Vụ côn đồ đánh hội đồng người dân: TAND Tối cao đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét xử lý

(Dân trí) - Liên quan đến việc các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang bị "tố" bỏ lọt tội phạm trong vụ côn đồ đánh hội đồng người dân, TAND Tối cao vừa có văn bản chuyển TAND Cấp cao tại TPHCM đề nghị xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Trước đó, trong đơn gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao và một số cơ quan tố tụng Trung ương cùng báo Dân trí, ông Phạm Văn Sỹ (SN 1977, ngụ thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) trình bày, ông là bị hại trong vụ án “Cố ý gây thương tích” do Nguyễn Trọng Đạt, Trần Tuấn Kiệt, Đoàn Minh Đông, Phạm Văn Công, Phạm Văn Lưu gây ra vào năm 2011.

Ông Sỹ cho biết, qua các bản án sơ thẩm của TAND huyện Phú Quốc vào tháng 12/2011 và phúc thẩm của TAND tỉnh Kiên Giang vào tháng 7/2012, ông cho rằng các bản án chưa thuyết phục nên đã làm đơn gửi nhiều cơ quan chức năng kiến nghị làm rõ một số vụ việc, trong đó có trách nhiệm của các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang trong việc làm sai lệch hồ sơ, bỏ lọt tội phạm.

Đơn tố cáo của ông Phạm Văn Sỹ gửi các cơ quan tố tụng Trung ương và báo Dân trí.
Đơn tố cáo của ông Phạm Văn Sỹ gửi các cơ quan tố tụng Trung ương và báo Dân trí.

Đang bị tạm giam vẫn được…chuyển hộ khẩu

Theo đơn của ông Sỹ, trong quá trình điều tra vụ án, Công an huyện Phú Quốc đã không làm rõ nhân thân của đối tượng gây án là Nguyễn Trọng Đạt (SN 1979). Chính vì thế, sau 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm của TAND huyện Phú Quốc và TAND Kiên Giang, các bản án tòa tuyên là không thuyết phục.

Cụ thể, đối tượng Nguyễn Trọng Đạt khi gây án đang được tạm hoãn chấp hành Quyết định số 249/QĐ-UBND “V/v áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh tại Trung tâm giáo dục lao động xã Kiên Hảo - tỉnh Kiên Giang”. Tuy nhiên, CQĐT Công an huyện Phú Quốc đã “lờ” qua yếu tố này về nhân thân bị cáo, dẫn đến bản kết luận điều tra, cáo trạng, các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều ghi Nguyễn Trọng Đạt “có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự”. Mặt khác, Nguyễn Trọng Đạt đang trong quá trình tạm hoãn chấp hành quyết định tập trung chữa bệnh và bị tạm giam sau khi gây án, thế nhưng, Đạt vẫn được Công an huyện Phú Quốc “chấp nhận” nhập hộ khẩu từ TP Rạch Giá ra huyện Phú Quốc.

Theo tài liệu mà chúng tôi có được từ sổ hộ khẩu của Nguyễn Trọng Đạt cho thấy, ngày 11/8/2011 Đạt bị bắt tạm giam để làm rõ hành vi “Cố ý gây thương tích” nhưng lại được chuyển hộ khẩu từ TP Rạch Giá ra huyện Phú Quốc vào ngày 16/8/2011, tức là chỉ sau 5 ngày đối tượng này bị bắt tạm giam.

Ông Phạm Văn Sỹ (người bị hại trong vụ án) cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đã cố tình làm sai lệch hồ sơ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.
Ông Phạm Văn Sỹ (người bị hại trong vụ án) cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đã "cố tình" làm sai lệch hồ sơ dẫn đến bỏ lọt tội phạm.

5 người cùng đánh, chỉ 2 người bị truy tố

Theo ông Sỹ, trong vụ án có 5 người gồm Đạt, Kiệt, Đông, Công và Lưu cùng đánh ông là có chủ ý, do có sự mâu thuẫn trong việc làm ăn. Các đối tượng này đã chủ động đem theo hung khí (như cây vuông, vỏ chai bia và đá xanh loại 4x6) rồi sắp xếp và tổ chức đón lỏng ông vào lúc 13h 30 phút chiều ở nơi ông thường đi làm qua khách sạn An Bình mỗi ngày để đánh ông.

Ông Sỹ cho rằng, việc ông bị chặn đánh là có tổ chức, buộc ông phải tự vệ nhưng lại bị Công an huyện Phú Quốc xử phạt vi phạm hành chính là 1,5 triệu đồng. Còn các đối tượng chặn đường đánh ông thì chỉ bị phạt 700.000 đồng. “Tôi thấy việc xử phạt này là quá vô lý bởi tôi tự vệ chính đáng nhưng vẫn chịu mức phạt cao hơn bọn người đánh tôi. Tôi thấy rằng Công an huyện Phú Quốc đã có thiên vị đối với các đối tượng này?”, ông Sỹ bức xúc.

