Quảng Trị: Tuyến đê chống lũ bị xói lở nghiêm trọng, đe dọa vựa lúa hàng nghìn ha!

(Dân trí) - Sau 7 năm đưa vào sử dụng, hệ thống đê bao có nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm, bảo vệ cho hàng ngàn hecta lúa của 12 xã vùng trũng huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, đã xuất hiện tình trạng xói lở, đặc biệt đoạn đê hơn 600m qua xã Hải Hòa bị hư hỏng nặng.

Đây là tuyến đê trọng yếu, có tổng chiều dài 56 km nằm trên lưu vực sông Ô Lâu, hệ thống sông Thạch Hãn và sông Vĩnh Định, bao bọc vựa lúa hơn 4.500ha của 12 xã vùng trũng phía Đông Nam của huyện Hải Lăng.

Theo quan sát, tuyến đê bao xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng dài gần 12 km, riêng đoạn qua thôn Phú Kinh là 600m, hiện đang bị xói lở hoàn toàn, ăn sâu vào chân đê. Nếu không được khắc phục kịp thời thì nguy cơ vỡ đê rất cao, gây ngập úng gần 1.200 ha lúa của toàn xã, cũng như ảnh hưởng đến hàng ngàn hecta lúa của 12 xã ở vùng trũng huyện Hải Lăng.


Đoạn đê bị xói lở nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa khi lũ về nếu xảy ra vỡ đê.

Đoạn đê bị xói lở nặng, có nguy cơ ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa khi lũ về nếu xảy ra vỡ đê.

Tuyến đê được đưa vào sử dụng từ năm 2010, được đầu tư từ vốn khắc phục lụt bão khẩn cấp và nguồn vốn quản lí rủi ro thiên tai. Đê được kiên cố hóa với nhiệm vụ chống lũ tiểu mãn và lũ sớm tần suất 10% đảm bảo sản xuất bền vững 2 vụ.

Ông Cái Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hòa, huyện Hải Lăng cho biết: Trước thực trạng đê chống lũ bị xói lở, chính quyền và người dân địa phương đã trích kinh phí để sửa chữa, mua cọc tre gia cố đê, nhưng chân đê vẫn tiếp tục bị lấn sâu.

“Chính quyền địa phương cũng đang đề nghị cấp trên xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ nhằm khắc phục hư hỏng tuyến đê. Nếu không sửa chữa kịp, khi lụt bão đến sớm sẽ rất nguy hiểm cho hàng ngàn ha lúa ở trong vùng đê bao này”, ông Cư nói.

Người dân địa phương phải dùng cọc tre để gia cố phần đê bị hư hỏng
Người dân địa phương phải dùng cọc tre để gia cố phần đê bị hư hỏng

Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân dẫn đến việc xói lở đê là do thay đổi dòng chảy, sông ngắn nên dốc, dòng chảy xiết. Bên cạnh đó, việc bồi lấp lòng sông ngày càng nhiều khiến dòng chảy đổ về hai bên bờ sông trực tiếp gây xói lở.

Ông Lê Đa Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Trị cho hay: Cần sớm đầu tư, xây dựng dự án nạo vét toàn bộ hệ thống sông ở trong vùng, đưa dòng chảy về vị trí ban đầu ở giữa dòng để tránh sạt lở gần bờ là giải pháp lâu dài nhất để phát huy hiệu quả tối đa của hệ thống công trình 56km đê bao, góp phần cho việc tiêu thoát lũ, tiêu úng trong nội vùng.

Tuy nhiên, chân đê vẫn ngày càng bị lấn sâu vào bên trong, không đảm bảo an toàn khi lũ xảy ra
Tuy nhiên, chân đê vẫn ngày càng bị lấn sâu vào bên trong, không đảm bảo an toàn khi lũ xảy ra

Với tình trạng xói lở nghiêm trọng và tốc độ xói lở nhanh chóng tại các tuyến đê, người dân địa phương đang phải đối diện với nguy cơ cao ngập lụt gây mất mùa nếu đê không xử lí kịp thời.

Th. Phong