Hà Nội:
Những nỗi đau của người dân Từ Liêm quanh câu chuyện sổ đỏ
(Dân trí) - Đọc bài “Người dân Từ Liêm “mỏi mòn” chờ sổ đỏ” đăng trên Dân trí ngày 4/8/2011, những người dân sống ở đây “bừng tỉnh” không phải vì họ ngủ quên mà vì họ đã quá chán nản bao năm nay vì sự chậm trễ trong việc làm sổ đỏ cho người dân nơi đây.
Câu chuyện của nhà số 87: Ông Nguyễn Gia Cường nguyên là Giám đốc Nông trường Việt Mông, nguyên Huyện ủy viên 2 khóa Huyện ủy Ba Vì, Hà Tây (cũ) trong thời gian công tác tại Nông trường ông đã là một vị lãnh đạo năng nổ điều hành anh em cán bộ sản xuất trên một vùng đất rừng núi hàng trăm ha, bảo vệ đất nông trường, đôn đáo lo thủ tục để anh em nông trường có được nơi ăn, chốn ở gắn bó với nông trường lâu dài.
Sau nhiều năm công tác, năm 1984 vợ chồng ông gom góp mua được mảnh đất 200 m2 ở thị trấn cầu Diễn, huyện Từ Liêm. Đất mua có đủ giấy tờ xác nhận ô thửa, có trích lục bản đồ do UBND thị trấn chứng nhận không tranh chấp. Khi về hưu ông về sống với vợ con trên mảnh đất này với mong muốn làm một căn nhà tử tế khang trang cho vợ con, vậy mà bao năm lận đận lo thủ tục làm sổ đỏ không được nên cũng chẳng xin được giấy phép xây dựng đành ở tạm trong mấy gian nhà cấp 4 ẩm thấp, chật chội.
Ngày 19/7/2003, ông Cường và 19 gia đình ở tổ 14 thị trấn Cầu Diễn được UBND thị trấn mời lên họp thông báo thu hồi 27. 520 m2 đất, trong đó 3.000 m2 đất là của 19 hộ dân trong đó có gia đình ông, lý do được giải thích là 3000 m2 đất của 19 hộ là đất của Công ty Giống gia súc. Mọi gia đình đều ngỡ ngàng về sự vô lý này. Việc UBND thị trấn thu hồi đất hợp pháp của dân có đầy đủ giấy tờ để giao cho Công ty cổ phần xây dựng Ba Đình xây nhà ở để bán và việc công ty này thuê kiến trúc sư vẽ lấn 3.000 m2 đất của 19 hộ dân một cách không minh bạch đã làm mọi người bất bình.
Suốt từ năm 2003 ông Cường và bà con tổ 14 thi trấn Cầu Diễn đã phải làm nhiều đơn từ kiến nghị, tìm tới các cơ quan pháp luật, các chuyên gia tư vấn nhờ giúp đỡ nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình nhưng không đạt kết quả.
Không những vậy, gia đình ông Cường và bà con ở đây còn thường xuyên chịu áp lực của Công ty xây dựng và cả chính quyền địa phương trong nhiều năm. Không ít lần những thanh niên được cử đến với công cụ cuốc, xẻng, dao thước trong tay đòi nhảy qua tường rào, đòi vào cắm mốc “đất thu hồi”. Ông Cường đã phải đối chất, ngăn cản, đưa giấy tờ hợp pháp ra để thuyết phục họ “dừng tay”.
Nhiều năm tiếp theo các gia đình sống trong tình trạng căng thẳng về tinh thần và môi trường sống bị ô nhiếm trầm trọng, ô tô chở bê tông gạch đất của đại công trường xây dựng quần đảo ngày lẫn đêm, nước úng ngập trong nhà ngoài sân, nhà bị nứt tường rào đổ...
Ông Cường lại phải cùng bà con đấu tranh với công trường để bảo vệ môi trường sống… Nỗi buồn đau, uất ức về sự bất công và môi trường sống tồi tệ đã làm sức khỏe của ông suy kiệt, bệnh tật.
Câu chuyện của nhà số 71: Trong ngôi nhà mái thấp cách nhà ông Cường vài số nhà là nhà ông Vũ Văn Bân và bà Nguyễn Bích Vân. Ông Bân nguyên là Đại tá, chuyên viên của Bộ Công an đã nghỉ hưu từ năm 2004, nay ông đã 76 tuổi. Gia đình ông cũng nằm trong số các gia đình “mỏi mòn chờ sổ đỏ”.
