Sóc Trăng: Một cựu chiến binh mỏi mòn chờ chế độ
(Dân trí) - Cho rằng Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng áp dụng một cách máy móc những quy định trong việc trợ cấp chế độ dẫn đến mất đi quyền lợi của mình, ông Vượng có đơn gửi xem xét nhưng Sở này vẫn “bác” yêu cầu của ông.
Ông Nguyễn Đình Vượng (SN 1949, hiện cư ngụ tại ấp Thạnh Lợi, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) trình bày: Ông là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ từ ngày 9/7/1966 đến tháng 11/1981, là đối tượng bị nhiễm chất độc hóa học đã được Hội đồng giám định y khoa tỉnh Sóc Trăng giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe và được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 473/QĐ-SLĐTBXH ngày 17/12/2007 với mức trợ cấp hàng tháng là 785.000 đồng kể từ ngày 1/1/2008.
Theo Quyết định trên, ông Vượng thuộc đối tượng suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên theo quy định tại Nghị định số 32/NĐ-CP/2007 ngày 2/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ. Từ đó đến nay ông vẫn hưởng phụ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Theo Pháp lệnh Người có công sửa đổi số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013, ông Vượng thuộc đối tượng tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng và được hưởng thêm chế độ trợ cấp người phục vụ tại gia đình từ tháng 9/2012. Thế nhưng, cho đến nay đã 3 năm nhưng ông vẫn chưa được hưởng chế độ nói trên, mặc dù ông đã nhiều lần làm đơn gửi Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng đề nghị giải quyết nhưng cơ quan này vẫn im lặng.
Ông Nguyễn Đình Vượng bức xúc: “Ngày 26/12/2015, tôi nhận được văn bản số 752/SLĐTBXH của Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng do Giám đốc Tô Ái Vang ký trả lời nội dung: “Ông hiện đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ 81% trở lên nhưng theo hồ sơ quản lý thì biên bản của Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận ông bị suy giảm không còn khả năng lao động; không có kết luận tỷ lệ (%). Do đó, căn cứ theo văn bản quy định thì ông không thuộc diện hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ”.
Theo ông Vượng, văn bản trả lời của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng là chưa đúng với quy định của Pháp lệnh Người có công sửa đổi số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013.
Cụ thể, Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng dựa vào “Thông tư hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng” (gọi tắt là Thông tư số 16) của Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 30/7/2014, nhưng việc vận dụng Thông tư 16 này chưa thuyết phục khi Thông tư này ra đời sau khi có Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16/7/2012 và Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013. Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng không thực hiện theo Pháp lệnh và Nghị định cũng như không thông báo cho ông biết. Chỉ đến khi có Thông tư 16 mới thực hiện một cách máy móc, thiếu suy xét thấu đáo, làm thiệt thòi đến quyền lợi chính đáng của ông.
Nghị định 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định thành 4 nhóm trợ cấp (a,b,c,d theo khoản 1 điều 42). Trong đó, tại điểm a, khoản 6 điều 42 nêu rõ “Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên thì tiếp tục hưởng theo chế độ hiện hưởng”. Còn tại điểm b,c khoản 6 điều 42 quy định cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% “Nếu biên bản giám định y khoa có ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức quy định tại điểm a, điểm b, điểm c. Khoản 1. Nếu chưa có tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động thì được bảo lưu. Nếu có nguyện vọng thì được cho đi giám định lại”.
Như vậy, việc biên bản của Hội đồng giám định y khoa có ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động hay không ghi tỷ lệ % chỉ áp dụng cho các đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81%, không áp dụng cho những người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Còn tại khoản 2 điều 7 Thông tư số 16 của Bộ LĐ-TB&XH lại áp đặt cho đối tượng đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên đối với 3 trường hợp sau: Nếu không có biên bản giám định; Biên bản giám định không ghi tỷ lệ % suy giảm khả năng lao động; Biên bản giám định không đúng quy định thì không được hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ.
Ông Nguyễn Đình Vượng cho biết: “Quy định này là không thể chấp nhận được bởi Biên bản giám định y khoa của Hội đồng giám định, bản thân tôi không thể biết được họ ghi gì trong đó. Nhưng điều tôi khẳng định chắc chắn, vì có kết quả giám định của Hội đồng giám định thì Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng mới ký quyết định cho tôi được hưởng chế độ trợ cấp đối với những người suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên. Nay Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng lại cho rằng Biên bản của Hội đồng giám định y khoa tỉnh kết luận tôi bị suy giảm không còn khả năng lao động; không có kết luận tỷ lệ (%) mà không cho tôi hưởng chế độ phụ cấp và trợ cấp người phục vụ là không thuyết phục, thiếu lý thiếu tình, thiếu tinh thần nhân văn đối với người chịu thiệt thòi, mất mát trong chiến tranh”.
Hoàn cảnh của ông Nguyễn Đình Vượng hiện nay rất khó khăn, bản thân ông đang bị ung thư Lyphôm không Hodgkin giai đoạn 3 (là loại bệnh xếp số 2 trong danh mục quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLDTBXH). Sau 2 năm điều trị tích cực, bệnh tuy được khống chế, các khối u đã được thu nhỏ nhưng vẫn phải đi tái khám định kỳ. Hiện nay, các bác sỹ Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đang nghi bệnh của ông có khả năng di căn xâm nhập vào xương nên yêu cầu ông nhập viện để theo dõi.
Mặc dù chi phí điều trị bảo hiểm thanh toán 100% nhưng gia đình ông cũng phải chi ra rất nhiều tiền cho đi lại trong thời gian khám chữa bệnh. Ông Vượng đã phải bán đi 2/3 diện tích đất ở và 4.000m2 đất nuôi tôm. Ngoài ra còn phải vay thêm từ ngân hàng 90 triệu đồng mà chưa có khả năng trả nợ.
Ông Vượng nói: “Kể từ khi có Pháp lệnh người có công và Nghị định 31 của Chính phủ, tôi hy vọng sẽ có phụ cấp và trợ cấp cho người phục vụ tại gia đình để bớt đi gánh nặng về kinh tế cho gia đình. Thế nhưng, đã 3 năm qua, gia đình tôi chưa được hưởng ưu đãi này và có nguy cơ sẽ không được hưởng bởi sự trả lời máy móc của Sở LĐ-TB&XH Sóc Trăng như đã nêu ở trên. Là một người lính, tôi không đòi hỏi Đảng, Nhà nước trả ơn. Nhưng những chế độ mà Đảng, Nhà nước dành cho tôi được thể hiện trong Pháp lệnh Người có công, ở Nghị định số 31 của Chính phủ đã thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với tôi và các đồng đội của mình. Những chế độ đó cần được giải quyết trọn vẹn, hợp lý hợp tình cho chúng tôi”.
Bạch Dương