Chuyên mục 3 phút cùng luật sư
Tử vong khi tiêm vắc xin Covid-19, sẽ được đền bù thế nào?
(Dân trí) - Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại nếu không may xảy ra các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm vắc xin.
Việc có những phản ứng tiêu cực, thậm chí là tử vong sau khi tiêm vắc xin tuy là điều hy hữu nhưng vẫn có thể xảy ra. Đặc biệt là gần đây, có một số trường hợp tử vong sau khi tiêm vắc xin Covid 19 đã khiến nhiều người lo lắng.
Dưới góc độ pháp lý, việc tử vong sau khi tiêm vắc xin sẽ được nhìn nhận thế nào? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm trong việc này? Mời bạn đọc gặp gỡ luật sư Nguyễn Đức Hoàng, đến từ văn phòng luật Phan law Vietnam để nghe giải đáp.
Thưa luật sư, pháp luật Việt Nam hiện nay đã có quy định gì về việc tiêm vắc xin? Nếu sau khi tiêm vắc xin có những phản ứng tiêu cực, hoặc thậm chí tử vong, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã ban hành Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng, cụ thể Nghị định này quy định về an toàn tiêm chủng, bồi thường khi sử dụng vắc xin và Thông tư 34/2018/TT-BYT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP quy định về hoạt động tiêm chủng.
Nếu sau khi tiêm vắc xin có những phản ứng tiêu cực, hoặc thậm chí tử vong, trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế có trách nhiệm tổ chức việc điều tra và trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận báo cáo điều tra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, Sở Y tế phải tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến sau tiêm chủng trên địa bàn, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế có liên quan đến tai biến nặng sau tiêm chủng (khoản 1 Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP).
Nếu có một đối tượng hoặc cơ quan nào đó chịu trách nhiệm trong sự việc này, trách nhiệm đó cụ thể thế nào theo quy định pháp luật thưa luật sư?
L.s Nguyễn Đức Hoàng: Khi sử dụng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng chống dịch, nếu xảy ra tai biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe hoặc gây thiệt hại đến tính mạng của người được tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trường hợp xác định được lỗi thuộc về tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, bảo quản vắc xin, sinh phẩm y tế hoặc người làm công tác tiêm chủng thì tổ chức, cá nhân này phải bồi hoàn cho Nhà nước theo quy định của pháp luật (khoản 6 Điều 30 Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007).
Lưu ý, khoản 2 Điều 15 Nghị định 104/2016/NĐ-CP quy định các trường hợp được Nhà nước bồi thường bao gồm:
- a) Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật;
- b) Người được tiêm chủng bị tử vong.