Hà Nội:

Quận Ba Đình sẽ cưỡng chế 5 hộ dân tại phường Liễu Giai

(Dân trí)- Ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, cơ quan này sẽ tiến hành cưỡng chế 5 hộ dân tại cụm 3, phường Liễu Giai vào ngày 28/9 vì các hộ dân này không tự giác bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật.

Quận Ba Đình sẽ cưỡng chế 5 hộ dân tại phường Liễu Giai - 1
Ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch quận Ba Đình (người mặc áo trắng)
phát biểu tại cuộc họp với các cơ quan báo chí về việc di dời,
GPMB các hộ dân tại cụm 3, phường Liễu Giai. (Ảnh: Vũ Văn Tiến)
 
Ngày 22/9, trao đổi với PV Dân trí, ông Đỗ Viết Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết, các cơ quan chức năng quận Ba Đình đang lên kế hoạch cưỡng chế các hộ dân tại cụm 3, phường Liễu Giai để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư thực hiện dự án đã được nhà nước phê duyệt.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 25/6/1998, UBND TP. Hà Nội có quyết định số 2530/QĐ-UB thu hồi 5611m2 đất tại cụm 9, phường Ngọc Hà (nay là cụm 3, phường Liễu Giai), quận Ba Đình giao cho Công ty du lịch Công đoàn Việt Nam (nay là Công ty TNHH một thành viên Du lịch Công đoàn Việt Nam) xây dựng nhà bán theo chức năng được thành phố cho phép.

Ngày 22/7/2008, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam có văn bản số 1252/TLĐ chỉ đạo công ty Du lịch Công đoàn Việt Nam dành khu A để xây dựng nhà công vụ làm chỗ ở cho các đồng chí lãnh đạo Tổng liên đoàn trong thời gian công tác tại Hà Nội.

Hội đồng giải phóng mặt bằng (GPMB) quận Ba Đình căn cứ hồ sơ quản lý đất đai tại địa bàn phường, kết quả điều tra hiện trạng và các chính sách hiện hành xây dựng phương án đền bù GPMB và tái định cư trình hội đồng thẩm định Thành phố. Trong 5611m2 với 34 hộ có: 3010m2 đất nông nghiệp được HTX giao cho xã viên canh tác; 1995m2 đất công được HTX mượn cho các xã viên canh tác; 606m2 đất có nhà cấp 4 do 9 hộ dân đang sinh sống ổn định.

Năm 2000, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định phê duyệt phương án đền bù GPMB và tái định cư cho dự án. Năm 2004, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định điều chỉnh phương án, vận dụng chính sách để có lợi cho dân. Phương án bồi thường mới đã xây dựng cao hơn Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ về việc đền bù thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Ngoài ra, chủ đầu tư còn hỗ trợ thêm ngoài chính sách các khoản sau: Đất nông nghiệp giá bồi thường từ 419.000đ/m2 tăng lên 1.000.000đ/m2 (tăng hơn 2 lần); Đất mượn giá bồi thường từ 25.000đ/m2 lên 1.000.000đ/m2 (tăng hơn 40 lần); Có 7 hộ được tái định cư bằng nền đất tại dự án, chủ đầu tư hỗ trợ thêm 70% tiền sử dụng đất; Hai hộ không bị thu hồi hết đất, theo chính sách chỉ được bồi thường nhưng chủ đầu tư cũng bố trí thêm đất tái định cư.

Quá trình chỉ đạo GPMB từ năm 1998 đến nay, chủ đầu tư liên tục bám sát chỉ đạo của UBND TP. Hà Nội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, các cấp chính quyền, cơ quan thanh tra các cấp, trải qua hàng trăm cuộc họp, đến nay công tác GPMB đã cơ bản hoàn thành. Chủ đầu tư đã tiến hành thi công một số hạng mục của dự án theo giấy phép xây dựng đã được cấp.

Ngoài ra, công tác giải quyết khiếu nại liên quan đến dự án trên đã được các cơ quan chức năng nhiều cấp xem xét giải quyết thấu tình, đạt lý. Ngày 12/10/2006, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 1632/TTg-VII phê chuẩn kết quả kiểm tra, giải quyết khiếu nại của Thanh tra Chính phủ xung quanh dự án trên.

Hiện nay, còn 5 hộ dân trong diện được tái định cư nằm trên vị trí đường quy hoạch phải bàn giao mặt bằng, nhận đất tái định cư. Mặc dù đã được các cấp chính quyền tuyên truyền, giải thích, vận động nhưng đến nay các hộ dân trên vẫn chưa tự giác bàn giao mặt bằng. Thực hiện chỉ đạo của UBND quận Ba Đình, ngày 29/8/2011, Ban bồi thường GPMB quận đã có công văn số 200/CV-BBT trả lời một số kiến nghị của các hộ dân.

Vào ngày 28/9 tới đây, UBND quận Ba Đình sẽ tiến hành cưỡng chế các hộ dân không chấp hành chính sách pháp luật của nhà nước để bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư dự án trên.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Vũ Văn Tiến