Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt: Một vòng luẩn quẩn?

Hải Hà

(Dân trí) - Bạn đọc cho rằng, trước đây đoạn đường Nguyễn Trãi - Trần Phú có làn xe buýt riêng, đến năm 2015 thì xóa làn xe buýt, giờ lại quay lại làm, một vòng luẩn quẩn không biết bao giờ dừng.

Trả lời cử tri về đề nghị xem xét, đánh giá hiệu quả của các dự án tuyến buýt nhanh (BRT), đồng thời nên tiếp tục duy trì hay dừng lại hoạt động của tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa, UBND TP Hà Nội cho biết, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, cùng với làn đường ưu tiên cho xe buýt BRT hiện có, Hà Nội sẽ nghiên cứu tổ chức thêm 14 làn ưu tiên nữa nhằm phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn.

Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt: Một vòng luẩn quẩn? - 1

Dư luận thắc mắc: Không hiểu dự án xe buýt nhanh (BRT) hiệu quả thế nào mà Hà Nội định mở tiếp 14 làn ưu tiên cho xe buýt? 

"Một vòng luẩn quẩn chưa biết bao giờ dừng!"

Trước thông tin này, dư luận đặt câu hỏi: Không hiểu BRT hiệu quả thế nào mà Hà Nội lại đề nghị mở thêm 14 làn ưu tiên cho xe buýt? Trong khi kết luận của Thanh tra Chính phủ hồi tháng 7/2021 đã nêu rõ: "Mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn, dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt được mục tiêu đề ra là hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố".

Trên thực tế, dự án xe buýt nhanh đã và đang gây lãng phí cả về không gian và lãng phí về tiền bạc. Bởi, việc xe buýt nhanh đi vào hoạt động đã chiếm một khoảng không gian trên các tuyến đường. Lượng người đi xe buýt nhanh không đông, trong khi đó nếu để không gian của xe buýt nhanh cho các phương tiện khác chạy thì công suất sẽ cao hơn.

Bình luận về vấn đề này, bạn đọc Văn Việt cho biết: "Trước đây đoạn đường Nguyễn Trãi - Trần Phú có làn xe buýt riêng, năm 2015 chặt cây bỏ làn xe buýt, giờ thì quay lại làm, một vòng luẩn không biết bao giờ dừng. Điều đáng chú ý là những tuyến đường thuộc diện đề xuất của Hà Nội đều là thường xảy ra tắc nghẽn giao thông. Nếu Hà Nội mở làn đường dành riêng cho xe buýt thì cần làm thí điểm 1-2 tuyến đường trong thời gian vài tháng, rồi đánh giá kết quả để xem xét có mở các tuyến tiếp theo hay không chứ không nên mở đại trà".

Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt: Một vòng luẩn quẩn? - 2
Hà Nội muốn có thêm 14 làn đường ưu tiên cho xe buýt: Một vòng luẩn quẩn? - 3

Năm 2015, Hà Nội tiến hành chặt bỏ toàn bộ hàng cây cổ thụ dọc hai bên đường Trần Phú - Nguyễn Trãi, phá bỏ dải phân cách giữa làn đường xe cơ giới và xe buýt (Ảnh: Nguyễn Dương).

Bạn đọc Thùy Mai cho rằng, với đặc thù hiện nay của giao thông Hà Nội, chưa nên đầu tư làn xe ưu tiên cho xe buýt bởi: "Việc này sẽ không hiệu quả và lãng phí. Hà Nội nên tập trung vào liên thông các tuyến đường sắt trên cao và ngầm để giải quyết ùn tắc đã. Xe buýt là thành phần quan trọng trong giao thông đô thị nhưng cũng cần hài hòa, tránh trở thành nguyên nhân gây ùn tắc như BRT hiện nay. Cả dòng xe tắc nghẽn kéo dài trong khi một làn đường gần như không có xe chạy và rất ít người lựa chọn".

