Tài sản ảo, tranh chấp thật: Giải quyết thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - Các quyền tài sản ảo như tiền ảo, NFT, vật phẩm ảo có được pháp luật công nhận không? Khi xảy ra tranh chấp, bị chiếm đoạt thì chủ sở hữu có được cơ quan có thẩm quyền bảo vệ hay không?

Trả lời:

Các tài sản ảo có được coi là tài sản theo pháp luật hiện hành

Theo Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Tài sản ảo không thuộc dạng vật lý có thể kiểm soát, không được phát hành bởi Ngân hàng trung ương của quốc gia phát hành nên không nằm trong nhóm vật, tiền, giấy tờ có giá. Chỉ có thể xem xét xếp tài sản ảo là tài sản trong các quyền tài sản.

Trước ngày 01/01/2007 Bộ luật dân sự năm 2005 tại điều 181 quy định về Quyền tài sản như sau: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, kể cả quyền sở hữu trí tuệ.

Dựa trên yếu tố "có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự" nên về nhận thức và áp dụng pháp luật tại thời điểm Bộ luật dân sự năm 2005 có hiệu lực đều thống nhất rằng các tài sản ảo không thể chuyển giao trong các giao dịch dân sự. Từ đó đi đến nhận định các tài sản ảo không phải là tài sản do thiếu yếu tố "có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự".

Tài sản ảo, tranh chấp thật: Giải quyết thế nào? - 1

Khi pháp luật dân sự đã xác định tài sản ảo là tài sản thì các quyền lợi của người sở hữu khi xảy ra tranh chấp, bị chiếm đoạt sẽ được cơ quan có thẩm quyền bảo vệ (Ảnh minh họa).

Thậm chí tại điều 7 Thông tư 24/2014/TT-BTTTT ngày 29/12/2014 đã quy định "Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng chỉ được sử dụng trong phạm vi trò chơi điện tử và theo đúng mục đích mà doanh nghiệp đã báo cáo. Vật phẩm ảo, đơn vị ảo, điểm thưởng không phải là tài sản, không có giá trị quy đổi ngược lại thành tiền, thẻ thanh toán, phiếu thưởng hoặc các hiện vật có giá trị giao dịch bên ngoài trò chơi điện tử".

Tuy nhiên trước sự phát triển nhanh chóng của nền tảng công nghệ blockchain, sự xuất hiện ngày càng nhiều các tài sản ảo, sự chấp nhận tương đối rộng rãi của các cá nhân, tổ chức, định chế tài chính với tài sản ảo nên khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 2015 những yếu tố mới này đã được tiếp thu và luật hóa.

Cụ thể điều 105, Bộ luật dân sự năm 2015 xác định "Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản". Quyền tài sản theo điều 115 Bộ luật dân sự xác định: "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác". Như vậy Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về quyền tài sản đã bỏ điều kiện "có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự" chỉ quy định "Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền".

"Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền" tức là quyền có thể quy đổi, đánh giá theo giá trị tiền thì được coi là quyền tài sản. Khi được coi là quyền tài sản thì nó được xác định là tài sản. Bitcoin, NTF, vật phẩm ảo có thể trị giá được bằng tiền, có giá trị kinh tế với người sở hữu.

Do đó từ ngày 01/01/2017 (ngày Bộ luật dân sự năm 2015 có hiệu lực) các tài sản ảo, NFT, vật phẩm ảo được pháp luật dân sự chính thức xác định là tài sản.

Khi pháp luật dân sự đã xác định tài sản ảo là tài sản thì các quyền lợi của người sở hữu khi xảy ra tranh chấp, bị chiếm đoạt sẽ được cơ quan có thẩm quyền bảo vệ.

Điều 255 Bộ luật dân sự năm 2015 về Các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu quy định:

"Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật".

Theo quy định trên khi các tài sản ảo được pháp luật công nhận là tài sản thì chủ sở hữu tài sản ảo có đầy đủ các quyền của chủ tài sản trong đó có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trước các hành vi xâm phạm quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt.