Sinh viên được cộng điểm rèn luyện khi đi xe buýt: Nên nhân rộng!

PV

(Dân trí) - Việc trường Đại học Bách khoa Hà Nội cộng điểm rèn luyện cho sinh viên khi đi xe buýt đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo quần chúng nhân dân.

Theo đó, trường này quy định khi sinh viên nộp minh chứng vé tháng đi xe buýt sẽ được cộng tối đa 11/100 điểm rèn luyện.

Việc khuyến khích sinh viên đi xe buýt hay sử dụng các phương tiện giao thông công cộng là rất cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Bởi khi nhiều người dân cùng sử dụng phương tiện công cộng thay cho đi xe cá nhân sẽ góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông ở thành phố, đô thị lớn. Bên cạnh đó, còn làm giảm lượng khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường, nhất là tạo ra môi trường không khí trong lành, thông thoáng, mát mẻ ở các khu đô thị lớn, đông đúc, chật hẹp, oi bức...

Mặt khác, theo trường này thì khi sinh viên đi bộ đến bến xe buýt là những hoạt động giúp rèn luyện thân thể, hoạt động thể thao nhẹ nhàng hằng ngày, tiết kiệm chi phí sử dụng xe cá nhân hiệu quả. Đồng thời, đây cũng là cách thức để rèn luyện thói quen sinh hoạt đúng giờ, đúng kế hoạch, làm việc khoa học, đúng giờ giấc...

Có thể nói, vì những lợi ích thiết thực đối với xã hội nên việc tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng được thực hiện thường xuyên, liên tục, tuy nhiên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn. Hiện số lượng người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng vẫn còn thấp, nhiều nơi tạm dừng các tuyến xe buýt vì người đi quá ít, thu không đủ bù chi, lãng phí nguồn lực.

Vì vậy, việc trường Đại học Bách khoa Hà Nội khuyến khích đi xe buýt bằng việc cộng thêm điểm rèn luyện cho sinh viên là cách làm hay, thiết thực cần nhân rộng ra các cơ sở giáo dục, đào tạo khác. Điều này cũng là tiền đề, tạo thói quen cho người dân trong việc sử dụng các phương tiện công cộng nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường sống trong lành, thông thoáng, an toàn.

Đồng thời, đây cũng là hoạt động thể chất mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe, tinh thần cho học sinh, sinh viên và là hành động thiết thực góp phần xây dựng văn hóa giao thông, lối sống văn minh đô thị tiến bộ.

Luật gia Phạm Văn Chung