Phú Yên: Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp tận thu khoáng sản trái phép

Trung Thi

(Dân trí) - Chính quyền huyện Tuy An đã thiếu quản lý việc "cải tạo đất" để người dân vận chuyển đất trái phép đi san lấp mặt bằng cho một dự án đô thị ở huyện này.

Phú Yên: Chính quyền thiếu quản lý để doanh nghiệp tận thu khoáng sản trái

Sử dụng khoáng sản trái phép để san lấp mặt bằng

Dự án đã sử dụng đất đá khai thác trái phép để phục vụ san lấp mặt bằng là Khu đô thị Ánh Dương. Dự án trên được UBND tỉnh Phú Yên chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 3/2019 trên diện tích 11,5 hecta tại khu phố Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh (H. Tuy An) với chủ đầu tư là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng My Hoàng Dương và Công ty TNHH MTV Tân Hưng Long.

Phú Yên: Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp tận thu khoáng sản trái phép - 1

Chủ đầu tư dự án Khu đô thị Ánh Dương sử dụng đất đá trái phép để san lấp mặt bằng

Mặt dù đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chủ đầu tư vẫn chưa tìm được mỏ đất để san lấp mặt bằng. Do vậy, lợi dụng việc "cải tạo đất" của một số hộ dân ở huyện Tuy An, chủ đầu tư đã "bật đèn xanh" để các hộ dân vận chuyển đất, đá trái phép đổ vào khu vực dự án của mình.

Theo quyết định xử phạt của Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Phú Yên, tổng số lượng đất đá trái phép mà dự án trên đã sử dụng để san lấp mặt bằng là hơn 40.000m3. Vì vậy Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Phú Yên đã quyết định xử phạt hành chính 80 triệu đồng đối với chủ đầu tư dự án trên.

Biện pháp xử phạt bổ sung buộc phải cải tạo, phục hồi môi trường, đưa khu vực đã khai thác đất về trạng thái an toàn.

Yêu cầu của thanh tra là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại khu vực của dự án, đất, đá vẫn tiếp tục được đổ thêm. Khối lượng đất, đá ước hàng nghìn mét khối.

Phú Yên: Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp tận thu khoáng sản trái phép - 2

Sau quyết định xử phạt, nhiều đất đá vừa mới được khai thác tiếp tục được đổ vào dự án này

Trao đổi với phóng viên, ông Tống Kim Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng My Hoàng Dương thừa nhận có sự việc trên và cho biết sẽ chấn chỉnh trong thời gian đến.

"Sau khi có chấp thuận chủ trương đầu tư, công ty đã tiến hành nhiều bước xin cấp mỏ đất để thực hiện san lấp mặt bằng, tuy nhiên qua hơn 1 năm vẫn chưa xong. Vì vậy, thời gian gần đây có một số hộ dân họ cải tạo đất của hộ gia đình nhưng không có mặt bằng để đổ nên mang đến công trường. Do công trường cũng cần nên cho phép họ đổ. Trong thời gian đến chúng tôi sẽ chấn chỉnh không nhận đất đá nữa." - ông Hưng cho biết.

Buông lỏng quản lý khoáng sản

Thực trạng lấy danh nghĩa "cải tạo đất" để khai thác trái phép khoáng sản như đất đá…đã tồn tại ở huyện này trong nhiều năm gần đây nhưng chưa được quản lý đúng mức, để vấn đề này ngày một nghiêm trọng hơn.

"Khi cải tạo đất các hộ dân chỉ được làm cho đất bằng phẳng hoặc thay lớp đất cũ bằng một lớp đất mới để phục vụ việc trồng trọt sản xuất. Đất dư thừa phải để lại nguyên trạng ở nơi xin cải tạo không được vận chuyển đi nơi khác" - ông Vinh nói về quy định trong việc cấp phép cải tạo đất.

Phú Yên: Buông lỏng quản lý để doanh nghiệp tận thu khoáng sản trái phép - 3

Dù không còn việc cấp phép "cải tạo đất" tuy nhiên vào tháng 2/2021 một số hộ dân vẫn ngang nhiên khai thác đất đá

Cũng theo ông Vinh, từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng TN&MT huyện Tuy An không tham mưu cho UBND huyện Tuy An cấp phép cho các hộ dân cải tạo mặt bằng.

Tuy nhiên, qua quan sát tại địa bàn huyện Tuy An, phóng viên vẫn còn thấy việc người dân tự ý cải tạo đất sản xuất, sau đó vận chuyển đến đổ vào dự án Khu đô thị Ánh Dương mà ông Tống Kim Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng My Hoàng Dương (chủ đầu tư dự án) đã thừa nhận ở trên.

Từ đó cho thấy chính quyền địa phương và ngành chức năng đã thiếu việc quản lý, kiểm tra, giám sát. Sự việc chỉ được phát hiện, xử lý khi người dân và các cơ quan báo chí phản ánh cho ngành chức năng của tỉnh Phú Yên.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuy An thừa nhận có việc người dân mượn danh "cải tạo đất" hoặc cố tình khai thác đất đá vật liệu xây dựng thông thường để đổ vào khu đô thị Ánh Dương.

"Để xảy ra việc này có trách nhiệm của địa phương là thiếu kiểm tra. Đối với Phòng TN&MT là chưa thường xuyên giám sát việc quản lý đất đai thời gian qua. Sau khi các cơ quan báo chí phản ánh, cán bộ chuyên môn phối hợp với UBND thị trấn Chí Thạnh kiểm tra và nhận thấy việc đổ đất, đá vào khu đô thị Ánh Dương đến ngày 25/2 đã dừng hẳn." - ông Vinh nói.

Thực trạng không có hoặc quá chậm cấp phép mỏ đất, cát phục vụ việc san lấp mặt bằng là "điểm nghẽn" trong đầu tư xây dựng ở tỉnh Phú Yên nhiều năm qua. Điều này dẫn đến các doanh nghiệp phải tìm đủ mọi cách để có vật liệu san lấp mặt bằng từ đó gây thất thoát tài nguyên và ngân sách.

Qua sự việc trên cho thấy, ngoài việc xử lý nghiêm vi phạm, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần xem xét, cấp phép các mỏ khoáng sản phù hợp với quy hoạch. Điều này nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi, đảm bảo tính pháp lý để thu hút, mời gọi nhà đầu tư.