1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Thành phố đang "thả rông" phương tiện cá nhân

Bạch Huy Thanh

(Dân trí) - Nhận định trước đây thành phố xử lý vấn đề quản lý phương tiện cá nhân còn "mon men", còn theo cách "nhìn dư luận", Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng đã đến lúc phải đối diện với vấn đề này.

Ngày 4/12, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội tiến hành hội nghị lần thứ 20 để xem xét, quán triệt nhiều nội dung quan trọng.

Phát biểu thảo luận tại tổ, ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mới đây và cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội hôm qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đều nhắc đến hai nội dung là ô nhiễm môi trường và ùn tắc giao thông.

Về vấn đề ùn tắc giao thông, ông Thường cho hay, Sở GTVT đã có báo cáo chuyên đề hồi tháng 6, lãnh đạo UBND TP Hà Nội sẽ nghe báo cáo vấn đề này trong ngày 5/12.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Thành phố đang thả rông phương tiện cá nhân - 1

Ông Nguyễn Phi Thường, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội phát biểu thảo luận tổ ngày 4/12 (Ảnh: CTV).

Theo ông Thường, quan điểm tham mưu của Sở GTVT là nâng cấp vấn đề này thành một đề án mang tính quy mô để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy và Thành ủy; kèm theo đó là các chương trình mục tiêu, các dự án.

Đặc biệt, theo ông Thường, vấn đề cốt lõi để xử lý ùn tắc giao thông hiện nay là quản lý phương tiện cá nhân.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, trước đây thành phố xử lý vấn đề này còn "mon men", còn theo cách "nhìn dư luận".

"Tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta phải đối diện với vấn đề này. Mỗi năm thành phố tăng hàng trăm nghìn phương tiện giao thông, chúng ta cứ "thả rông" như thế này thì không thể nào xử lý được ùn tắc giao thông. Phải có chế tài cao hơn để giải quyết vấn đề này", ông Thường nói.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường liên quan đến ngành GTVT, ông Thường cho rằng, với phát thải của các phương tiện giao thông, Hà Nội đã đi đầu thực hiện Đề án 876 (Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải), đã trình HĐND thông qua và UBND thành phố phê duyệt

"Chúng ta có đề án rồi nhưng để thực hiện được thì phải sửa một loạt các vấn đề liên quan đến quy phạm pháp luật để đi vào cuộc sống. Sở GTVT đã có tờ trình về vấn đề này", ông Thường nói.

Về vấn đề phát thải của phương tiện cá nhân, đặc biệt là lượng xe máy, ông Thường nhận định "đây mới là vấn đề lớn".

"Ô nhiễm phần nhiều là ở đây, khoảng 50-60%. Chúng ta muốn làm thì thành phố phải có chương trình rất lớn để thực hiện. Bắc Kinh (Trung Quốc) họ làm trong 8-10 năm với nguồn lực, phân công phân nhiệm và kế hoạch rất rõ. Kèm theo đó là các dự án, chương trình; kể cả chế tài, biện pháp hành chính, kinh tế và các câu chuyện khác", ông Thường cho biết.

Liên quan đến đề án giao thông thông minh, theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, nếu không phê duyệt chủ trương đầu tư thì sẽ không được ghi vốn và triển khai trong năm 2025. Ông Thường mong lãnh đạo UBND thành phố quan tâm, gỡ khó về vấn đề này.

Về đầu tư công 2025, trong đó có ba cầu vượt sông Hồng gồm Tứ Liên, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, ông Thường cho hay, đây là chủ trương rất lớn và thực hiện bằng vốn đầu tư công.

"Riêng ba cầu này đã khoảng 50 nghìn tỷ đồng, chưa kể tuyến đường sắt đô thị Văn Cao - Hòa Lạc cũng gần 50 tỷ đồng nữa", ông Thường nói và cho rằng cần cân đối nguồn vốn để thực hiện.

Đồng thời, ông Thường cho rằng cần cập nhật điều hành chỉ đạo những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư công mà Quốc hội mới thông qua.

Ông Thường cũng đề nghị xem xét lại về chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng trong dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVIII.

Theo số liệu của Sở GTVT Hà Nội, tổng số phương tiện quản lý tính đến tháng 4/2024 gồm hơn 8 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó hơn 1,1 triệu ô tô và hơn 6,9 triệu mô tô.

Đặc biệt, số lượng xe máy đã sử dụng trên 10 năm chiếm 72,58%.