Quản lý phương tiện cá nhân "thả rông" tại Hà Nội như thế nào?

Hải Hà

(Dân trí) - "Cấm phương tiện cá nhân chưa bao giờ là một giải pháp tối ưu cho bài toán giao thông của Hà Nội, khi mà chưa phát triển được hệ thống phương tiện công cộng".

Tại hội nghị lần thứ 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội ngày 4/12, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết vấn đề cốt lõi để xử lý ùn tắc giao thông hiện nay là quản lý phương tiện cá nhân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước đây thành phố xử lý vấn đề này còn "mon men", còn theo cách "nhìn dư luận".

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ "thả rông" như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông. Phải có chế tài cao hơn để giải quyết vấn đề này", ông Thường nói.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Thành phố đang "thả rông" phương tiện cá nhân

Vấn đề ùn tắc giao thông và quản lý phương tiện cá nhân được đông đảo người dân quan tâm, với nhiều quan điểm khác nhau trong đó đa số cho rằng nguyên nhân do hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, bên cạnh đó là các vấn đề khác như bãi đỗ, phương tiện giao thông công cộng...

Quản lý phương tiện cá nhân thả rông tại Hà Nội như thế nào? - 1

Hạn chế phương tiện cá nhân thế nào khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân (Ảnh: Mạnh Quân).

Gửi bình luận về báo Dân trí, độc giả QueHanoi cho rằng cách dùng từ "thả rông" phương tiện cá nhân ở đây là không phù hợp bởi mỗi một phương tiện lưu thông là do một con người ngồi điều khiển. Họ không đi chơi hay dạo phố vào giờ cao điểm, ai cũng biết việc của họ là làm sao né được tắc đường? Có điều là mật độ quá đông lại lưu thông trên một không gian quá hẹp, làm sao để giãn được mật độ này mới là vấn đề.

Chung quan điểm, độc giả Đức Khôi nhắc đến vấn đề mật độ dân số và bài toán giãn dân: "Giảm phương tiện cá nhân thì phải giảm dân số trong thành phố xuống. Mật độ dân số đông thì sao mà phương tiện cá nhân giảm được?. Vì vậy bài toán giãn dân ra ngoại thành bằng cách chuyển các bệnh viện, trường đại học ra khỏi nội đô là việc cần làm".

Độc giả Tú Nguyễn Mạnh chỉ ra một thực trạng bất cập hiện nay là xe hợp đồng trá hình chở khách quá nhiều, giờ cao điểm xe limousin vào phố đón trả khách bừa bãi đè nặng lên giao thông thành phố.

"Nhiều nhà xe có hộp đen thiết bị theo dõi nhưng phạm luật hàng ngày hàng giờ mà không bị tước giấy phép kinh doanh, vẫn thả đón khách tự do gây mất an toàn và tắc nghẽn giao thông", độc giả Trần Đức đồng quan điểm.

Độc giả Tuệ Minh cho rằng thiếu bãi đỗ xe mới là vấn đề mà ngành giao thông cần quan tâm xử lý, bởi không có chỗ đỗ nên ô tô đỗ tràn lan ra đường gây ách tắc giao thông. Độc giả này viết: "Những năm gần đây, tình trạng thiếu bãi đỗ xe đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực của rất nhiều người dân tại Hà Nội. Không chỉ ở các tuyến phố cũ, việc các dự án quy hoạch bãi đỗ xe tại những khu chung cư, đô thị mới xây dựng cũng đang đình trệ, mới đáp ứng chỗ đỗ cho khoảng 10% tổng nhu cầu đỗ xe của người dân.

Thử quan sát ở những nút tắc vào giờ cao điểm, nguyên nhân chính là do ô tô đỗ tràn lan dưới lòng đường cản trở các phương tiện khác lưu thông. Thậm chí, nhiều tài xế vô ý thức còn đỗ ngay góc cua, đỗ tràn lan thành hàng 2 hàng 3 dưới lòng đường - điển hình là ở đường Nguyễn Xiển đoạn qua chung cư Kim Văn Kim Lũ bao năm nay nhưng có được xử lý không?".

Cấm xe máy và hạn chế ô tô vào nội đô là ý kiến của độc giả haiphongly: "Chúng ta phải cấm xe máy và hạn chế ôtô vào nội đô càng sớm càng tốt vì nó gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực, dựa trên sự tiện lợi của các phương tiện cá nhân. Việc đi xe máy đúng là quá tiện dụng, dễ dàng luồn lách vào từng con hẻm nhỏ, nhưng đã tới lúc chúng ta cần nhìn vào cái giá phải trả cho việc quá tải xe máy. Hiện chúng ta chưa quản lý được xe máy qua mã số định danh nên việc mua bán không sang tên đổi chủ khiến người dân vi phạm giao thông tràn lan như vượt đèn đỏ, phóng nhanh vượt ẩu, gây tai nạn...".

Tuy nhiên, hạn chế phương tiện cá nhân thế nào khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân là băn khoăn của anh Duy Hiệp: "Hạn chế phương tiện cá nhân thì mọi người di chuyển các nào trong khi phương tiện công cộng thì không đúng giờ, chậm chạp, chật chội, tuyến di chuyển còn hạn chế. Rồi kinh tế sẽ ảnh hưởng ra sao khi cuộc sống và sản xuất của người dân bị đình trệ bởi phương tiện công cộng không đảm bảo. Chưa kể đến văn hóa chiếm dụng vỉa hè khiến cho việc đi bộ là cả một cuộc thi vượt chướng ngại vật.

Nếu muốn giảm xe cá nhân thì trước hết phải bàn chuyện phát triển hệ thống giao thông công cộng rồi hãy mở lời kêu gọi người dân thay đổi thói quen di chuyển. Các nước phát triển ít xe cá nhân là do hệ thống phương tiện công cộng của người ta phát triển trước, rồi mới kéo theo sự suy giảm của lượng xe cá nhân".

Độc giả Anh Hung chia sẻ bài học kinh nghiệm hạn chế xe cá nhân của Trung Quốc: "Một số thành phố của Trung Quốc thông báo cấm xe máy đi trong thành phố và chỉ 5 năm sau họ đã làm được vậy, bằng cách ra thông báo cho toàn dân thành phố biết mặt có lợi và hại khi dùng xe máy. Tiếp theo họ bỏ tiền ra mua lại toàn bộ lượng xe đã đăng ký trong thành phố và có nhiều chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện tham gia giao thông như hỗ trợ lãi xuất, giảm giá vé công cộng trong 5 năm đầu, các phương tiện giao thông công cộng phải đảm bảo cực kỳ thuận tiện, đa loại hình như tàu điện trên cao, tàu điện ngầm dày đặc. Với Hà Nội, nếu chưa giải được bài toán về giao thông công cộng thì đừng nghĩ gì đến cấm xe cá nhân".