Thanh Hóa: “Đất tặc” hoành hành... hệ lụy khó lường!

(Dân trí) - Thời gian gần đây tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thạch Thành (Thanh Hóa), tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra khá sôi động. Việc khai thác đất không tuân theo quy định, chưa được cấp phép dễ dẫn đến những hệ lụy khó lường đối với môi trường và cuộc sống người dân trên địa bàn.

Tình trạng khai thác đất trái phép tràn lan

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thôn Vọng Thủy, xã Thành Trực, “đất tặc” mặc sức lộng hành, đục khoét đất vườn đồi của nhiều hộ gia đình. Điều đáng nói, việc làm trái pháp luật này lại được chính quyền xã “tạo điều kiện” dưới “vỏ bọc” hạ thấp vườn đồi của người dân.

Mặt bằng nền Trung tâm văn hóa đa năng xã Thành Trực được san lấp từ nguồn đất lấy tại thôn Vọng Thủy
Mặt bằng nền Trung tâm văn hóa đa năng xã Thành Trực được san lấp từ nguồn đất lấy tại thôn Vọng Thủy

Có mặt tại khu vực khai thác đất ở thôn Vọng Thủy, chỉ cách UBND xã Thành Trực chừng 500m, có tới hai khu vực vườn đồi của dân quản lý đang có hoạt động khai thác đất.

Người dân nơi đây cho biết, những khu vực đang khai thác đó là đất vườn gia đình ông Đào Lai Tính và hộ bà Bùi Thị Hòa. Thời điểm phóng viên có mặt, nhiều máy xúc, phương tiện vận chuyển đất ra vào tấp nập. Khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, toàn bộ máy xúc, xe vận chuyển tắt máy và những người trên các phương tiện này nhanh chóng rời đi.

Xe chở đầy đất không che chắn, đất rơi vãi xuống đường khiến bụi bay mù mịt
Xe chở đầy đất không che chắn, đất rơi vãi xuống đường khiến bụi bay mù mịt

Cũng theo người dân, khu vực khai thác đất tại thôn Vọng Thủy là do một người địa phương khai thác khoảng hơn một tuần nay. Toàn bộ đất khai thác đều được cung cấp cho dự án san lấp Trung tâm văn hóa và sân vận động xã Thành Trực.

Xe vận chuyển thường chở đất cao hơn thành thùng, lại ít được che chắn nên đất rơi vãi khắp các tuyến đường, gây bụi bặm làm ảnh hưởng đến các hộ dân ven đường, khiến người dân bức xúc.

Hoạt động khai thác đất trái phép đem đi san lấp tại thôn Đồng Chư, xã Thành Công
Hoạt động khai thác đất trái phép đem đi san lấp tại thôn Đồng Chư, xã Thành Công

Ông Nguyễn Chí Công - Cán bộ địa chính xã Thành Trực, cho biết: Về việc khai thác đất trên địa bàn thôn Vọng Thủy là do có hai hộ dân cần hạ thấp độ cao nên xã chấp thuận, đơn vị thi công Trung tâm văn hóa xã cần đất đổ nền nên cho tận dụng cung cấp cho dự án. Tuy nhiên, cán bộ địa chính không cung cấp được các hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến vấn đề nêu trên.

Cũng theo ông Công, dự án Trung tâm văn hóa và sân vận động xã Thành Trực, có diện tích trên 5.000 m2, san lấp tôn nền lên 1 m, trong đó riêng móng nền nhà văn hóa đa năng là 3.000 m2.

Thanh Hóa: “Đất tặc” hoành hành... hệ lụy khó lường! - 4

img20171101093322

Hoạt động khai thác đất diễn ra ngay giữa ban ngày, nhưng chính quyền và các ngành chức năng vẫn không xử lý

Như vậy, khối lượng đất cần để san lấp lên đến hàng nghìn m3. Nếu tính theo giá thành đất mỏ tại chân công trình khoảng 60 - 70.000 đồng/m3 thì đơn vị này đã “tiết kiệm” được hàng trăm triệu đồng tiền mua đất ở mỏ. Trong khi đó, trên địa bàn xã Thành Trực có tới 2 mỏ đất được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép, ấy vậy mà dự án này lại đi khai thác đất trong dân để san nền.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trương Văn Khuyến - Chủ tịch UBND xã Thành Trực, cho rằng: Việc đơn vị thi công khai thác đất vườn đồi trong dân để san lấp cho dự án cũng vì tiến độ của công trình?

