Những vấn đề pháp lý vụ tai nạn 4 mẹ con tử vong ở Hà Nội
(Dân trí) - "Sau khi tài xế xe ben đã bị khởi tố, cần tiếp tục xác định tài xế xe tải nhỏ đã tuân thủ đầy đủ quy tắc điều khiển phương tiện tại khu vực giao nhau chưa", luật sư nêu vấn đề mấu chốt cần làm rõ.
Như Dân trí thông tin, sáng 16/7, xe ben do Đàm Văn Lương (38 tuổi, ở Cao Bằng) điều khiển va chạm với xe tải nhỏ điều khiển bởi tài xế N. (28 tuổi, ở huyện Đan Phượng, Hà Nội) tại khu vực xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Vụ tai nạn khiến xe tải nhỏ bị văng ra xa, va chạm và ép xe máy do chị H. (32 tuổi, ở huyện Đan Phượng) lao vào thành cầu. Sự việc khiến chị H. cùng 3 con nhỏ ở độ tuổi từ 9 đến 13 tử vong tại chỗ.
Sau vụ tai nạn, anh N. bị thương được đưa đi bệnh viện còn Lương rời khỏi hiện trường, bị công an phát hiện, đưa về trụ sở làm việc tối cùng ngày. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy Lương dương tính với ma túy còn xe ben chở quá tải 74%. Công an huyện Hoài Đức đã khởi tố tài xế này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.
Sau khi Lương đã bị khởi tố, vụ việc có thể diễn biến ra sao?
Những tình huống pháp lý
Luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật Hoàng Sa, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) đánh giá dưới góc độ xã hội, đây là sự việc hết sức đau lòng, xót xa, gây thiệt hại nghiêm trọng và khó có thể bù đắp về con người với sự ra đi vĩnh viễn của 4 mẹ con trong một gia đình.
Trước hậu quả rất nghiêm trọng của vụ tai nạn, trách nhiệm pháp lý của 2 tài xế cần được làm rõ nhằm xử lý đúng người, đúng tội cũng như đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của 4 mẹ con. Bởi vậy, việc cơ quan công an sớm truy tìm được Lương, đưa người này về trụ sở và tống đạt các quyết định tố tụng là những động thái hết sức cần thiết, kịp thời của lực lượng chức năng.
Quan sát hình ảnh hiện trường và bình luận dưới góc độ pháp lý, ông Giáp đánh giá khu vực xảy ra va chạm là đoạn đường giao nhau. Về nguyên tắc, nhằm tránh va chạm, tài xế cần tập trung quan sát, giữ khoảng cách và đảm bảo tốc độ tại những khu vực này. Do đó, vấn đề mấu chốt mà cơ quan chức năng sẽ tập trung làm rõ là việc những tài xế này đã tuân thủ các nguyên tắc về tham gia giao thông đường bộ hay chưa.
"Theo Luật Giao thông đường bộ 2008 và các văn bản hướng dẫn liên quan, lái xe khi tới khu vực đường giao nhau cần tập trung quan sát, giảm tốc độ và nhường đường theo quy định của pháp luật. Trường hợp này, sau khi tài xế xe ben đã bị khởi tố, cần tiếp tục xác định tài xế xe tải nhỏ đã tuân thủ đầy đủ quy tắc điều khiển phương tiện tại khu vực đường giao nhau chưa", ông Giáp phân tích.
Từ cơ sở trên, ông Giáp đặt ra các tình huống pháp lý có thể xảy ra như sau:
Thứ nhất, nếu kết quả xác minh cho thấy sự việc xảy ra do lỗi hỗn hợp khi cả 2 tài xế đều không đảm bảo quy tắc an toàn khi tham gia giao thông, vụ va chạm là nguyên nhân dẫn tới việc 4 mẹ con tử vong, cơ quan chức năng sẽ xem xét đồng thời trách nhiệm của 2 người này về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015.
Với hậu quả làm chết từ 3 người trở lên, khung hình phạt xem xét áp dụng sẽ là phạt tù 7-15 năm. Ngoài ra, dưới góc độ dân sự, các tài xế còn phải liên đới bồi thường trách nhiệm cho gia đình nạn nhân đối với phần thiệt hại trong phạm vi lỗi của mình gây ra.
Thứ hai, nếu tài xế xe tải nhỏ có khả năng quan sát xe ben đang đi ra từ hướng vuông góc, thấy trước sẽ nguy hiểm cho người khác nếu xảy ra tai nạn mà không đi chậm hoặc dừng lại để đảm bảo an toàn, dẫn đến bị xe ben húc văng, đè vào xe máy, hậu quả 4 mẹ con đi xe máy tử vong thì tài xế xe tải nhỏ có thể phải chịu trách nhiệm do thiếu quan sát, không giữ khoảng cách, đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông.
Sau tai nạn, tài xế có được rời khỏi hiện trường không?
Liên quan tới vụ việc, một chi tiết khác được nhiều người quan tâm là việc tài xế xe ben sau khi xảy ra tai nạn đã rời hiện trường. Hành vi này có vi phạm quy định pháp luật không?
Trích dẫn quy định tại Điều 38 Luật Giao thông đường bộ 2008, luật sư Trần Minh Hùng (Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình) cho biết người điều khiển phương tiện sau khi gây tai nạn có nghĩa vụ dừng ngay phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn và phải có mặt khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Ngoài ra, họ phải ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu; phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.
"Như vậy, tài xế có 3 sự lựa chọn sau khi gây tai nạn là ở lại hiện trường, tới cơ sở y tế để cấp cứu hoặc tới cơ quan công an để trình báo. Trường hợp này, cần xác định tài xế có thuộc trường hợp bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải rời hiện trường vì bị đe dọa đến tính mạng hay không. Nếu không thuộc các trường hợp được phép rời đi, việc người này tự ý ra khỏi xe và bỏ đi là hành vi vi phạm pháp luật", luật sư Hùng bình luận.
Theo khoản 8, Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, người có hành vi gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn có thể đối diện mức phạt 16-18 triệu đồng.