Sóc Trăng:
Tỉnh chỉ đạo một đằng, huyện làm một nẻo, dân lĩnh đủ vì bị nhà yến tra tấn
(Dân trí) - Một hộ dân xin phép xây nhà ở nhưng cuối cùng lại "biến" thành nhà nuôi chim yến. Nhiều hộ dân khác bị "tra tấn" suốt ngày bởi loa phát ra dẫn dụ chim yến và nỗi lo ô nhiễm môi trường từ phân chim.
Dân bức xúc vì suốt ngày bị "tra tấn" bởi âm thanh và phân chim yến
Theo phản ánh của nhiều hộ dân ở ấp Đầu Giồng (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng), tháng 2/2020, vợ chồng ông Nguyễn Văn Minh và bà Hà Thị Ngọc Thắm cho xây dựng nhà nuôi yến ngay khu dân cư có đông người sinh sống.
Khi thấy gia đình ông Minh xây nhà nuôi chim yến, người dân đã báo cho chính quyền địa phương, yêu cầu can thiệp. Từ tháng 8/2019, Chủ tịch tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các địa phương có biện pháp không để phát sinh mới nhà yến và Chủ tịch cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch tỉnh nếu để phát sinh mới nhà yến trên địa bàn mình quản lý.
Thế nhưng, hộ ông Minh vẫn xây xong nhà nuôi yến mà không bị xử lý, dù người dân đã rất nhiều lần kêu cứu đến cơ quan chức năng địa phương.
"Từ ngày nhà nuôi yến vào hoạt động, vợ chồng ông Minh cho gắn loa dẫn dụ chim yến phát suốt ngày khiến bà con chúng tôi, trong đó có nhiều trẻ em mất ăn mất ngủ, nhức đầu vô cùng. Cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn, chất thải từ nhà yến văng lên mái nhà, tường nhà, khu vực sân nhà, quần áo phơi ngoài sân bị dính đầy phân yến.
Đặc biệt, hiện nay bắt đầu mùa mưa, bà con chúng tôi phải dự trữ nước mưa phục vụ cho ăn uống, sinh hoạt trong những tháng mùa khô. Nhưng chất thải từ nhà nuôi yến của vợ chồng ông Minh đã làm ô nhiễm mái nhà nên chúng tôi không thể hứng nước mưa như trước đây được.
Để có nước sử dụng, chúng tôi phải mua nước đóng chai, đóng bình, tốn thêm rất nhiều tiền, trong khi đó bà con chúng tôi cũng khó khăn lắm", một người dân bức xúc.
Nói về âm thanh dẫn dụ chim yến, một người dân có nhà gần nhà nuôi yến, phản ánh: "Theo tìm hiểu của chúng tôi, thiết bị phát âm thanh để dẫn dụ chim yến có cường độ âm thanh đo tại miệng loa không vượt quá 70dBA (đề xi ben A), thời gian phát loa dẫn dụ chim yến từ 5h - 11h30 và từ 13h30 - 19h mỗi ngày.
Nhưng nhà yến của vợ chồng ông Minh phát loa cường độ rất lớn, phát suốt ngày khiến chúng tôi rất khổ sở. Chúng tôi chỉ thắc mắc là từ khi thấy ông Minh xây nhà yến, đã báo rất nhiều lần cho chính quyền thị trấn và huyện nhưng không hiểu sao họ vẫn xây xong nhà nuôi yến".
Một người dân khác cũng bức xúc: "Bà con chúng tôi phản ánh không ai nghe. Thậm chí, ông Trương Văn Ải là Trưởng Ban Nhân dân ấp, ở kế bên nhà nuôi yến nhưng ông cũng không nói gì, không báo gì với chính quyền về trường hợp ông Minh xây nhà nuôi yến thế này".
Cấp phép xây nhà ở nhưng "biến" thành nhà nuôi chim yến
Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, qua phản ánh của người dân, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện kiểm tra, báo cáo, đề xuất hướng xử lý đối với trường hợp xây nhà nuôi yến của ông Minh, bà Thắm.
Hiện nay, Phòng đã có báo cáo và UBND huyện cũng chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Sóc Trăng kiểm tra, đề xuất xử lý theo quy định của lĩnh vực chăn nuôi.
Theo báo cáo của Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Đề, ngày 17/9/2020, Phòng phối hợp với Phòng Nông nghiệp huyện kiểm tra công trình xây dựng của gia đình ông Nguyễn Văn Minh và bà Hà Thị Ngọc Thắm. Công trình này được UBND huyện Trần Đề cấp phép xây dựng nhà ở ngày 7/4/2020, tổng diện tích 418m2, quy mô 3 tầng và 1 tầng thượng.
Ngày 24/2/2021, hai đơn vị nói trên tiếp tục kiểm tra thì công trình đã xây dựng xong. Tuy nhiên, kết cấu bên trong có thay đổi so với bản vẽ thiết kế được duyệt (bên trong không xây vách ngăn phòng, không có phòng vệ sinh). Qua trao đổi, bà Thắm xác nhận công trình xây dựng để phục vụ nuôi chim yến.
Điều đáng nói, trong báo cáo này, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Đề viện dẫn Công văn 1712 (ngày 15/8/2019) của UBND tỉnh Sóc Trăng; Nghị định 139 (ngày 27/11/2017) của Chính phủ; Nghị định 13 (ngày 21/1/2021) của Chính phủ, và cho rằng không có cơ sở xử phạt bà Thắm vì các văn bản trên không có quy định nào nói về xử phạt đối với việc xây nhà nuôi yến.
Từ đó, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Trần Đề đề nghị UBND huyện Trần Đề có văn bản đề nghị gia đình ông Minh, bà Thắm "không được nuôi chim yến trong khu vực đô thị khi chưa có quy định, hướng dẫn mới; không được phát loa tại công trình nhằm mục đích dẫn dụ chim yến".
Được biết, ngày 19/8/2019, Chủ tịch UBND huyện Trần Đề có công văn chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã, thị trấn có biện pháp không để phát sinh mới nhà nuôi chim yến trên địa bàn. "Chủ tịch UBND xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện nếu để phát sinh mới nhà yến trên địa bàn mình quản lý", UBND huyện Trần Để chỉ đạo rõ.
Vậy, trách nhiệm của cán bộ địa phương như thế nào khi để gia đình ông Minh, bà Thắm xây nhà nuôi chim yến như đã phản ánh trên?