Hàng nghìn người dân tập hợp chữ ký xin giảm án cho nguyên chủ tịch xã tại Thanh Hoá!
(Dân trí) - Trong suốt quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, không đủ căn cứ để chứng minh được việc ông Trần Văn Quân, nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến biết nguồn gốc đất mà vẫn xét sai để dân được hưởng lợi. Hơn nữa, quá trình điều tra cũng không có bất cứ tài liệu nào cho rằng ông Quân đã được chia chác trong số tiền người dân được đền bù.
Trước đó, như Dân trí đã thông tin, TAND tỉnh Thanh Hóa vừa mở phiên tòa phúc thẩm xét xử nguyên Chủ tịch UBND xã Hải Yến tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” với mức y án 8 năm tù giam. Tại buổi xét xử, ông Quân đưa ra nhiều tình tiết kêu oan tuy nhiên không được HĐXX xem xét.
Liên quan đến vụ việc, đã có hàng nghìn chữ ký của người dân xã Hải Yến xin được giảm án cho ông Quân.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Hưng, Công ty Luật Hợp Danh The Light (Thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Trong quy trình xác định thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất cho từng trường hợp cụ thể với vai trò là chủ tịch xã và chủ tịch xét duyệt nguồn gốc đất của xã, ông Quân đã trực tiếp tổ chức và thực hiện đầy đủ các bước theo Công văn số 865, đó là tổ chức hội nghị xin ý kiến rộng rãi của nhân dân và xin ý kiến cán bộ chủ chốt cấp xã.
Do năm 1980, xã Hải Yến không thực hiện việc đo đạc bản đồ 299 theo Chỉ thị số 299/TTg ngày 10/11/1980. Tại phòng TNMT huyện chỉ có bản đồ đo vẽ năm 1991, hồ sơ lưu trữ cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân xã Hải Yến từ năm 1993 và các cuộc họp người dân cũng không cung cấp các giấy tờ tài liệu liên quan đến thời gian sử dụng đất.
Ủy ban nhân dân xã không có hồ sơ địa chính, không có tài liệu để đưa ra hội nghị làm căn cứ xác định thời điểm sử dụng đất. Do đó, ông Quân phải căn cứ vào kết quả lấy ý kiến xác nhận thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất cho từng hộ gia đình, cá nhân tại hội nghị cán bộ chủ chốt. Khi phiếu thống nhất trên 50% thì thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất lấy theo kết quả hội nghị để xác nhận vào đơn xin xác nhận nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất của từng hộ gia đình, cá nhân và ký tên đóng dấu.
Như vậy, việc xác định nguồn gốc đất, thời điểm sử dụng đất trước ngày 18/12/1980 cho 19 hộ dân thuộc khu đất Hợp tác xã Hải Yến đã giải thể là trên cơ sở những tài liệu hiện có và ý kiến xác nhận cán bộ chủ chốt theo quy định tại Công văn 865 của Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa”.
Cũng theo luật sư Hưng thì việc xác nhận thời điểm sử dụng đất cho 19 hộ dân là ý kiến của tập thể, ông Quân chỉ là người thực hiện quy trình để xác nhận sau đó tổng hợp để hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng cấp huyện trực tiếp thẩm định. Điều này hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật.
Căn cứ buộc tội mà các cơ quan tố tụng tỉnh Thanh Hóa đưa ra là dựa vào cuốn lịch sử Đảng bộ xã Hải Yến. Tuy nhiên, lịch sử Đảng bộ xã Hải Yến cũng không nói rõ trại chăn nuôi giải thể khi nào, mà chỉ có thông tin Hợp tác xã Hải Yến cũ giải thể, trong Hợp tác xã Hải Yến có rất nhiều các HTX thành viên như trại chăn nuôi, trại bò, trại lợn, HTX mua bán…. Do đó, không có căn cứ chính xác về thời điểm giải thể trại chăn nuôi.
“Đáng nói, năm 1990 ông Quân mới phục viên xuất ngũ về quê sau 15 năm chiến đấu tại các chiến trường như Tây Nam, chiến trường Vị Xuyên, khi trở về địa phương thì mọi người đã sinh sống ổn định, cây cối phát triển, do đó việc ông Quân không biết nguồn gốc các hộ gia đình ở là trước hay sau năm 1980 là có căn cứ.
Đặc biệt, khi trình việc xét nguồn gốc đất lên các cơ quan chuyên môn như Phòng TNMT huyện Tĩnh Gia và Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đều nhất trí với trình tự thủ tục xác định nguồn gốc đất và lập phương án bồi thường. Như vậy, tội của ông Quân phải là thiếu trách nhiệm gây hậu quả chứ không phải là lợi dụng chức vụ khi thi hành công vụ như HĐXX buộc tội” - luật sư Hưng nêu quan điểm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Bình Minh