Thanh Hóa: Doanh nghiệp “khốn khổ” vì bị chính quyền “làm khó”?
(Dân trí) - Với hi vọng mang lại một luồng sinh khí mới, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một thành phố văn minh, không khói bụi, doanh nghiệp đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nhập xe điện 4 bánh về hoạt động. Phương án đã nhận được sự đồng thuận của Bộ GTVT, nhưng hơn một năm qua, cái mà doanh nghiệp nhận được là những văn bản lên xuống, lòng vòng giữa các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 15/4/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 1220/QĐ-UBND, phê duyệt quy hoạch phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020. Trong đó, ưu tiên áp dụng các công nghệ hiện đại, an toàn và thân thiện môi trường để trang bị phương tiện, kiểm soát, vận hành hệ thống vận tải khách công cộng bằng xe buýt.
Với hi vọng mang lại một luồng sinh khí mới cho ngành du lịch địa phương, tạo ấn tượng đẹp trong lòng du khách về một thành phố văn minh lịch sự không khói bụi. Đồng thời, căn cứ vào các quy định hiện hành, đầu năm 2017, Công ty TNHH Phương Hiền (Cty Phương Hiền), có trụ sở tại thành phố Sầm Sơn đã xây dựng đề án thí điểm 2 tuyến xe buýt điện vận tải hành khách công cộng trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.
Sau đó, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn giao các Sở, ban, ngành liên quan lấy ý kiến về đề án của Cty Phương Hiền. Trong đó, giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) tổng hợp ý kiến các ngành, đơn vị; báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến về việc thí điểm sử dụng xe buýt điện hoạt động trên phạm vi rộng (kết hợp ngoài đô thị).
Theo đánh giá của Sở GTVT Thanh Hóa, việc tổ chức các tuyến xe buýt nội thị Sầm Sơn là phù hợp quy hoạch phát triển xe buýt được UBND tỉnh phê duyệt. Việc sử dụng xe điện 4 bánh theo hình thức xe buýt tại khu du lịch Sầm Sơn có ưu điểm về đảm bảo môi trường, an toàn và đáp ứng yêu cầu phục vụ du khách tham quan, đi lại.
Phiếu chuyển văn bản của Văn phòng Chính phủ
Hiện nay, Chính phủ, Bộ GTVT đã cho phép thí điểm hoạt động xe buýt bằng xe ô tô điện 4 bánh phục vụ du lịch tại một số địa phương, trong đó có tỉnh Thanh Hóa...
Đồng thời, qua việc xin ý kiến của các ngành như: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Công an tỉnh; Ban an toàn giao thông tỉnh; Hiệp hội vận tải ô tô tỉnh Thanh Hóa; Sở GTVT… đều đồng thuận với phương án của Cty Phương Hiền về hoạt động vận chuyển khách công cộng bằng xe buýt điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.
Từ các ý kiến trên, ngày 22/5/2017, Sở GTVT Thanh Hóa đã có công văn số 1619/SGTVT-QLVT gửi Bộ GTVT về việc xin ý kiến thí điểm sử dụng xe buýt điện hoạt động trên phạm vi rộng (kết hợp ngoài đô thị) trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Ngày 12/6/2017, ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ GTVT đã ký công văn hỏa tốc số 6192/BGTVT-VT gửi Sở GTVT Thanh Hóa, trong đó có ý kiến đồng thuận đề xuất của Sở GTVT Thanh Hóa đối với việc thí điểm 02 tuyến xe buýt sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Đồng thời, đề nghị Sở GTVT báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa có văn bản gửi về Bộ để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Sau khi có văn bản của Bộ GTVT, Cty Phương Hiền đã ký hợp đồng, đầu tư khoảng 12 tỷ đồng mua 40 xe điện 4 bánh từ nước ngoài (xe Mỹ), hình dáng đẹp, đảm bảo an toàn kỹ thuật, xe đầy đủ thủ tục đăng kiểm được Cục đăng kiểm Việt Nam, Bộ GTVT kiểm định... Tuy nhiên, từ đó đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thể hoạt động vì chưa được chấp thuận.
