Chuyên mục 3 phút cùng luật sư:
Những "thần y" chữa bệnh bằng cách lạ có được pháp luật công nhận?
(Dân trí) - Hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm "thần y". Nếu chưa được cấp chứng chỉ hành nghề và dùng cách chữa bệnh lạ chưa được kiểm định thì những "thần y" này đang vi phạm pháp luật.
Việc xuất hiện một số người chữa bệnh bằng những phương pháp lạ mà người dân thường gọi là "thần y" không phải quá xa lạ ở Việt Nam. Vậy nhưng, dạo gần đây có vẻ các "thần y" hoạt động mạnh mẽ và xuất hiện với tần suất khá dày đặc trên nhiều nền tảng mạng xã hội, khiến không ít người phải đặt ra nghi vấn về tính xác thực của việc này.
Dưới góc nhìn pháp luật, những "thần y" cùng các phương pháp chữa bệnh hết sức kỳ lạ này liệu có được pháp luật công nhận và cho phép?
Thưa luật sư, pháp luật Việt Nam có công nhận và cho phép các "thần y" chữa bệnh bằng phương pháp lạ không?
L.s Võ Trung Tín: Thời gian gần đây thuật ngữ "Thần y" đang bị lạm dụng một cách thái quá nhằm mục đích tâng bốc bản thân hoặc quảng cáo sai sự thật. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam không có khái niệm này.
Đối với các phương pháp "lạ" chữa bệnh của các "thần y" này, thường là các phương pháp không chính thống, chưa qua một quy trình đánh giá kiểm định của bất cứ cơ quan chuyên môn nào trong hoặc ngoài nước. Nhiều phương pháp chữa bệnh thậm chí mang tính chất tâm linh, mê tín dị đoan. Không chỉ vậy, các "thần y" còn rao bán các loại thuốc chữa bệnh không rõ nguồn gốc, thành phần và chưa được phép lưu hành... tràn lan trên mạng xã hội.
Đây là các hành vi bị cấm theo khoản 6 và 8 Điều 6 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009. Cụ thể là áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh. Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh.
Hành vi khám chữa bệnh theo những phương pháp này có bị xem là vi phạm pháp luật không thưa luật sư? Nếu có thì hình thức xử phạt cụ thể như thế nào?
L.s Võ Trung Tín: Căn cứ Điều 3 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 9 năm 2020 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Tại khoản 1 Điều 3 quy định người vi phạm trong lĩnh vực khám chữa bệnh sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bao gồm Hình thức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền
Căn cứ điểm a; b; c khoản 2 Điều 3: Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng ;Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 24 tháng.
Ngoài ra, căn cứ khoản 3 Điều 3: người vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Cụ thể, tại khoản 4 Điều 41 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định với hành vi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hoặc thuốc không bảo đảm chất lượng hoặc thuốc chưa được cấp giấy phép nhập khẩu hoặc thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn 1 - 3 tháng (Khoản 5 Điều 41) và buộc chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh (Khoản 6 Điều 41).
Điểm g khoản 5 Điều 38 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định với hành vi sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng (Khoản 8 Điều 38).
Người tìm đến các "thần y" khám chữa bệnh nhưng chẳng may xảy ra tình huống nguy hại đến sức khỏe hoặc tính mạng thì có được quyền khởi kiện và đòi bồi thường không thưa luật sư?
L.s Võ Trung Tín: Việc sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh "thần y" tiềm ẩn nhiều nguy cơ và mang nhiều yếu tố bất lợi cho người sử dụng. Khi những cơ sở cung cấp dịch vụ này thường không đáp ứng đầy đủ các yêu cầu luật định của một cơ sở khám chữa bệnh như: Người hành nghề khám chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề. Sử dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh. Một khi có thiệt hại về sức khỏe và tính mạng xảy ra, người thiệt thòi nhiều nhất là người bệnh tại cơ sở này.
Dịch vụ khám chữa bệnh là một hợp đồng dân sự và chịu sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự 2015, một khi có thiệt hại xảy ra người bệnh (Người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh) có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình căn Điều 186 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
Căn cứ xác định bồi thường thiệt hại bao gồm bốn căn cứ: có thiệt hại thực tế phát sinh, có hành vi vi phạm nghĩa vụ, có lỗi, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm nghĩa vụ với thiệt hại thực tế.
Tuy nhiên, người yêu cầu bồi thường thiệt hại có trách nhiệm phải chứng minh thiệt hại thực tế xảy ra trong quá trình khám chữa bệnh tại cơ sở chữa bệnh. hành vi vi phạm nghĩa vụ của người hành nghề khám chữa bệnh. Thiệt hại xảy ra do hành vi vi phạm của người hành nghề khám chữa bệnh tại cơ sở đó.
Ở góc độ cá nhân, luật sư nghĩ sao về cách chữa bệnh này?
L.s Võ Trung Tín: Trước tình hình gia tăng về số lượng, các hình thức tổ chức khám chữa bệnh và việc nổi lên của một số "thần y" tràn lan hiện nay không chỉ ám ảnh mà còn là mối nguy hại lớn cho người dân. Nạn "thần y" giả, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc đang làm xã hội, dư luận vô cùng phẫn nộ.
Dẫu biết những người tỉnh táo, được tiếp xúc những nguồn tin chính thống sẽ không bao giờ tin vào những quảng cáo bán thuốc online từ những trang mạng xã hội, những kênh "truyền thông bẩn" không thể kiểm chứng như thế này, tuy nhiên số người tin tưởng mua, sử dụng thuốc từ "thần y" giả cũng không phải ít.
Chính vì thế, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý kết hợp thanh tra, kiểm tra kiên quyết thực thi chế tài xử lý vi phạm, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương trong khám, chữa bệnh, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của cơ sở y tế, người hành nghề y, dược và người dân.
Bên cạnh những giải pháp đã nêu, ngành Y tế nên thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các cơ sở hành nghề y, dược có vi phạm pháp luật về y tế, tính chất, mức độ vi phạm, hình thức xử phạt để nhân dân biết nhằm tăng tính răn đe và phòng ngừa tái phạm.
Đồng thời, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp quyết liệt, rà soát các trang mạng xã hội, các ứng dụng giải trí, kịp thời ngăn chặn, tháo gỡ các quảng cáo lừa đảo như trên để người dân được tiếp cận những thông tin sạch.