Những rủi ro khi mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền
(Dân trí) - Theo luật sư, mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền là lựa chọn sai lầm có thể khiến tiền mất, tật mang và quyền lợi của bên nhận ủy quyền không được đảm bảo.
Nếu bạn đã sẵn sàng bỏ ra một số tiền lớn để mua nhà thì bạn cần được đảm bảo tối đa quyền lợi của mình theo đúng quy định pháp luật là lập Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất chứ không phải chịu rủi ro khi sử dụng hợp đồng ủy quyền hoặc lập vi bằng.
Những rủi ro khi mua bán nhà bằng hợp đồng ủy quyền
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đặc trưng của hợp đồng mua bán nhà đất thể hiện ở quá trình chuyển giao và nó sẽ "đứt đoạn" quyền và nghĩa vụ của 2 bên khi 1 bên nhận nhà - 1 bên giao tiền và hoàn thiện các thủ tục pháp lý để đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Hiểu đơn giản ủy quyền là việc bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền.
Hợp đồng này có thể kéo dài trong 1 thời gian nhất định hoặc có thể kéo dài vĩnh viễn nhưng nó vẫn có giới hạn là không thể đứt đoạn quyền và nghĩa vụ giữa 2 bên được. Do đó, quyền lợi của người mua nhà vẫn phải gắn với quyền lợi của người bán.
Dù hợp đồng ủy quyền không hủy ngang nhưng pháp luật vẫn quy định các trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng theo Điều 422 Bộ luật dân sự 2015.
Ví dụ: Theo Khoản 3 Điều 422 Bộ luật dân sự 2015 về chấm dứt hợp đồng, người ủy quyền chết hoặc mất tích thì đương nhiên hợp đồng ủy quyền sẽ chấm dứt hiệu lực. Có thể nói, mua bán bằng hợp đồng ủy quyền là bên nhận ủy quyền bỏ tiền ra là rất nhiều nhưng giấy tờ lại do người khác (bên ủy quyền) nắm giữ.
Hiện nay cơ quan thuế tính thuế trên hợp đồng ủy quyền ngang với hợp đồng mua bán.
Việc hủy hợp đồng cũng mất rất nhiều thời gian, công sức.
Theo luật sư Lực, nếu không có những yếu tố quá đặc biệt thì không nên chấp nhận rủi ro để lập hợp đồng mua bán nhà đất nhưng thực chất lại được che dấu dưới dạng hợp đồng ủy quyền. Mua nhà bằng hợp đồng ủy quyền là lựa chọn sai lầm có thể khiến tiền mất, tật mang và quyền lợi của bên nhận ủy quyền không được đảm bảo.
Nếu bạn đang có trong tay hợp đồng ủy quyền, dù là ký kết với người thân thích như bố mẹ, anh em họ hàng,... thì cũng nên chấm dứt để tự đảm bảo tài sản của chính mình. Bởi nếu các bạn không chủ động đảm bảo tài sản của mình trước tiên thì không ai có thể làm thay các bạn được.