Số phận pháp lý của người chở nghi can bỏ trốn khỏi trụ sở công an ở TPHCM

Hoàng Diệu

(Dân trí) - Theo luật sư, trước tiên cần làm rõ việc Tâm có đang bị tạm giữ, tạm giam theo các quyết định tố tụng hay không. Đây là căn cứ quan trọng để xem xét chế tài với người phụ nữ chở nghi phạm bỏ chạy.

Như Dân trí thông tin, chiều 29/5, một nghi phạm tên Tâm được đưa về trụ sở Công an phường Tam Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) để xác minh làm rõ hành vi liên quan tới ma túy. Trong lúc bị giữ, người này xin cán bộ mở cửa cho đi vệ sinh rồi bất ngờ bỏ chạy ra ngoài cổng, lên xe một người phụ nữ chờ sẵn định tẩu thoát nhưng bất thành.

Lực lượng chức năng đã khống chế Tâm và giữ người phụ nữ lại để xác minh. Làm việc với công an, người phụ nữ khai được mẹ của Tâm nhờ mang cơm đến cho con trai.

Đưa cơm xong, người phụ nữ chuẩn bị rời đi thì Tâm chạy ra, nhảy lên xe. Bước đầu, cả 2 khai không có sự bàn bạc từ trước nhưng công an vẫn đang làm rõ lời khai này. 

Vụ việc nhận được đông đảo sự quan tâm trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi về việc người phụ nữ đưa cơm có thể bị xử lý hay không. 

Số phận pháp lý của người chở nghi can bỏ trốn khỏi trụ sở công an ở TPHCM - 1

Tâm xin cán bộ mở cửa buồng tạm giữ để đi vệ sinh nhưng sau đó lợi dụng để chạy trốn (Ảnh cắt từ clip).

Theo luật sư Trương Văn Tuấn (Trưởng Văn phòng luật sư Trạng Sài Gòn, Đoàn Luật sư TPHCM) nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, việc nghi phạm chạy trốn khỏi trụ sở công an khi đang bị đưa về làm việc là hành vi vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý ở mức độ nào còn phải phụ thuộc các tình tiết được lực lượng chức năng làm rõ. 

Cụ thể, việc xử lý nghi phạm này và người phụ nữ có thể diễn ra theo các chiều hướng như sau: 

Thứ nhất, nếu Tâm chỉ bị công an đưa về làm việc hành chính mà chưa có bất cứ quyết định tạm giữ, tạm giam nào thì hành vi của nghi phạm chỉ là vi phạm hành chính, bị xử phạt về hành vi Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức theo khoản 4, Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Mức phạt áp dụng là phạt tiền 3-5 triệu đồng. 

Thứ hai, nếu Tâm đã bị cơ quan công an ra quyết định tạm giữ, tạm giam và đang được lưu người tại trụ sở công an phường, với hành vi chạy trốn khỏi trụ sở công an, nghi phạm có thể bị xử lý hình sự về tội Trốn khỏi nơi giam, giữ hoặc trốn khi đang bị áp giải, đang bị xét xử theo Điều 386 Bộ luật Hình sự 2015.

Ngoài ra, đối với người phụ nữ giúp Tâm bỏ trốn, việc xử lý ra sao sẽ phải phụ thuộc vào kết quả xác minh, làm rõ các tình tiết liên quan tới hành vi trốn chạy của Tâm. Cụ thể, nếu Tâm đang bị tạm giữ, tạm giam theo các quyết định tố tụng của cơ quan có thẩm quyền và giữa 2 người có sự bàn bạc, thống nhất về việc giúp Tâm chạy trốn thì người phụ nữ có thể bị xử lý với vai trò đồng phạm giúp sức tích cực cho Tâm về tội Trốn khỏi nơi giam, giữ. 

Còn lại, như đã phân tích, nếu Tâm mới chỉ bị mời lên làm việc chứ không bị tạm giam, tạm giữ thì người phụ nữ chỉ có thể bị xử phạt hành chính về hành vi Gây rối hoặc cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức tương tự nghi can Tâm.

Trường hợp đúng như lời trình bày của chị, rằng chị chỉ đi đưa cơm mà không hề biết việc chạy trốn, thì chị sẽ được loại trừ trách nhiệm trong trường hợp này