiến câu chuyện này “nóng nhất” với nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh các quyết định mới được ban hành và đưa vào áp dụng.

Một khu phân lô trái phép năm 2004 tại xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn. Đến nay người dân vẫn chưa được cấp số nhà, GCNQSDĐ và hộ khẩu thường trú
Một khu phân lô trái phép năm 2004 tại xã Thới Tam Thôn, Hóc Môn. Đến nay người dân vẫn chưa được cấp số nhà, GCNQSDĐ và hộ khẩu thường trú

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 do Thành ủy TP.HCM tổ chức, ông Nguyễn Cư, Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn đã trình bày những bức xúc liên quan việc ông bị thường trực UBND huyện Hóc Môn đánh giá “đồng chí Bí thư gây mất đoàn kết nội bộ”. Ông Cư bị đánh giá như vậy xuất phát từ việc vào cuối năm 2014, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong công tác quản lý đất đai như tách thửa phân lô trên 2.000 nền đất, phá vỡ quy hoạch huyện Hóc Môn, có dấu hiệu lợi ích nhóm nên đã yêu cầu UBND huyện báo cáo nhưng UBND huyện luôn khẳng định đã thực hiện đúng.

Sau đó, ông báo cáo với thường trực Thành ủy và Ban cán sự Đảng UBND TP. Thành ủy đã lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm của tập thể, cá nhân huyện Hóc Môn về tình hình quản lý đất đai, trật tự xây dựng.

Thực tế cho thấy, việc phân lô hộ lẻ được UBND TP.HCM cho phép triển khai từ khi QĐ19/QĐUB ngày 25/02/2009, sau đó được thay thế bằng QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014. Dư luận sẽ không “nóng hầm hập” nếu không có chuyện Bí thư Huyện ủy huyện Hóc Môn đi “tố” UBND huyện mình thực hiện sai hai Quyết định nêu trên. Nhiều chuyên gia bắt đầu “mổ xẻ” tính pháp lý và tính thực tiễn của Quyết định 33 .

Trước thời điểm thành phố cho áp dụng thí điểm phân lô hộ lẻ theo công văn 695/UBND ngày 22/02/1999 thì ngoài những dự án nhà ở lớn, hoành tráng thì thành phố vẫn tồn tại nhiều khu nhà ổ chuột do tình trạng phân lô trái phép. Những khu phân lô này thường thì hẻm chỉ rộng 2- 4m, mỗi căn nhà với diện tích đất chỉ khoảng 20- 50 m2.

Trong thời gian 3 năm từ năm 1999 đến năm 2002 (khi có chỉ thị 05 /CTUB về việc chấm dứt phân lô thí điểm) cho thí điểm phân lô hộ lẻ, kết quả là thành phố đã đẩy lùi được nạn phân lô trái phép và thu được nguồn thu rất lớn từ tiền thuế sử dụng đất, làm cho bộ mặt đô thị cũng khang trang hơn, việc phân lô hộ lẻ sau đó phải dừng lại vì việc triển khai ở nhiều quận huyện “bất ổn”. Tuy nhiên, dù đã dừng việc thí điểm phân phân lô nhưng đến năm 2009 tình trạng này vẫn diễn ra ồ ạt, đặc biệt là khu vực vùng ven thành phố.

Khi QĐ19/QĐUB ngày 25/02/2009 sau đó được thay thế bằng QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014, các quận huyện hưởng ứng đón nhận như một “liều thuốc quý” để chữa ngay “căn bệnh” phân lô trái phép. Hiện các cơ quan chức năng chưa có báo cáo tổng kết những năm qua về phân lô hộ lẻ theo hai Quyết định trên nhưng có thể nhận thấy nạn phân lô trái phép đã giảm rõ rệt, thậm chí có quận huyện không còn trường hợp nào phát sinh. Tuy nhiên, từ câu chuyện huyện Hóc Môn đến các quận huyện khác đang diễn ra đã làm cho lãnh đạo thành phố đang cân nhắc có nên dừng việc thực hiện QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014 hay không? nếu tiếp tục cho làm thì phải làm sao? Đây là bài toán về quản lý đô thị hết sức cấp bách.

Việc phân lô bán nền hộ lẻ đang làm đau đầu các nhà quản lý
Việc phân lô bán nền hộ lẻ đang làm "đau đầu" các nhà quản lý

Luật sư Đinh Ích Nam, Trưởng văn phòng luật sư Nam Kinh - Đoàn Luật sư TP.HCM nhìn nhận, đây là vấn đề cấp bách cần được sự quan tâm kịp thời của Đảng bộ và Chính quyền thành phố. “Chúng ta phải khẳng định QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014 là một sản phẩm pháp lý đặc thù, mang tính trí tuệ, công bằng, vì dân của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trước khi QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014 được ban hành đã lấy ý kiến rất nhiều cấp nhiều ngành và giành được sự đồng thuận cao. Tôi có hơn mười năm theo công việc tư vấn về lĩnh vực đất đai cho nên tôi hiểu tính đặc thù của quyết định này xuất phát từ chỗ, đất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đa số thuộc quyền sử dụng của người dân và hầu hết đã được cấp GCNQSDĐ. Quá trình đô thị hóa ồ ạt không có phân khu, định hướng quy hoạch chi tiết đã làm phát sinh những khu đất trống (da beo) từ vài trăm mét đến một vài hecta xen cài với khu dân cư. Những khu đất này thực sự không một doanh nghiệp Bất động sản nào muốn nhảy vào thương lượng đền bù, đặc biệt khi các quận huyện vùng ven còn nhiều đất trống” - Luật sư Nam đưa ra quan điểm.

Cũng theo luật sư Nam, những khu đất này nếu không có “cây gậy” là QĐ 33/QĐUB ngày 25/10/2014 tầm soát thì người dân sẽ tự “lo lót” để được phân lô trái phép hoặc chuyển lên đất ở rồi xây nhà trọ, nhà ba chung để bán giấy tay với hạ tầng sơ sài nhếch nhác. Nguy hiểm hơn một số cá nhân còn lợi dụng việc thừa nhận mua bán giấy tay trước ngày 01/07/2004 của luật đất đai 2003 bằng cách viết lùi thời điểm mua bán đất, rồi lén lút đổ đất làm đường rộng 3 hoặc 4m trải xà bần hoặc đá dăm, không điện, không cống thoát nước, không vỉa hè…. rồi phân ra nhiều lô với diện tích 30 - 50m2. Thậm chí còn lách thuế vượt hạn mức làm thất thu không ít tiền thuế sử dụng đất của nhà nước.

Trung Kiên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm