Bài 3:
Quản lý yếu kém, giám đốc sở… rút kinh nghiệm: Mức kỷ luật không có trong luật (?!)
(Dân trí) - Tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công đều chậm, thiếu đồng bộ, chất lượng hồ sơ, dự toán còn nhiều hạn chế sai sót, nội dung tham mưu chưa chuẩn, lựa chọn nhà thầu năng lực hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ thực hiện các dự án... là những vấn đề tồn tại khiến Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang bị yêu cầu rút kinh nghiệm.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn vừa chủ trì kiểm điểm tình hình thực hiện một số nhiệm vụ của Sở Giao thông vận tải tỉnh.
Theo đó, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công do Sở này làm chủ đầu tư nhìn chung đều chậm; quá trình thực hiện thiếu đồng bộ; chất lượng hồ sơ, công tác thẩm định dự án, thiết kế, dự toán còn nhiều hạn chế, sai sót dẫn đến phải bổ sung, làm rõ hoặc chỉnh sửa, thẩm định lại; chưa tích cực, chủ động làm việc với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan để giải quyết các vướng mắc liên quan đến chủ trương, phương án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến Quốc lộ.
Công tác bảo trì, sửa chữa đường bộ còn nhiều hạn chế, tiến độ thực hiện chậm; một số tuyến đường hư hỏng nặng nhưng chưa được tổ chức sửa chữa kịp thời (như QL31, ĐT292,...); 02 gói thầu xây lắp công trình sửa chữa định kỳ đường địa phương phải huỷ hợp đồng và tổ chức đấu thầu lại làm ảnh hưởng đến tiến độ chung, nguy cơ chậm hoàn thành và không giải ngân hết số vốn được giao theo kế hoạch.
Sở GTVT Bắc Giang triển khai thực hiện Kết luận số 213-KL/TU ngày 31/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang chưa triệt để, nhiều nội dung đã đưa vào kế hoạch khắc phục nhưng chậm triển khai thực hiện; thực hiện một số nhiệm vụ Chủ tịch UBND tỉnh giao chưa nghiêm túc; nội dung tham mưu còn sai sót; lựa chọn một số nhà thầu năng lực hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng, tiến độ thực hiện các dự án.
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã yêu cầu Giám đốc Sở Giao thông vận tải nghiêm túc rút kinh nghiệm; tập trung chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành, thực hiện và hoàn thành tốt các chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trao đổi với PV Dân trí, luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật TNHH NSX (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: “Rút kinh nghiệm theo quy định của Luật Cán bộ, công chức số 22/2008/QH12 năm 2008 không thuộc các trường hợp xử lý kỷ luật cán bộ công chức.
Đây là một cách thức cơ quan quản lý cấp trên xử lý nội bộ theo cảm tính mà chưa tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành. Rút kinh nghiệm là một kiểu quản lý rất thiếu tính pháp lý, hình thức này không phải quy phạm pháp luật.
Dường như đây là cách lách luật để biến những sai phạm dù đã luật pháp điều chỉnh phải thi hành kỷ luật thành sự việc có tính nội bộ, sai phạm lớn, nghiêm trọng thành nhỏ, sai phạm nhỏ trở thành không có”.
Luật sư Lực nhận định: “Với trường hợp Giám đốc sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang, theo đúng nội dung Kết luận số 213-KL/TU ngày 31/7/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Bắc Giang chiếu theo quy định tại khoản 1 điều 12 Nghị định số 34/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 05 năm 2011 Quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức thì phải áp dụng hình thức “Giáng chức”: Hình thức kỷ luật giáng chức áp dụng đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: 1. Không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng;
Một kết luận kiểm tra, thanh tra đã nêu ra được hành vi sai phạm, xác định được nguyên nhân chủ quan, khách quan, người vi phạm mà không kiến nghị áp dụng hình thức kỷ luật là biểu hiện của một kết luận không khách quan, né tránh.
Rút kinh nghiệm để không phải chịu trách nhiệm sẽ làm suy yếu hệ thống quản lý Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào cơ quan quản lý hành chính, giảm sút vai trò quản lý của Đảng bộ địa phương. Đây mới là hậu quả, nguy cơ lớn nhất”.
Được biết, hiện Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bắc Giang là ông Bùi Thế Sơn.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế - Ngọc Hân