Chủ phương tiện vi phạm có được mặc cả phí cẩu, kéo xe không?
(Dân trí) - Việc cơ quan chức năng thuê đơn vị trung gian để cẩu xe vi phạm, sau đó thả nổi để chủ xe buộc phải trả phí theo yêu cầu của đơn vị cẩu xe, là chưa hoàn toàn đúng quy định pháp luật hiện hành
"Dựa trên các quy định pháp luật hiện có thì có thể tạm thời đi đến kết luận rằng: Cơ quan chức năng thuê đơn vị trung gian cẩu xe vi phạm, sau đó thả nổi để người có xe bị tạm giữ buộc phải trả phí cẩu xe theo yêu cầu của đơn vị cẩu xe, là chưa hoàn toàn đúng quy định pháp luật hiện hành.
Thiết nghĩ, cơ quan thực thi pháp luật phải thay đổi thực tế này; Sở giao thông các tỉnh, thành phố nhất thiết ban hành mức giá xe cứu hộ cẩu kéo xe vi phạm trật tự để chấm dứt tình trạng có nghi ngờ thông đồng móc ngoặc trong hoạt động cẩu xe", đó là quan điểm của Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư Hà Nội - Giám đốc Công ty Luật TNHH LSX) trước thực trạng đang gây bức xúc trong dư luận về sự "loạn" giá phí cẩu xe vi phạm giao thông.
Chủ xe vi phạm có được mặc cả phí cẩu xe không?
Khi bị lập biên bản về tội đỗ xe trái phép và buộc phải cẩu xe về bãi giữ xe vi phạm, trong trường hợp CSGT không có xe kéo thì chủ xe vi phạm có được "mặc cả" phí này với công ty dịch vụ không, thưa Luật sư?
Luật sư Quách Thành Lực: Việc cẩu xe vi phạm là một trong các bước tạm giữ phương tiện hành chính được thực hiện trong ba trường hợp: 1) để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính; 2) để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt; 3) Đối với trường hợp tại thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ (Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).
Quan hệ giữa người có xe bị cẩu đi và đơn vị cẩu xe là quan hệ dân sự. Nguyên tắc cơ bản của quan hệ dân sự là tự do thỏa thuận, thuận mua vừa bán không đồng ý về giá thì không thực hiện dịch vụ. Tuy nhiên trên thực tế người có xe bị cẩu không được thương lượng mà bị ép phải sử dụng dịch vụ, bị chèn ép không có tự do ý chí trong việc thương lượng giá với đơn vị cẩu xe.
Lý do chính ở đây có sự nhập nhèm, thiếu chuẩn mực khi có sự đan cài của quan hệ hành chính giữa người vi phạm và cơ quan xử lý vi phạm - vốn mang tính mệnh lệnh, Luật sư Quách Thành Lực chia sẻ.
Về chi phí cẩu xe khi tạm giữ phương tiện được quy định như sau:
Luật xử lý vi phạm hành chính tại khoản 7 điều 126 về Xử lý tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính quy định: "Người có tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ chỉ phải trả chi phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện và các khoản chi phí khác trong thời gian tang vật, phương tiện bị tạm giữ theo quy định tại khoản 8 Điều 125 của Luật này. Chính phủ quy định chi tiết về mức phí tạm giữ tang vật, phương tiện quy định tại Điều 125 của Luật này".
Nghị định 115/2013/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ; tịch thu theo thủ tục hành chính quy định như sau:
"Điều 5. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu
1. Kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu, bao gồm các khoản....; mua sắm trang thiết bị, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc quản lý, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, giám định tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu...
2. Kinh phí cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu được bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phân cấp quản lý ngân sách hiện hành.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể về kinh phí bảo đảm cho công tác quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu; mức phí lưu kho, phí bến bãi, phí bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ".
Nhà nước đảm bảo cơ sở, vật chất, trang thiết bị cho việc tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính. Việc cẩu xe vi phạm chỉ là một trong các bước tạm giữ phương tiện hành chính.
Trường hợp thuê xe thì cơ quan chức năng trả phí cẩu xe cho đơn vị trung gian theo khung giá Nhà nước quy định. Sau đó sẽ thu lại khoản phí này từ người có phương tiện vi phạm. Do vậy Cơ quan thực thi công vụ phải có nghĩa vụ sử dụng phương tiện được Nhà nước cung cấp để cẩu xe vi phạm. Khi cơ quan chức năng không đủ trang thiết bị thì họ có quyền thuê đơn vị trung gian thực hiện việc cẩu xe.
Thực tế hiện nay việc cẩu xe vi phạm thường được cơ quan chức năng thuê đơn vị trung gian thực hiện. Theo đánh giá của tôi hiện nay không có quy định pháp lý cụ thể để cơ quan chức năng thực hiện điều này. Đây là một việc làm theo hoàn cảnh thực tế để đảm bảo xử lý vi phạm hành chính, có thể chấp nhận được.
Với quy định trên có thể hiểu rằng các chi phí liên quan đến việc tạm giữ phương tiện phải tuân theo mức giá theo quy định của Chính Phủ, Bộ Tài Chính. Người vi phạm có nghĩa vụ phải trả phí nhưng mức phí đó phải nằm trong khung giá Nhà nước ban hành.
Nếu người vi phạm không nhận được Biên lai thì không có nghĩa vụ phải nộp tiền phạt!
Vậy nếu công an không đưa biên lai phạt ra, người vi phạm có phải nộp? Nếu không đồng ý mức phạt đó, chủ xe có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình, thưa Luật sư?
Luật sư Quách Thành Lực: Chiến sỹ công an đưa biên lai phạt cho người vi phạm khi vụ việc xử phạt thuộc trường hợp phạt không cần lập biên bản (trường hợp mức phạt đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức ). Điều 56 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Khi thi hành quyết định xử phạt không lập biên bản cá nhân, tổ chức vi phạm nộp tiền phạt tại chỗ cho người có thẩm quyền xử phạt. Người thu tiền phạt có trách nhiệm giao chứng từ thu tiền phạt cho cá nhân, tổ chức nộp tiền phạt và phải nộp tiền phạt trực tiếp tại Kho bạc Nhà nước hoặc nộp vào tài khoản của Kho bạc Nhà nước trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày thu tiền phạt. Điều 69 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Chứng từ thu tiền phạt chính là Biên lai mà người dân thường gọi. Nếu người dân không nhận được Biên lai thì người dân không có nghĩa vụ phải nộp tiền phạt. Nếu người dân nộp tiền phạt trực tiếp cho cảnh sát giao thông mà không nhận được Biên lai thì đồng nghĩa với việc số tiền đó sẽ không được thu, nộp vào ngân sách Nhà nước. Nhiều khả năng tiền đó sẽ chảy vào túi cá nhân.
Nếu không đồng ý với mức phạt mà lực lượng công an đưa ra, người vi phạm có quyền khiếu nại, khởi kiện với việc xử phạt vi phạm hành chính.
Để tránh rơi vào những tình huống bị xử phạt không mong muốn, mong mỗi người dân hãy có ý thức hơn khi tham gia giao thông, và nắm vững kiến thức pháp luật để tự bảo vệ mình!
Xin cảm ơn Luật sư!