Ông Bân cũng là người bạn già, người đồng chí đồng hành cùng ông Cường trên con đường tìm công lý cho bà con xóm này. Ông là người đã yêu cầu cho bà con được xem, được đọc hoặc nhận bản phô tô quyết định thu hồi đất của UBND TP. Hà Nội trong cuộc họp tháng 7 năm 2003... nhưng từng ấy năm qua đi ông và mọi người vẫn không ai được thấy bản quyết định đó.
Vài năm trước với vị trí công tác của mình, ông đã từng gặp nhiều người, có người là bạn bè, là đồng nghiệp để trao đổi, nhờ giúp đỡ về việc của bà con tổ 14. Ông và ông Cường đã bị Chi bộ Đảng địa phương phê bình “tại sao ký vào đơn Kiến nghị của 19 hộ dân và gửi khắp nơi”. Ông mua diện tích đất ở hiện nay ở đây từ năm 1976 với giấy tờ xã xác nhận không tranh chấp và đóng thuế đều đặn hàng năm. Đất của gia đình ông mua những năm trước càng không liên hệ gì đến đất của Công ty giống mà ông mua của bà Sơn, công nhân Nhà máy ướp lạnh được nhà máy cấp cho từ những năm 1970.
Những năm gần đây, sức khỏe của ông cũng sa sút nhiều. Nhà cửa không xây dựng được cao ráo nên càng ảnh hưởng nhiều hơn. Vài lần do bức xúc về chuyện này ông đã bị tai biến và mấy lần phải cấp cứu. Bây giờ người vợ già hiền hậu của ông luôn phải chăm lo, nhắc nhở ông gạt bỏ không nghĩ đến chuyện sổ đỏ ấy nữa. Ông đành buông xuôi: “Chịu rồi, vợ con không cho nghĩ đến, nếu tôi uất lên là đi đứt luôn”.
Cho đến giờ ông vẫn còn giữ những biên lai bưu điện gửi thư bảo đảm đến các cá nhân và cơ quan chức năng nhưng sau đó được trả lời là không nhận được.
Chỉ sau bức tường rào của các gia đình “mỏi mòn” này là khu nhà biệt thự đắt tiền, khu chung cư cao tầng đã có người mua vào ở mấy năm nay. Công ty Cổ phần xây dựng Ba Đình cũng đã hoàn thành công việc của mình là đã xây xong nhà và bán cũng xong. Trong đó khi cả dãy gần 100 nhà dân của tổ 14 thị trấn Cầu Diễn trong đó có 19 nhà của các hộ dân “nằm trong diện bị thu hồi” nhà cửa không khác “xóm liều” vì tạm bợ, nhếch nhác.
Phần lớn các gia đình muốn xây dựng nhà nhưng không có sổ đỏ nên không thể được cấp phép xây dựng. Nhiều gia đình khác do hoàn cảnh kinh tế eo hẹp cũng muốn bán một phần diện tích để có tiền xây nhà nhưng không thể. Một vài nhà cứ liều xây và đành “đi đêm” để có được cái nhà để ở…
Nhà ông Đặng Quang Kiệm và vài gia đình nữa không thể kiên nhẫn hơn vì cần cuộc sống ổn định, nhà cửa an toàn hơn nên đành cũng đành chấp nhận ra đi và bán mảnh đất đang sống với giá bán rẻ hàng chục lần so với diện tích đất nhà biệt thự phía sau. Cái xóm “mỏi mòn”đã trở nên lạc lõng với sự phát triển và đô thị hóa ngay giữa Thủ đô.
Xin được nhắc lại, để chấm dứt việc khiếu nại, tố cáo kéo dài và đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân trên, Báo Dân trí đã có công văn số 33/BBĐ-2011 ngày 1/8/2011 chuyển đơn của các hộ dân trên đến UBND huyện Từ Liêm, UBND thị trấn Cầu Diễn xem xét giải quyết theo thẩm quyền. Kết quả giải quyết đề nghị thông báo bằng văn bản về tòa soạn để Báo Dân trí hồi âm đến bạn đọc. Tuy nhiên, đến ngày 25/8, tòa soạn Báo Dân trí vẫn chưa nhận được hồi âm từ hai cơ quan trên. |