Nhà dân nằm dưới chân đồi đang bị ảnh hưởng sạt lở do từ hệ quả của việc khai thác đất tại thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực
Nhà dân nằm dưới chân đồi đang bị ảnh hưởng sạt lở do từ hệ quả của việc khai thác đất tại thôn Ngọc Nước, xã Thành Trực

Khi được hỏi về việc sử dụng đất “lậu” cho dự án do xã làm chủ đầu tư có đúng theo quy định hay không thì ông Khuyến cho rằng: Việc đó là của công ty, xã không biết?

Còn tại thôn 1, xã Thành Tiến, tình trạng khai thác đất cũng diễn ra khá sôi động. Nhiều phương tiện hoạt động hết công suất, xe chở đất không thực hiện việc che chắn bạt, đất rơi vãi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Việc khai thác, vận chuyển đất diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật mà không thấy bóng dáng chính quyền, ngành chức năng kiểm tra, xử lý.

Nhà dân nằm chênh vênh bên vực sâu từ việc khai thác đất
Nhà dân nằm chênh vênh bên vực sâu từ việc khai thác đất

Ông Bùi Văn Thủy - Cán bộ địa chính xã Thành Tiến, cho rằng: Việc khai thác này là do nhiều hộ dân muốn hạ thấp độ cao và san vườn nên xã tạo điều kiện. Việc này rất bất cập vì có ít mà đi xin cấp phép thì không thể làm được. Chúng tôi cũng đã có ý kiến mỗi lần đi họp trên Sở Tài nguyên và Môi trường rồi. Trường hợp đang khai thác đó là đất của nhà chị trưởng thôn xin san vườn, chúng tôi chỉ cho phép san lấp trong phạm vi khu vực vườn nhà, không cho vận chuyển bán ra ngoài. Về quy định là sai nhưng mong anh em tạo điều kiện.

Hệ lụy khó lường

Do lợi nhuận từ việc bán đất san lấp cao nên nhiều chủ máy xúc đã bất chấp các quy định của nhà nước, tìm cách lách luật để khai thác tài nguyên trái phép.

Nguy cơ sạt lở xuống nhà dân luôn rình rập
Nguy cơ sạt lở xuống nhà dân luôn rình rập

Theo tìm hiểu của, nếu máy cỡ lớn hoạt động hết công suất, mỗi ngày lượng đất được khai thác lên đến hàng trăm khối. Mỗi khối đất bán đến hộ dân san lấp từ 40 - 50.000 đồng/1 khối, số tiền thu về không nhỏ. Nhiều chủ máy xúc thỏa thuận ngầm với các hộ dân, để hộ dân xin xác nhận của chính quyền san vườn, hạ thấp độ cao làm nhà để khai thác đất.

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ dân sau khi được “hạ thấp” độ cao thì vườn cũng không thể canh tác được do hiện trạng đất thay đổi, vị trí thì bị sạt lở vùi lấp, nơi thành hố sâu, nơi chỉ còn trơ lại đá không thể trồng cây...

Đất tặc bủa vây quanh nhà dân
"Đất tặc" bủa vây quanh nhà dân

Từ thị trấn Kim Tân dọc tuyến tỉnh lộ 523 lên đường mòn Hồ Chí Minh không khó để bắt gặp tình trạng “đất tặc” hoành hành cũng với lý do “san vườn hạ thấp độ cao làm nhà....”.

Hình ảnh những ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm dưới vách đất cao từ 10 đến 20m sau khi đất bị khai thác. Trong trường hợp mưa lớn xảy ra, nguy cơ hàng nghìn khối đất, đá từ trên núi có thể tụt xuống bất cứ lúc nào.

Dọc tuyến tỉnh lộ 523, đoạn qua hai xã Thành Kim và Thành Trực có hàng chục điểm khai thác đất, mới có, cũ có. Nguy hiểm hơn khi hầu hết các điểm khai thác trá hình này đều không được thực hiện đúng quy định về khai thác mỏ và thiết kế cắt tầng chống sạt trượt, bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác. Nhiều vị trí đã bị máy xúc khoét thành hàm ếch hoặc trở thành vách đất nguy cơ sạt lở mất an toàn cho người dân rất cao.

Tình trạng sạt lở xuất hiện sau khi khai thác đất
Tình trạng sạt lở xuất hiện sau khi khai thác đất
Thanh Hóa: “Đất tặc” hoành hành... hệ lụy khó lường! - 11

img20171031114117

Đây là hình ảnh khai thác đất tại thôn 1, xã Thành Kim, dọc tuyến tỉnh lộ 523
Việc khai thác đất tràn lan có thể gây ra những hệ lụy khó lường
Việc khai thác đất tràn lan có thể gây ra những hệ lụy khó lường
Chỉ còn trơ lại đá sau khi đất đã được múc đi
Chỉ còn trơ lại đá sau khi đất đã được múc đi

Chúc Phương - Trần Lê