Thanh Hóa: Chặt phá, chuyển đổi đất rừng tràn lan!

(Dân trí) - Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục ha rừng tự nhiên trên địa bàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) bị người dân tự ý chặt phá, chuyển đổi sang đất trồng. Đáng nói, cơ quan chức năng sau khi xử phạt đã yêu cầu trồng lại cây bản địa. Tuy nhiên đến thời điểm này, đối tượng phá rừng vẫn không thực hiện.

Theo phản ánh của một số hộ dân thôn Thanh Quang thì thời gian vừa qua, tại thôn này, một số hộ liên tục tự ý chặt phá rừng, chuyển đổi sang đất trồng. Điều đáng nói là việc chặt phá rừng diễn ra một thời gian dài nhưng mãi sau đó, chính quyền mới biết và can thiệp thì hàng chục ha rừng đã bị chặt phá.

Cũng theo người dân ở đây thì những diện tích rừng trên bắt đầu bị người dân chặt phá từ khoảng tháng 9/2015. Thời điểm này, UBND xã Thanh Tân có lập đề án gửi lên huyện Như Thanh xin chuyển đổi đất rừng nghèo kiệt sang trồng cây. Khi dự án đang được xem xét phê duyệt thì người dân thi nhau vào rừng chặt phá để mở rộng vùng canh tác.

Thanh Hóa: Chặt phá, chuyển đổi đất rừng tràn lan! - 1
Hàng chục ha rừng tự nhiên bị chặt phá
Hàng chục ha rừng tự nhiên bị chặt phá

Một người dân ở đây cho biết: “Họ thi nhau phá rừng, cán bộ phá được thì dân cũng phá được. Phạt nhưng họ cũng có sợ đâu, người ta còn làm cả con đường lên đỉnh núi, mang cả máy múc lên đó. Tới đây, nếu cơ quan chức năng cứ buông lỏng thì họ còn phá hết”.

Theo ghi nhận, tại một số cánh rừng thuộc thôn Thanh Quang đã bị phát quang, một số diện tích đã được trồng cây keo con cách đây không lâu. Đáng nói, trong những cánh rừng bị chặt hạ, có cả những khu thuộc rừng thượng nguồn, có nhiệm vụ giữ nước cho hàng trăm ha ruộng của hai thôn Tân Quang và Thanh Quang.

Đáng nói, không biết cơ quan chức năng buông lỏng trong công tác quản lý hay chế tài xử phạt còn quá nhẹ mà sau khi một số hộ bị phạt, rất nhiều hộ khác vẫn cố tình tiếp tục phá rừng.

Một số diện tích rừng sau khi chặt phá được người dân trồng keo nhưng không hề có cây bản địa như lim, lát như yêu cầu
Một số diện tích rừng sau khi chặt phá được người dân trồng keo nhưng không hề có cây bản địa như lim, lát như yêu cầu

Cụ thể, ngày 14/7/2017, Kiểm lâm huyện Như Thanh phạt 2 hộ trong đó gia đình bà Nguyễn Thị Huệ 15 triệu đồng với diện tích rừng bị phá là 9,8 ha; bà Lô Thị Huyên 1,35 ha, mức phạt 2. 650 nghìn đồng. Sau đó, liên tục các ngày 4/8, 7/8, 11/8, 13/8,15/8 rất nhiều hộ tiếp tục phá rừng và bị phạt.

Tổng số bị Kiểm lâm Như Thanh phạt là 8 hộ với số tiền phạt hơn 55 triệu đồng, diện tích rừng bị phá hơn 33 ha; xã Thanh Tân phạt 8 hộ với hơn 21 triệu đồng.

Đặc biệt, tại các quyết định xử phạt đều yêu cầu các hộ phá rừng phải khắc phục trồng lại cây bản địa như lim, lát. Thế nhưng, trên thực tế, các hộ đều không chấp hành, nhiều diện tích rừng bị phá vẫn trống trơn, một số được trồng keo chứ không hề có lim, lát như yêu cầu.

Việc người dân tự ý chặt phá chuyển đổi tràn lan sẽ làm cho hàng trăm ha rừng tự nhiên tái sinh (trong đó có nhiều ha rừng đang phát triển rất tốt) có nguy cơ bị xóa sổ.

Được biết, năm 1996-1997 thực hiện chủ trương giao đất rừng cho người dân, một số hộ dân đứng ra nhận khoanh nuôi, bảo vệ diện tích rừng tự nhiên nghèo kiệt này tuy nhiên sau đó lại bán lại cho những hộ khác.

Trao đổi với PV, ông Lê Thanh Ngợi, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Như Thanh cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã tiến hành lập hồ sơ, xử lý những trường hợp vi phạm. Đến nay chúng tôi đã lập hồ sơ xử phạt hành chính 8 hộ dân tự ý phá rừng. Ngoài việc nộp phạt, số hộ dân trên phải có trách nhiệm trồng lại rừng bằng cây bản địa. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 2 hộ trồng lại, số còn lại chưa thực hiện. Tới đây, chúng tôi sẽ cho anh em kiểm tra, đôn đốc việc này”.

Tháng 6/2016, tại Hội nghị về các giải pháp khôi phục rừng bền vững vùng Tây Nguyên nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ tuyên bố đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển 2,25 triệu ha từng tự nhiên còn lại sang mục đích khác kể cả các dự án được phê duyệt, trừ các dự án liên quan đến quốc phòng, an ninh; không có chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.

Ngày 14/10/2017, tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục nhấn mạnh việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên.

Bình Minh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm