Muốn cấm xe máy vào nội đô, hãy làm tốt phương tiện công cộng trước!
(Dân trí) - "Bất cập lớn nhất mà ai cũng thấy được là giao thông công cộng. Hiện tại xe buýt Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Đường sắt đô thị có duy nhất một tuyến, cấm xe máy thì dân đi bằng gì?".
Mục tiêu giải bài toán tắc đường nhưng cái gốc vì sao tắc đường lại không được giải quyết!
Thông tin Hà Nội cấm xe máy từ sau năm 2025 đặc biệt thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Có ý kiến cho rằng, một chính sách ảnh hưởng nhiều đến đại bộ phận người dân nhất thiết phải được bàn bạc thảo luận kỹ và có lộ trình dài hạn phù hợp với đời sống dân sinh.
Bởi thay đổi thói quen đi xe máy, đi lại, cũng là thay đổi tập quán sinh hoạt, kinh tế kinh doanh nhỏ lẻ sẽ chuyển dần thành tập trung, nhiều ngành nghề sẽ giảm thiểu rất nhiều và bị triệt tiêu trong thời gian gần. Thay đổi để xã hội và môi trường tốt lên nhưng biến động trong thời gian ngắn đột ngột sẽ khiến nhiều gia đình khó khăn không biết đến khi nào mới vực dậy được.
"Đề án quản lý xe máy cần gắn liền đồng bộ với cải thiện giao thông và giao thông công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân. Tránh việc sau này đến ô tô gây ùn tắc không thể cải thiện một sớm một chiều như Bangkok. Như một số chuyên gia giao thông ở Việt Nam đã nói, chưa có đủ phương tiện tải chuyển tốt như xe gắn máy hiện nay. Nếu làm bài tính thời gian trung bình ở trên đường của một người dân khi cần di chuyển giữa 2 địa điểm ở các cự ly khác nhau khi dùng các cách di chuyển khác nhau sẽ cho thấy giảm/cấm phương tiện xe 2 bánh chưa giúp giảm ùn tắc giao thông", bạn đọc Văn Hùng nêu quan điểm.
Bạn đọc Phùng Phong chỉ ra một số bất cập: "Thứ nhất, dân ta lao động phổ thông còn quá nhiều: Grab bike, shipper, bán hàng ngoài chợ... Cấm xe máy đồng nghĩa với 3 nghề kia không còn và một lượng lớn lao động thất nghiệp cần có hướng giải quyết cho họ.
Thứ hai, cấm xe máy thì nhiều và rất nhiều gia đình sẽ mua ô tô, có thể thay vì 2 vợ chồng 2 cái xe máy giờ sẽ thành 2 vợ chồng 2 cái ô tô, cứ như vậy cấp số nhân lên, vì nói thật ô tô xịn mua mới khó chứ ô tô "cỏ" 1-2 trăm triệu chỉ ngang con SH đầy nhà mua được... Bài toán giao thông đô thị giảm tắc đường như thế nào???
Thứ ba, một bộ phận lớn những công việc bán hàng online cũng bị ảnh hưởng vì việc vận chuyển hàng sẽ gặp nhiều khó khăn. Cuối cùng là một bộ phận lớn những người làm xa nhà cũng gặp khó khăn, chỗ làm cách nhà tầm 20 km mà đi xe bus trong bối cảnh ô tô cá nhân nhiều gấp 5-10 lần bây giờ thì chắc nhẹ nhàng cũng 2 tiếng mới tới chỗ làm, buổi sáng thì có thể đi sớm từ 6h tránh tắc đường, nhưng buổi chiều thì xác định".
Cho rằng nguyên nhân kẹt xe không phải tại xe máy, bạn đọc Phan Nguyen viết: "Tại sao kẹt xe? Chung cư mọc lên như nấm bảo sao không kẹt. Mật độ đường xá thì không đáp ứng nổi mà chung cư thì cứ mọc lên trong nội đô, cứ có miếng nào trống trống to to là thế nào cũng thành cái chung cư. Rồi thì người nhập cư quá nhiều, công nhân các khu chế xuất, cứ nhồi nhét quá nhiều người vào một khu vực thì bảo sao không kẹt.
Cấm xe máy cũng không vấn đề. Vấn đề là người dân muốn di chuyển thì họ dùng phương tiện gì? Phương tiện công cộng có đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân không? Tôi nghĩ chỉ những đại gia nhà có ô tô riêng mới ủng hộ (những người không bị cấm và đỡ bị kẹt xe khi xe máy bị cấm) còn người dân sẽ không thể ủng hộ với hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam như hiện tại".
Cấm xe máy, người dân đi bằng gì?
Đưa ra một loạt những bất cập của hệ thống giao thông công cộng để cho rằng bài toán cấm xe máy vào nội đô là không khả thi, bạn đọc Thanh Bình cho biết: "Cần phải có những tính toán hợp lý, nếu những bất cập là quá nhiều và quá lớn thì sẽ rất khó để có thể giải quyết cho dù có quyết tâm lớn đi nữa. Ví dụ bất cập lớn nhất mà ai cũng thấy được là giao thông công cộng. Hiện tại xe buýt Hà Nội chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu. Đường sắt đô thị có duy nhất một tuyến. 80% còn lại đang phải sử dụng phương tiện cá nhân như lựa chọn duy nhất. Trong vòng 4 năm tới nếu giao thông công cộng không thể phát triển để đáp ứng được một nửa nhu cầu của người dân mà vẫn cấm xe máy thì phải làm thế nào?".