Cũng theo ông Sỹ, các đối tượng trên dùng gậy gỗ vuông, vỏ chai bia, đá 4x6 là những hung khí nguy hiểm đánh và gây thương tích cho ông đến 12%, nhưng chỉ bị truy tố ở khoản 1 Điều 104 BLHS là không đúng. Lẽ ra, với việc dùng các loại hung khí này và thực hiện hành vi cùng lúc là phải truy tố các đối tượng ở khoản 2 Điều 104 BLHS với tình tiết tăng nặng.

Ngoài ra, các đối tượng đã có sự bàn bạc, thống nhất với nhau về hành vi phạm tội nhưng CQĐT Công an huyện Phú Quốc “cố tình” bỏ qua tình tiết này để chứng minh hành vi phạm tội của 2 đối tượng Kiệt và Đạt là hoàn toàn độc lập và không áp dụng tình tiết tăng nặng là phạm tội có tổ chức.

“Tôi khẳng định việc Kiệt chạy từ trong khách sạn ra để cùng đồng bọn hành hung tôi không phải là sự tình cờ theo nhận định của bản án mà vụ việc dường như đã bị bóp méo sự thật và làm sai lệch hồ sơ. Vụ án này là có tổ chức do 5 người thực hiện nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ khởi tố và truy tố đối với hai người, vậy có phải là đã bỏ lọt người, lọt tội phạm”, ông Sỹ đặt nghi vấn.

Văn bản TAND Tối cao chuyển vụ việc của ông Phạm Văn Sỹ đến TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
Văn bản TAND Tối cao chuyển vụ việc của ông Phạm Văn Sỹ đến TAND Cấp cao tại TPHCM xem xét xử lý theo quy định pháp luật.

Cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan tố tụng 

Với những khuất tất trên, theo ông Sỹ, các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang đã “tắc trách” dẫn đến tuyên mức án treo và sau đó là 6 tháng tù đối với Nguyễn Trọng Đạt là quá nhẹ so với hành vi phạm tội cũng như không đủ răn đe người khác. Bên cạnh đó, những đối tượng khác có liên quan trong vụ án lại bị “lọt” ra ngoài mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự cũng là kiểu “giơ cao đánh khẻ” của các cơ quan tố tụng, gây bức xúc trong dư luận địa phương.

“Do đó, tôi đề nghị cơ quan tố tụng cấp Trung ương xem xét tuyên hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại nhằm làm rõ hơn vụ án, tránh bỏ lọt tội phạm cũng như có mức án hợp lý giành cho các đối tượng côn đồ. Ngoài ra, cũng đề nghị xem xét trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan tố tụng huyện Phú Quốc và tỉnh Kiên Giang trong vụ việc, để lấy lại lòng tin của người dân”, ông Sỹ kiến nghị.

Liên quan đến vụ án, trước đó, CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang cũng cho rằng, CQĐT Công an huyện Phú Quốc đã tiến hành các hoạt động điều tra đúng theo trình tự thủ tục tố tụng và đúng theo quy định pháp luật, không làm sai lệch hồ sơ vụ án, không bỏ lọt tội phạm.

Tuy nhiên, CQĐT Công an tỉnh Kiên Giang lại chưa làm rõ khúc mắc của vụ án là việc Công an huyện Phú Quốc xác minh sơ sài nhân thân của đối tượng Nguyễn Trọng Đạt dẫn đến hồ sơ bị sai lệch và các bản án tòa tuyên là thiếu thuyết phục. Do đó, ông Sỹ cũng đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang cần vào cuộc điều tra vấn đề này để làm rõ thêm trách nhiệm của Công an huyện Phú Quốc.

Một luật sư ở Kiên Giang nêu quan điểm, ở vụ án này, đối tượng gây án là Nguyễn Trọng Đạt đang được tạm hoãn thi hành đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc nhưng vẫn được cho là “có nhân thân tốt” là bất thường. Bên cạnh đó, Đạt đang bị tạm giam với hành vi cố ý gây thương tích nhưng vẫn được chuyển, nhập hộ khẩu cũng là điều khó hiểu. Trong vụ việc này, cơ quan điều tra đã có thiếu sót khi không xác minh làm rõ nhân thân của Nguyễn Trọng Đạt dẫn đến hình phạt của các bản án phần nào không khách quan, thiếu thuyết phục.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

H.H