Tiêu hủy 2 siêu xe ở Quảng Bình: Có lãng phí và đã hợp lý?
(Dân trí) - "Đối với việc tiêu hủy 2 siêu xe nhập lậu, nếu có cơ sở cho rằng những tài sản này không đủ điều kiện lưu thông và không có biện pháp xử lý phù hợp, việc tiêu hủy là hợp lý", luật sư bình luận.
Hội đồng tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính tỉnh Quảng Bình mới đây đã tiêu hủy 2 phương tiện ô tô là tang vật vi phạm hành chính, gồm một xe Lamborghini màu xanh cốm, dung tích xi lanh 6.500cm3 và một xe Mercedes màu vàng, dung tích xi lanh 5.461cm3. Đây là các phương tiện có dấu hiệu nhập lậu, bị Công an Quảng Bình tạm giữ khi trên đường vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM.
Theo đại diện Hội đồng, đây là các phương tiện không đảm bảo điều kiện về kỹ thuật và pháp lý, do đó không thể đưa vào lưu thông trên đường hay đem ra đấu giá sử dụng. Các cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu nhiều phương án xử lý, tới khi không còn phương án nào phù hợp, cơ quan chức năng mới đưa ra giải pháp tiêu hủy.
Chứng kiến việc 2 phương tiện có giá trị rất lớn bị tiêu hủy, nhiều người không giấu được cảm giác tiếc nuối. Độc giả Long Nguyễn bình luận: "Tuy là đúng quy định nhưng cũng lãng phí. Nếu tháo xe bán đấu giá linh kiện có lẽ sẽ thu được nhiều hơn là bán phế liệu".
Có chung đề xuất tháo rỡ phương tiện để bán đấu giá, anh Nam Le viết: "Không đủ điều kiện thì không cho lưu thông, còn ai muốn mua thì là quyền của họ, miễn không cấp đăng ký xe là được rồi. Khối tiệm muốn mua để rã lấy linh kiện".
"Tiêu hủy khung gầm xe thôi, linh kiện còn lại đấu giá từ thiện là đẹp", ý kiến từ độc giả Mai Anh Vũ.
Còn với người dùng Lý Phạm, người này gợi ý về việc đưa những chiếc xe làm công cụ giảng dạy tại trường dạy nghề. Độc giả này viết: "Đồng ý là xe gian thay vì cấp phép bán thì cần phải đi tiêu hủy. Tuy nhiên, sao không có chính sách nào đó đưa vào các trường dạy nghề để làm công cụ giảng dạy có phải hơn không nhỉ?".
Trong khi đó, với chủ tài khoản Toan Diamond, người này lại ủng hộ việc tiêu hủy xe nghi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. "Xe không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì là xe gian không hợp pháp, có thể là xe trộm cắp hoặc xe trốn thuế. Vì vậy, việc tiêu hủy là đúng, không thể dùng vào cho bất cứ mục đích gì. Phải thượng tôn pháp luật", độc giả này nhấn mạnh.
Tiêu hủy phương tiện đã phù hợp chưa?
Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TPHCM) cho biết theo Điều 15 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, mức phạt tiền đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, tùy thuộc giá trị loại hàng hóa đó, có thể lên tới 50 triệu đồng.
Đối với các hành vi như trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự; Hàng hóa nhập lậu thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu hoặc Hàng hóa nhập lậu thuộc nhóm mặt hàng như thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thuốc phòng bệnh, trang thiết bị y tế, hóa chất... mức phạt áp dụng cao gấp 2 lần mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Ngoài ra, theo khoản 4 Điều này, người vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung bao gồm: Tịch thu tang vật đối với hành vi vi phạm và Tịch thu phương tiện vận tải vi phạm trong trường hợp tang vật vi phạm có giá trị từ 200 triệu đồng trở lên".
Còn theo khoản 5 Điều này, biện pháp khắc phục hậu quả có thể áp dụng là buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại, hàng hóa không bảo đảm an toàn sử dụng đối với hành vi vi phạm quy định tại điều này.
Như vậy, đối với việc tiêu hủy 2 siêu xe nhập lậu, nếu cơ quan thẩm quyền có cơ sở cho rằng những tài sản này không đủ điều kiện được lưu thông và có biện pháp xử lý phù hợp với quy định thì việc tiêu hủy là phù hợp với quy định pháp luật.