Bạn đọc Thủy Tiên đồng quan điểm: "Số lượng người ủng hộ cấm có lẽ đa phần là những người đi ô tô cá nhân, giảm xe máy mà tăng ô tô còn tắc đường thêm nữa. Bản thân tôi có một số lần đi công tác, phải để xe ở cơ quan, hôm sau đi xe buýt đi làm, tính cả chờ đợi 2 tuyến và đi bộ thì mất ít nhất một tiếng rưỡi, trong khi bình thường đi xe máy chỉ mất 30 phút nếu chọn cung đường đỡ đông xe. Vậy xin hỏi chúng tôi sẽ làm được gì, khi dành 3 tiếng/ngày để đi lại tới chỗ làm? Trừ khi công việc của bạn thừa rất nhiều thời gian.
Chúng ta cứ đi so với nước ngoài, trong khi điều kiện đường xá, quy hoạch đô thị, chất lượng môi trường và phương tiện công cộng đều khác xa họ. Và tôi thấy ở mấy tòa nhà văn phòng nước ngoài cả nghìn người nơi tôi có qua công tác, hầu hết họ đi xe ô tô cá nhân, không ai đi xe buýt đi làm cả".
Bạn đọc Thu Hoài với một loạt câu hỏi: "Tôi thấy việc cấm các phương tiện là xe ba bánh, là loại xe chở hàng cồng kềnh, dễ gây tai nạn mà còn chưa cấm được thì việc cấm xe hai bánh sẽ rất khó. Xe công nông đã cấm từ lâu nhưng vẫn chạy đầy đường và nhả khói đen xì từ nông thôn đến thành thị, có ai xử lý không?
Làm tuyến đường sắt trên cao mà làm cả chục năm không xong thì thử hỏi hy vọng gì vào khả năng đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sau khi cấm xe máy? Có số liệu tính toán nào thống kê sau khi cấm xe máy thì cần bao nhiêu xe buýt, bao nhiêu chuyến tàu chạy một ngày để vận chuyển được toàn bộ số người dân đi lại khi họ không còn xe máy không?".
Lấy ví dụ về một tuyến buýt, bạn đọc Đức Khôi nêu ý kiến: "Lấy ví dụ tuyến buýt 02 hay 32 đi, những ai đã từng đi học đi làm trên tuyến này thì chắc không xa lạ về việc buýt đông quá tải, người người chen nhau, móc túi, tệ nạn đầy rẫy, xe bỏ bến, lạng lách đánh võng khi ra vào các bến. Người chưa kịp lên chưa kịp xuống thì cửa đóng kéo lê cả người trên đường, ô nhiễm khí thải từ các xe buýt "chất lượng cao" xả làn khói đen đặc mà không cần các dụng cụ máy móc đo nồng độ khí thải thì cũng dám khẳng định nó vượt ngưỡng cho phép hàng trăm lần.
Theo tôi thì mọi sự so sánh đều khập khiễng, các nước phát triển vì sao người ta ít dùng xe máy, còn Việt Nam lại sử dụng xe máy làm phương tiện giao thông? Vì mỗi quốc gia có một nền kinh tế khác nhau, các nước phát triển nền kinh tế của họ là kinh tế công nghiệp, người dân đều làm trong các nhà máy, sáng đi tối về, họ chỉ đi trên một cung đường duy nhất nên họ di chuyển bằng phương tiện công cộng là đúng. Còn Việt Nam người dân thành thị sống bằng gì? Đa phần sống bằng nghề buôn bán, mà buôn bán nhỏ lẻ nên việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ rất khó khăn".
Bạn đọc Nguyễn Công Trung thẳng thắn: "Khi chúng ta đang khẳng định đi sau các nước 50 - 60 năm, hay còn gọi là tụt hậu khá xa với các nước tiên tiến, mà lại được voi đòi tiên... một lộ trình 3 năm nghe thật viển vông. Một cái kế hoạch đường sắt trên cao có hơn chục km mà hơn 10 năm mới làm được, mà chỉ là một tuyến/tổng số 8 tuyến thôi đó. Chúng ta cần tới 5-6 lộ trình như thế nữa mới may ra giảm xe máy trong nội đô, có nghĩa ít nhất 20-30 năm nữa may ra thì có khả năng".
UBND TP Hà Nội vừa gửi tới HĐND cùng cấp tờ trình về Chương trình mục tiêu giảm ùn tắc, đảm bảo an toàn giao thông giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, những năm tới thành phố tiếp tục nghiên cứu để phê duyệt đề án về phân vùng hạn chế hoạt động xe máy và tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trên địa bàn các quận.
Việc hạn chế hoạt động xe máy là một trong những nội dung của Nghị quyết 04 đã được HĐND TP thông qua năm 2017. Sau khi Nghị quyết này được thông qua, các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu, sau năm 2025 dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 3 và đường Trường Sa, Hoàng Sa, quốc lộ 5. Dự kiến sau năm 2030, Hà Nội dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận bên trong vành đai 4 đối với khu vực nam sông Hồng, và bên trong vành đai 3 đối với khu vực bắc sông Hồng.