Hạn chế việc thay đổi biểu mẫu tùy tiện, không cần thiết!
(Dân trí) - Nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm vì đã áp dụng... sai biểu mẫu, nhưng thực ra là do họ chưa kịp cập nhật, chưa kịp tiếp cận biểu mẫu mới.
Hiện nay, gần như mọi vấn đề, thủ tục như thủ tục hành chính hay nội dung công việc, nhiệm vụ nào đó đều được các cơ quan chức năng mẫu hóa bằng các biểu mẫu cụ thể, chi tiết. Việc này mẫu hóa các thủ tục là rất cần thiết, quan trọng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc yêu cầu, giải quyết thủ tục hành chính liên quan.
Bên cạnh đó, việc mẫu hóa các giấy tờ, hồ sơ giúp cơ quan nhà nước dễ dàng, thuận tiện, chính xác trong quản lý nhà nước, thống kê, lưu trữ và báo cáo các công việc liên quan đến người dân, tổ chức.
Tuy nhiên, hiện tình trạng một số cơ quan, tổ chức thường xuyên thay đổi, bổ sung, chỉnh sửa và ban hành mới các biểu mẫu đã gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Thậm chí, việc luôn thay đổi biểu mẫu cũng đã gây khó khăn cho các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức trong triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình do phải cập nhật, thay đổi cách tiếp cận, giải quyết công việc.
Có thể nói, việc thường xuyên thay đổi biểu mẫu, nhất là trong các trường hợp việc chưa thật sự cần thiết hay phụ thuộc vào ý chí chủ quan, tùy tiện của những người có thẩm quyền đã gây ra xáo trộn không cần thiết, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc người dân, nguồn lực xã hội. Bởi mỗi khi có sự thay đổi về trình tự, thủ tục, nhất biểu mẫu là phải tiến hành in ấn lại biểu mẫu mới, đồng thời phải bỏ đi một số lượng lớn các biểu mẫu giấy nếu thuộc loại in sẵn, có sẵn...
Mặt khác, khi có sự thay đổi biểu mẫu là phải tập huấn, bồi dưỡng, làm lại từ đầu nên mất rất nhiều thời gian, công sức. Đặc biệt, do biểu mẫu thường xuyên thay đổi nên nhiều khi người dân, tổ chức chưa kịp thời cập nhật, nắm bắt và vẫn sử dụng biểu mẫu cũ dẫn đến sai phạm, vi phạm quy định pháp luật.
Nhiều trường hợp người dân, doanh nghiệp bị xử lý vi phạm vì đã áp dụng... sai biểu mẫu, nhưng thực ra là do họ chưa kịp cập nhật, chưa kịp tiếp cận biểu mẫu mới. Nguyên nhân là do đôi khi cơ quan chức năng ban hành, thay đổi các biểu mẫu quá nhanh hay thường gọi là... xoành xoạch, tùy tiện nên gây khó cho người thực hiện!
Vì vậy, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần hạn chế tối đa việc thay đổi các biểu mẫu, chỉ thay đổi khi thật sự cần thiết. Trường hợp thật sự cần phải có sự thay đổi các biểu mẫu thì cần phải lấy ý kiến của các đối tượng tác động có liên quan và tuân thủ nghiêm ngặt, chặt chẽ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy vậy, quan trọng nhất là hạn chế tối đa tình trạng thay đổi biểu mẫu "bất ngờ", tùy tiện dẫn đến lãng phí, tốn công sức không cần thiết và có thể dẫn đến sai phạm không đáng có.
Luật gia Phạm Văn Chung