Sau thời gian dài chờ đợi, Cty Phương Hiền đã phải gửi đơn “cầu cứu” khắp các cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương về việc xem xét, giải quyết dứt điểm cho Công ty đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt điện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà đơn vị này đang gặp phải. Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp nhận được cũng chỉ là những văn bản chỉ đạo qua lại, lòng vòng giữa các cấp, ngành của tỉnh Thanh Hóa.
Cực chẳng đã, Cty Phương Hiền lại có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ. Ngày 7/2/2018, Văn phòng Chính phủ đã chuyển văn bản của Cty Phương Hiền đến Bộ GTVT và UBND tỉnh Thanh Hóa để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
Ngày 6/3/2018, Bộ GTVT một lần nữa có văn bản số 2224/BGTVT-VT gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thực hiện thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện trên địa bàn thành phố Sầm Sơn.
Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo phê duyệt đề án đối với doanh nghiệp có nhu cầu thí điểm hoạt động đối với xe 4 bánh có gắn động cơ chạy bằng điện chở khách tại tuyến đường hạn chế đã được phê duyệt trên địa bàn thành phố Sầm Sơn...
Việc chậm được giải quyết dứt điểm khiến Cty Phương Hiền gặp không ít khó khăn, tổn thất về kinh tế, tồn đọng tiền lương và việc làm cho công nhân, tiền thuế, lãi suất vay ngân hàng....Hơn nữa việc đưa vào sử dụng hoạt động xe buýt điện sẽ tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt, là những lao động như thương binh, bệnh binh, con em gia đình chính sách.
“Chúng tôi đã thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Nhà nước và các quy định của pháp luật. Căn cứ vào quy định của pháp luật đã ban hành và tình hình thực tế trên địa bàn thành phố Sầm Sơn, chúng tôi nhận thấy việc đưa vào hoạt động 2 tuyến xe buýt điện là hoàn toàn phù hợp với quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng trong tình hình hiện nay”, ông Cao Duy Hồng, Giám đốc Công ty TNHH Phương Hiền, cho biết.
Dân trí sẽ tiếp tục phản ánh vấn đề nêu trên đến bạn đọc.
Nguyên tắc của Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2010, nêu:
Để xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và trở thành động lực của nền kinh tế, cần bảo đảm các nguyên tắc sau:
a) Nhà nước bảo vệ quyền sở hữu tài sản hợp pháp và quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.
b) Thực hiện chủ trương Nhà nước kiến tạo, lấy doanh nghiệp là đối tượng phục vụ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh và phát triển để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
c) Nhà nước bảo đảm sự ổn định, nhất quán, dễ dự báo của chính sách; ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi, an toàn và thân thiện.
d) Nhà nước bảo đảm quyền bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực như: vốn, tài nguyên, đất đai... và đầu tư kinh doanh.
đ) Nhà nước có chính sách đặc thù để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và có tiềm năng tăng trưởng cao phát triển.
e) Các cơ quan quản lý nhà nước khi ban hành và thực thi chính sách phải bảo đảm xác định rõ mỗi nhiệm vụ có một đầu mối và người chịu trách nhiệm.
g) Các quy định về Điều kiện kinh doanh phải rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện, có lộ trình phù hợp để sớm bỏ các loại giấy phép con, phí, phụ phí bất hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đơn giản hóa khâu tiền kiểm, tăng cường hậu kiểm gắn với Điều kiện, quy định cụ thể và thanh tra, kiểm tra, giám sát.
h) Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát cần bảo đảm Mục tiêu ngăn chặn, phát hiện và xử lý vi phạm đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật.
i) Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.
k) Doanh nghiệp phải nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện liêm chính trong kinh doanh; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; cạnh tranh lành mạnh, chia sẻ và liên kết hợp tác; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Duy Tuyên