Người mua kit test của Việt Á có thể yêu cầu trả lại tiền chênh lệch không?
(Dân trí) - Khách hàng đã mua kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á có thể yêu cầu trả lại tiền chênh lệch, bồi thường thiệt hại khi công ty này đã nâng giá bán lên gấp nhiều lần giá trị thực của sản phẩm không?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết: Khoản 1, điều 433 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về giá của tài sản tại Hợp đồng mua bán tài sản như sau: "1. Giá, phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ ba xác định theo yêu cầu của các bên. Trường hợp pháp luật quy định giá, phương thức thanh toán phải theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì thỏa thuận của các bên phải phù hợp với quy định đó" .
Các trang thiết bị y tế và sinh phẩm chẩn đoán trước ngày 01/01/2022 (ngày Nghị định số 98/2021/NĐ-CP có hiệu lực) không thuộc mặt hàng Nhà nước quản lý giá. Doanh nghiệp chỉ cần công khai thông tin về giá. Đến tháng 7/2020, Bộ Y Tế cũng chỉ yêu cầu công ty có kinh doanh, sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai, niêm yết giá trên Cổng thông tin điện tử của Bộ. Giá doanh nghiệp công bố là cơ sở để bên mua tham khảo lựa chọn để giao kết hợp đồng mua bán.
Như vậy có thể hiểu là giá kit test xét nghiệm do Công ty Việt Á tự xác định và công bố, không chịu ràng buộc nào về giới hạn giá theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Người mua dựa trên giá đơn vị công bố để lựa chọn việc giao kết Hợp đồng mua bán. Đây là quá trình thuận mua vừa bán.
Do vậy nếu chỉ dựa trên yếu tố giá thành sản phẩm kit test xét nghiệm của Công ty Việt Á cao bất thường để cá nhân, cơ quan, tổ chức yêu cầu trả lại tiền chênh lệch, bồi thường thiệt hại thì không đảm bảo cơ sở pháp lý.
Trên thực tế, có đại diện doanh nghiệp thủy sản đã trình bày: "Khi mua, công ty có trả giá nhưng phía Công ty Việt Á trả lời "giá này do Bộ Y tế quy định nên không thể giảm". Vì thế tôi rất an tâm. Ai dè không ngờ hôm nay mới biết mình mua với giá khá cao".
Theo luật sư Lực, nếu doanh nghiệp thủy sản này có bằng chứng về những thông tin này từ Công ty Việt Á thì đây có thể xác định là hành động lừa dối trong giao dịch dân sự.
Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 127 quy định về Giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép: "Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó".
Người mua đã bị người bán lừa dối về giá sản phẩm cao như vậy là do Nhà nước ấn định giá. Vì sự lừa dối này khiến cho người mua hiểu sai lệch về giá của sản phẩm, chấp nhận phần giá trị tăng lên cao bất thường so với mặt bằng giá sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường có tính năng, tác dụng tương tự.
Trong trường hợp của Công ty Thủy sản họ có thể yêu cầu tuyên bố Hợp đồng mua bán với Công ty Việt Á bị vô hiệu một phần. Cụ thể là phần giá trị tăng lên cao bất thường so với mặt bằng giá sản phẩm cùng loại hiện có trên thị trường có tính năng, tác dụng tương tự.
Xác định phần giá sản phẩm bị nâng lên, phần giá chênh lệch.
Hiện nay cơ quan cảnh sát điều tra đang khởi tố hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của Công ty Việt Á. Cụ thể là hành vi "Vi phạm quy định của pháp luật về bảo đảm công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu". Qua những thông tin ban đầu, việc nâng giá sản phẩm cao bất thường cũng thuộc hành vi vi phạm nêu trên.
Khi cơ quan chức năng có kết luận hoặc có bản án ghi nhận Công ty Việt Á có hành vi đẩy giá cao bất thường không phù hợp với mặt bằng giá, không tương xứng với các yếu tố hình thành giá được xác định trong luật giá thì người tiêu dùng sẽ có căn cứ vững chắc để xác định phần giá sản phẩm bị nâng lên, phần giá chênh lệch.
Người mua hàng của Công ty Việt Á còn có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Theo Luật sư Quách Thành Lực, tại khoản 6, điều 8 Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về quyền của người tiêu dùng quy định: "Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết".
Thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần.
"2. Thiệt hại về vật chất là tổn thất vật chất thực tế xác định được, bao gồm tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.
- Thiệt hại về tinh thần là tổn thất về tinh thần do bị xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các lợi ích nhân thân khác của một chủ thể" (điều 361 Bộ luật dân sự năm 2015).
Khi cá nhân, cơ quan tổ chức có quyền lợi bị vi phạm cần bảo vệ quyền lợi của mình thông qua việc khởi kiện ra tòa nơi bị đơn có trụ sở. Việc khởi kiện yêu cầu tuyên bố Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối là 02 năm kể từ ngày "Người bị nhầm lẫn, bị lừa dối biết hoặc phải biết giao dịch được xác lập do bị nhầm lẫn, do bị lừa dối".