"Không cần sáng tạo chi cho mệt đầu, tốn kém tiền của dân, hãy học châu Âu, hay đa phần các quốc gia phát triển khác cách phân luồng xe buýt là chuẩn nhất: Vào khung giờ cao điểm (7-9h hoặc 16-18h) thì một làn đường chỉ dành riêng cho xe buýt các xe khác không được đi vào. Ngoài khung giờ đó thì cả buýt lẫn xe thường đều được đi vào. Chẳng hiểu ai tư vấn mà lại vẽ ra cái BRT tốn kém không biết bao nhiêu tiền của, nếu các tuyến đường rộng đồng bộ thì phân làn BRT là được, đằng này đường thì bé tý, bình thường chưa phân làn đã tắc rồi giờ phân làn càng tắc", ý kiến của bạn đọc Tuấn Anh.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

"Muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng, nên đầu tư cho các điểm đón dừng có mái che, ghế ngồi, lề đường đi bộ sạch sẽ, xe buýt chất lượng tốt, nhanh sẽ thu hút người dùng. Bên cạnh đó, cần có những tuyến đường cấm xe máy vào giờ cao điểm ở các đô thị lớn để người dân thấy khó khăn khi di chuyển bằng xe máy và sau đó sẽ chuyển dần sang dùng phương tiện công cộng", ý kiến của bạn đọc Duy Minh. 

Văn hóa, ý thức của lái, phụ xe buýt cũng là vấn đề khiến nhiều người quan tâm, như ý kiến của một bạn đọc: "Xin đừng chú trọng tập trung mở các tuyến xe buýt mà quên đi cách giáo dục văn hóa lái xe của đội ngũ lái, phụ xe buýt. Tôi có cảm giác như xe buýt là hung thần trên các tuyến phố khi mà lái xe bất chấp dòng xe đang chạy bên cạnh mà tạt đầu ra vào bến như chỗ không người. Một số xe buýt có ghi dòng chữ: "Xin lỗi đã làm phiền khi xe vào bến" nhưng hình như đó là câu xin lỗi của chiếc xe, không phải của lái xe".

Cho rằng nếu không làm nghiêm vấn đề xây dựng, quy hoạch đô thị thì không thể dứt điểm được tình trạng tắc đường, bạn đọc Quang Thái viết: "Trị ngọn mà không trị gốc thì 100 năm nữa cũng cứ vẫn thế thôi, dứt điểm sao được khi các nhà cao tầng vẫn mọc lên trong nội thành (một tòa nhà lượng cư dân bằng vài xóm), trường học, công trình công cũng vậy! Người càng đông thì phương tiện nhiều theo thôi, đất thì vẫn vậy đất có nở được thêm đâu và mở rộng đường mãi. Mỗi lần mở đường đều phải đền bù các nhà mặt đường, chi phí là khủng khiếp mà hiệu quả thì không đáng kể!".

Ngày 26/7/2021, Thanh tra Chính phủ chính thức công khai hàng loạt sai phạm xảy ra tại Dự án xe buýt nhanh BRT Hà Nội.

Bên cạnh việc gây lãng phí ngân sách 15 tỷ đồng vì "Đập đi xây lại" mặt đường còn tốt, Thanh tra Chính phủ phát hiện tổng số tiền sai phạm trên 43,5 tỷ đồng tại Hợp phần I- Xe buýt nhanh BRT thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hà Nội.

Trong đó, số tiền 42,4 tỷ đồng do Công ty cổ phần Thiên Thành An xuất bán cho chủ đầu tư đối với 35 xe buýt BRT, giá trị chênh lệch tăng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện. Số tiền 206,8 triệu đồng đối với đơn giá dịch vụ kiểm tra xe do chủ đầu tư thanh toán cho nhà thầu vượt so với hợp đồng đã ký, không đúng quy định. Gói thầu 01d/BRT-XL có số tiền sai gần 626 triệu đồng, bao gồm áp đơn giá vật liệu sai thời điểm, thiếu sót trong lập, thẩm tra và phê duyệt dự toán điều chỉnh trạm biến áp; không thực hiện bu lông, kích dầu…

Việc các bên liên danh nhà thầu thực hiện không đúng khối lượng được phân chia theo hợp đồng đã ký giữa chủ đầu tư và liên nhà thầu dẫn đến Công ty cổ phần Thiên Thành An hưởng lợi số tiền trên 42,4 tỷ đồng nhưng không chứng minh được khối lượng công việc thực hiện.

Về hiệu quả đầu tư, Thanh tra Chính phủ khẳng định việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng. Xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng phương tiện giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên xảy ra ùn tắc trong giờ cao điểm.

"Dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố"- Thanh tra Chính phủ kết luận.

Trước những thông tin trên, dư luận người dân cho rằng, khi nghiên cứu tổ chức 14 làn ưu tiên cho xe buýt, Hà Nội cần xem xét kỹ lưỡng, cẩn thận tránh "vết xe đổ" của tuyến buýt nhanh BRT.