Thanh Hoá: Kinh hãi hàng trăm cây xăng, cột xăng, trụ bơm không phép!

(Dân trí) - Không được cấp phép, không đảm bảo an toàn về cháy nổ, lại quá gần khu dân cư, thế nhưng, nhiều cây xăng không phép vẫn ngang nhiên hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Kinh doanh xăng dầu là một loại hình kinh doanh có điều kiện và phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn phòng, chống cháy nổ, cự ly, khoảng cách từ cột bơm tới các công trình xây dựng, nhà dân, phù hợp với quy hoạch mạng lưới kinh doanh xăng dầu và được UBND tỉnh cấp phép mới được hoạt động. Tuy nhiên, theo phản ánh, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn tồn tại nhiều cột bơm xăng dầu không đủ điều kiện kinh doanh, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Thanh Hoá: Kinh hãi hàng trăm cây xăng, cột xăng, trụ bơm không phép! - Ảnh 1.
Thanh Hoá: Kinh hãi hàng trăm cây xăng, cột xăng, trụ bơm không phép! - Ảnh 2.

Những cơ sở kinh doanh xăng dầu trái phép ở sát khu dân cư tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Theo thống kê của Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa vào giữa năm 2018 thì toàn tỉnh có 231 tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng dầu dưới hình thức cột bơm tự động, trụ bơm lắc tay, cột bơm mi ni, bán lẻ bằng chai…

Địa phương nhiều nhất là huyện Hậu Lộc với 87 tổ chức, cá nhân; huyện Hoằng Hóa 68 tổ chức, cá nhân…Ngoài ra, còn có TP. Sầm Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thọ Xuân… Hiện các địa phương này đã cho viết bản cam kết dừng hoạt động.

Nguy hiểm hơn, nhiều cột xăng còn được xây dựng ngay trong nhà dân, gần sát khu dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, bản thân những người bán xăng phần lớn đều chưa qua đào tạo nghiệp vụ bán lẻ xăng dầu và chắc chắn các kỹ năng chuẩn và cần thiết để đảm bảo an toàn khi bán lẻ và xử lý các tình huống khi có sự cố xảy ra là gần như không có.

Việc cây xăng chưa có đầy đủ các điều kiện an toàn  hoạt động tiềm ẩn nguy cơ lớn về cháy nổ, khi sự cố xảy ra thì hậu quả sẽ vô cùng to lớn và khó lường.

Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương có số lượng cây xăng, trụ bơm, cột bơm không phép nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Cụ thể có gần 70 tổ chức, hộ gia đình kinh doanh xăng dầu tự phát bằng các loại hình trụ bơm lắc tay, cột bơm tự động di động. Riêng xã giáp biển Hoằng Trường có tới 17 vị trí kinh doanh xăng dầu không phép.

Tình hình trên dẫn đến tình trạng gian lận trong đo đường, chất lượng, trốn lậu thuế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chân chính. Đồng thời nguy cơ cháy nổ rất cao, có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nhất là đối với các cột bơm xăng nằm trong khu vực dân cư các xã Hoằng Thanh, Hoằng Đông, Hoằng Hợp, Hoằng Phú, Hoằng Khánh.

Ông Lê Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa cho biết: “Chúng tôi đang tích cực tuyên truyền với các hộ gia đình có cây xăng không đảm bảo tự giác thanh thải hết số xăng dầu còn lại và xin cấp phép hoạt động chính thức. Đối với cây xăng nào không được phép, chúng tôi sẽ báo cáo huyện và có biện pháp kiên quyết”.

Còn ông Lê Đình Lâm, Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Hoằng Hóa cũng cho hay: “Lãnh đạo huyện đã chỉ đạo chúng tôi rà soát để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu không đủ tiêu chuẩn an toàn. Chúng tôi đã rà soát và báo cáo, trước mắt sẽ tuyên truyền để các hộ dân tự giác dừng hoạt động kinh doanh, chờ thẩm định và được cấp phép, nếu các hộ vẫn cố tình, chúng tôi kiên quyết sẽ cưỡng chế”.

Được biết, ngày 23/11/2018 UBND huyện Hoằng Hóa có văn bản số 1883/UBND-KT&HT về việc Chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu tự phát bằng cột bơm mini, di động, tự động trên địa bàn.

Thanh Hoá: Kinh hãi hàng trăm cây xăng, cột xăng, trụ bơm không phép! - Ảnh 3.

Dù đã ký cam kết từ giữa năm 2018, nhưng cho đến nay, hầu hết các cơ sở ký cam kết này vẫn cố tình hoạt động.

UBND huyện Hoằng Hóa yêu cầu các xã, thị trấn tuyên truyền để các cơ sở kinh doanh xăng dầu nhận thức rõ hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh xăng dầu, kiểm tra, xử phạt theo thẩm quyền, đồng thời lập biên bản đình chỉ ngay hoạt động kinh doanh xăng dầu trái phép trước ngày 10/12/2018 đối với các cơ sở vi phạm nhưng chưa chủ động chấm dứt hoạt động, báo cáo UBND huyện kết quả thực hiện. Sau ngày 10/12/2018, trên địa bàn quản lý còn có tình trạng kinh doanh xăng dầu trái phép, thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.

Gian nan “xóa sổ”!

Mặc dù, hơn 200 cơ sở kinh doanh trái phép xăng dầu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được ký cam kết từ giữa năm 2018, thậm chí có nhiều hộ còn ký cam kết đến lần thứ 2 thế nhưng trên thực tế hầu hết các cơ sở này vẫn cố tình hoạt động.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hùng, Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Trước tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái phép xăng dầu trên địa bàn dưới các hình thức như cột bơm tự động, trụ bơm lắc tay… được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, trước đó là Sở Công thương, Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã rà soát sau đó yêu cầu họ ký cam kết. Ký xong đề nghị chính quyền địa phương, vận động tuyên truyền và giám sát để người dân hiểu về pháp luật, không được kinh doanh lĩnh vực này khi chưa đủ điều kiện. Còn nếu muốn hoạt động thì phải tuân thủ cho đúng. Nếu vẫn cố tình thì theo phân cấp phân quyền, UBND xã có quyền phạt”.

“Những đối tượng này thường hoạt động theo kiểu du kích, cơ quan chức năng đến thì đóng cửa đi cửa sau, khi đóng cửa thì mình không làm gì được. Chúng tôi vẫn đang kiên trì, UBND các huyện đã ký quyết định yêu cầu phải xử phạt và tịch thu. Khi tịch thu có vấn đề khó là đó là sản phẩm không cấm theo nghị định của Chính phủ, nó thành tài sản công, vẫn đang có công năng sử dụng lại bán ra, những người này lại mua, lại quay vòng. Nếu không bán thì không dám quyết định tiêu hủy” – ông Hùng cho biết thêm.

“Chúng tôi đang có đề nghị theo yêu cầu của Uỷ ban  tỉnh là xin ý kiến của Sở Công Thương và Sở Tư pháp xem đây là hàng hóa hay là hàng cấm. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tuyên truyền, vận động từ xã để khi có trả lời của các Sở mới có hướng dẫn đến các huyện” – Quyền Cục trưởng Cục quản lý thị trường cho biết thêm.

Cũng theo ông Hùng thì vấn đề quan trọng khi để tình trạng kinh doanh trái phép xăng dầu là không an toàn trước hết cho bản thân gia đình người đó, và hàng xóm của họ, liên quan đến tính mạng sức khỏe và ảnh hưởng đến môi trường vì vậy cũng cần có sự vào cuộc của các đơn vị như Phòng cháy chữa cháy hay Sở Tài nguyên môi trường…

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm