Án mạng ở quán trà TPHCM: Hung thủ tự sát, ai bồi thường cho nạn nhân?

Hoàng Diệu

(Dân trí) - (Dân trí) -"Người thừa kế di sản bồi thường trên phần di sản người chết để lại. Nếu người chết không để lại di sản, người thân không phải bồi thường thay cho người đã chết", luật sư phân tích.

Như Dân trí thông tin, tối 15/7, ông H.V.H. (39 tuổi, ở Bà Rịa - Vũng Tàu) cùng bà M.T.V. (42 tuổi, ở TPHCM) ngồi cùng nhau tại quán trà sữa ở quận 12, TPHCM. Sau đó, ông H. bất ngờ dùng dao đâm bà V. nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong rồi tự tử ngay tại hiện trường. Theo công an, nguyên nhân sự việc có thể xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm. 

Trường hợp này, với việc ông H. đã tử vong, gia đình người đàn ông này có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân hay không? 

Án mạng ở quán trà TPHCM: Hung thủ tự sát, ai bồi thường cho nạn nhân? - 1

Hình ảnh ông H. (áo đen) ngồi cùng bà V. (áo vàng) trước thời điểm xảy ra án mạng (Ảnh cắt từ clip).

Giải đáp dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) đánh giá đối với vụ việc trên, cần xem xét ở 2 khía cạnh là hình sự và dân sự. 

Dưới góc độ hình sự, hình ảnh từ clip thể hiện hành động của ông H. có yếu tố cấu thành tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015. Tuy nhiên, do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết nên theo khoản 7 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, cơ quan điều tra sẽ không khởi tố vụ án hình sự đối với trường hợp này, trừ khi cần tái thẩm đối với người khác. 

Dưới góc độ dân sự, ông Tuấn cho biết trong các vụ án/ vụ việc liên quan tới xâm phạm thân thể, tính mạng, ngoài trách nhiệm về hình sự thì người có hành vi vi phạm pháp luật còn phải bồi thường cho nạn nhân theo quy định pháp luật. 

Cụ thể, theo Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015, các chi phí bồi thường thiệt hại khi tính mạng bị xâm phạm bao gồm chi phí cứu chữa (được tính từ thời điểm người bị thiệt hại bị xâm phạm sức khỏe cho đến thời điểm người đó chết); chi phí hợp lý cho việc mai táng; chi phí cấp dưỡng và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích của người bị thiệt hại. 

"Đối với các trường hợp người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết và có để lại di sản, những người được hưởng phần di sản này có trách nghiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi do người chết để lại. Hay nói cách khác, những người thừa kế di sản của người thực hiện hành vi có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình người bị hại dựa trên phần di sản mà mình nhận được.

Tuy nhiên, trường hợp người thực hiện hành vi chết mà không để lại di sản thì người thân của người này không có nghĩa vụ phải bồi thường thay cho người đã chết nếu người đó từ đủ 18 tuổi trở lên, trừ khi họ tự nguyện bồi thường thay người đã chết", luật sư Tuấn phân tích. 

Do đó, trong tình huống này, nghĩa vụ bắt buộc bồi thường của gia đình ông H. cho gia đình bà V. sẽ chỉ được xét trên phạm vi tài sản mà ông H. để lại. Trong trường hợp người này không để lại tài sản, không có căn cứ để bắt gia đình ông H. bồi thường, trừ trường hợp gia đình tự nguyện bồi thường, khắc phục thiệt hại cho gia đình nạn nhân. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm