Sóc Trăng: Người lao động thiệt đủ đường
(Dân trí) - Không còn làm việc, thấy bị thiệt thòi, một số người đã khởi kiện Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng ra tòa để đòi quyền lợi. Tuy nhiên, tòa lại tuyên số tiền thấp hơn số tiền mà phía Công ty đã áp dụng trả cho người lao động.
Theo trình bày của ông Trần Văn Khởi (SN 1961, công tác tại Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, gọi tắt là Công ty): Từ năm 1990 đến tháng 4/1996, ông công tác tại Công ty Lương thực Sóc Trăng. Đến tháng 5/1996 ông được điều động về Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, đến năm 2008 nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Ngày 30/7/2015 ông nhận được thông báo của Công ty về việc mất việc làm với lý do tái cơ cấu tổ chức. Ngày 1/8/2015, Công ty ban hành quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông và giải quyết chế độ mất việc mỗi năm 1 tháng lương. Tuy nhiên, Công ty chỉ giải quyết trợ cấp cho ông từ năm 1996 đến năm 2015 là 13 tháng lương nhưng lại tính mức lương của 6 tháng liền kề thực lĩnh là 4.713.108 đồng. Tổng cộng Công ty cho ông hưởng 61.270.404 đồng.
Không đồng ý với cách tính đó, ông Khởi yêu cầu Công ty giải quyết cho ông hưởng 18 tháng (trong đó có 5 tháng của 5 năm ông công tác tại Công ty Lương thực Sóc Trăng) và thực hiện theo quy định của Bộ Luật Lao động.
Ông Khởi cho biết: “Làm việc tại Công ty Mía đường, hệ số lương của tôi là 5.65. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, Công ty phải lấy mức lương cơ bản vùng nhân với hệ số lương của tôi nhân cho số tháng của số năm công tác. Mà hệ số lương cơ bản vùng do Công ty ban hành là 2,4 triệu đồng. Theo quy định của Bộ Luật Lao động, số tiền tôi yêu cầu là 244.080.000 đồng (5.65 x 2.400.000 x 18). Tôi công tác liên tục 18 năm nhưng Công ty chỉ trả cho 13 năm, còn 5 năm không trả. Công ty chỉ tính lương thực lĩnh là không đúng quy định, khiến tôi bị thiệt thòi”.
Không được Công ty giải quyết, ông Khởi kiện ra TAND TP Sóc Trăng thì tòa xử và tuyên Công ty trả cho ông số tiền 61.270.404 đồng.
Tương tự như ông Khởi, ông Nguyễn Huy Hiếu có thời gian công tác liên tục 30 năm. Cụ thể, từ thàng 2/1979 công tác tại Xưởng cơ khí 30/4 (thị xã Sóc Trăng). Từ tháng 2/1996 được điều động về Công ty cho đến năm 2008 nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Sau đó Công ty chấm dứt hợp đồng lao động ngày 1/8/2015. Khi giải quyết chế độ cho ông Hiếu, Công ty chỉ chấp nhận trả cho ông 13 tháng lương nhưng lại tính lương tối thiểu là 1.150.000 đồng. Trong khi đó, hệ số lương của ông Hiếu là 4.4. Vì vậy, ông Hiếu đề nghị Công ty trả cho ông trợ cấp mất việc là 318.601.000 đồng. Ngoài ra, do Công ty vi phạm về thời gian thông báo mất việc cho ông không đúng quy định nên ông yêu cầu bồi thường 19.575.000 đồng. Tổng cộng cả hai khoản là 338.176.000 đồng. Thế nhưng Công ty chỉ giải quyết cho ông 65.780.000 đồng.
Khởi kiện ra tòa, ông Hiếu “được” tòa tuyên Công ty trả cho ông theo mức tính 6 tháng lương liền kề thực lĩnh là 5.982.719 đồng x 13 tháng là 77.766.000 đồng. Không chấp nhận khoản vi phạm thời gian thông báo là 19.575.000 đồng.
Bà Kiêm Thị Thu Lan công tác tại Công ty từ tháng 4/1996 đến 31/12/2008 thì nghỉ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngày 31/7/2015 Công ty chấm dứt hợp đồng lao động nhưng chỉ giải quyết chế độ cho bà là 11 tháng lương với mức lương cơ bản là 1.150.000 đồng, với tổng số tiền 53.130.000 đồng. Bà Lan không đồng ý vì bà công tác tại Công ty 13 năm, trong đó từ tháng 4/1996 đến tháng 10/1997 được Công ty đưa đi học. Từ ngày 1/1/1998 Công ty ký hợp đồng lao động không thời hạn với bà. Bà Lan yêu cầu Công ty phải trả cho bà 140.212.800 đồng trợ cấp mất việc và 18.675.000 đồng do vi phạm thời gian thông báo nhưng Công ty không đồng ý.
Khởi kiện ra tòa thì tòa tuyên Công ty trả cho bà Lan 13 tháng lương với mức tính 5 tháng lương thực lĩnh liền kề, mỗi tháng 4.239.000 đồng. Tổng cộng số tiền là 55.107.000 đồng; không chấp nhận khoản tiền bồi thường do vi phạm thời gian thông báo cho mất việc là 18.675.000 đồng. Trong khi đó, Công ty giải quyết cho bà Lan mỗi tháng là 4.830.000 đồng (hệ số lương của bà Lan là 4.2 x 1.150.000 x 11 tháng) đề nghị tòa giữ nguyên số tiền 53.130.000 đồng tính thêm 2 tháng là 9.660.000 đồng, tổng cộng là 62.790.000 đồng . Như vậy, số tiền tòa tuyên thấp hơn số tiền Công ty giải quyết cho bà Lan, gây thiệt thòi cho người lao động.
Theo đại diện Công ty Mía đường Sóc Trăng, mức lương cơ bản vùng là dùng để trả lương cho người lao động, còn giải quyết chế độ chính sách cho những người mất việc thì tính lương cơ bản 1.150.000 đồng vì Công ty là doanh nghiệp nhà nước, chỉ mới chuyển qua hoạt động Công ty cổ phần từ ngày 1/1/2009. Không chấp nhận bồi thường khoản tiền do vi phạm thời gian thông báo vì Công ty không đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động; do thay đổi cơ cấu tổ chức không sắp xếp được việc làm đối với người lao động nên phải cho thôi việc.
Theo ý kiến của luật sư bảo vệ quyền lợi ích chính đáng cho người lao động, Công ty tính mức lương cơ bản 1.150.000 đồng để tính trả cho người lao động là không đúng vì Công ty là Công ty cổ phần nên không thể áp dụng mức lương cơ bản 1.150.000 đồng được. Khi cho người lao động nghỉ việc, theo quy định của Bộ Luật Lao động, cho người lao động nghỉ việc phải thông báo trước ít nhất 45 ngày nhưng Công ty không thực hiện đúng nên người lao động yêu cầu bồi thường là có cơ sở. Việc tòa áp dụng cách tính tiền để trả cho người lao động là lấy mức cơ bản của 5 tháng (hoặc 6 tháng) thực lĩnh liền kề là không có cơ sở, không dựa vào quy định pháp lý nào, gây thiệt thòi cho người lao động.
Hơn nữa, phía Công ty đã chấp nhận trả cho người lao động mức lương 1.150.000 đồng nhân với hệ số lương của họ, dù chưa được người lao động đồng ý, nhưng tòa tuyên mức mỗi tháng thấp hơn mức Công ty trả cho người lao động cũng là vô lý, trong khi Công ty không phản tố. Hóa ra tòa xử theo ý tòa….khiến cho người lao động thiệt đủ đường.
Bạch Dương