Những ngôi trường tiền tỷ “đắp chiếu” nhiều năm ở Ninh Bình

(Dân trí) - Được đầu tư với số vốn nhiều tỷ đồng nhưng hàng loạt công trình trường học ở Ninh Bình xây dựng mãi không xong. Trường học mới “đắp chiếu” bỏ hoang nhiều năm còn học sinh phải học nhờ trụ sở, nhà kho cũ UBND xã, giáo viên phải sinh hoạt nhờ ki ốt chợ.

Dự án trường THPT Vũ Duy Thanh (xã Khánh Cường, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) được khởi công xây dựng từ năm 2010, đến năm 2014 hoàn thành được hơn 50% thì đơn vị thi công “để đó” vì thiếu vốn. Tổng số vốn xây dựng trường là 32 tỷ đổng từ tiền ngân sách tỉnh Ninh Bình. Theo kế hoạch, dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đến năm 2014 là phải xong công trình, nhưng hiện nay giai đoạn 1 mới tổng đầu tư vào được 11,5 tỷ.

Thầy giáo Nguyễn Văn Tuy, Hiệu trưởng nhà trường (‘đơn vị làm Chủ đầu tư) cho hay, công trình dừng thi công vì không có vốn. Hai năm nay (từ năm 2014 đến nay) nhà trường không được cấp đồng vốn nào. "Chúng tôi cùng nhà thầu nhiều lần kiến nghị lên cấp trên xin cấp vốn thi công tiếp công trình nhưng đều không nhận được câu trả lời. Chưa biết khi nào trường mới xây xong", thầy Tuy nói.

Dự án trường THPT Vũ Duy Thanh, huyện Yên Khánh bỏ hoang giữa cánh đồng.
Dự án trường THPT Vũ Duy Thanh, huyện Yên Khánh bỏ hoang giữa cánh đồng.

Thiếu vốn để hoàn thiện trường học, công trình hàng chục tỷ đồng này nằm bỏ hoang giữa cánh đồng nhiều năm qua. Hai dãy nhà cao tầng là hiệu bộ và phòng học xây dựng xong được gần 80% nhưng chưa có cửa, bàn ghế, quyét sơn, chưa có hệ thống điện nước… Sân trường rộng hàng nghìn mét vuông được bao bọc bởi lớp tường rào chắc chắn, nhưng bên trong cỏ dại mọc um tùm. Tiếc đất, nhiều người dân vào đây canh tác.

Trường mới xây dựng bỏ hoang là thế, còn tại trường cũ, hàng trăm học sinh cũng như giáo viên của nhà trường phải học trong ngôi trường cũ, xập xệ. Thâm chí, nhà hiệu bộ phải hoạt động trong dãy nhà dòng tu của nhà thờ. Không có trường mới, ảnh hưởng rất lớn đến công tác dạy và học của nhà trường.

Trong tình cảnh tương tự, dự án trường mầm non Gia Minh (xã Gia Minh) huyện Gia Viễn được khởi công xây dựng từ năm 2012, sau 4 năm ngôi trường tiền tỷ này vẫn chưa hoàn thiện. Tổng số tiền đầu tư xây dựng trường hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, khi mới chỉ xây xong phần thô, ngôi trường bị bỏ hoang nhiều năm mặc nắng mưa hủy hoại. Nhiều năm qua, giáo viên nhà trường phải hoạt động tạm ở ki ốt chợ trong xã, còn hàng trăm học sinh thì phải học chen chúc ở các nhà văn hóa tại các điểm thôn.

Trường Mầm non xã Gia Minh xây dựng nhiều năm không xong, giáo viên phải hoạt động trong ki ốt chợ, học sinh phải học tại các nhà văn hóa thôn chật trội
Trường Mầm non xã Gia Minh xây dựng nhiều năm không xong, giáo viên phải hoạt động trong ki ốt chợ, học sinh phải học tại các nhà văn hóa thôn chật trội

Người dân địa phương cho biết, do thiếu vốn nên ngôi trường này thi công kiểu “rùa bò”. Khi mới thi công, trường được làm một mạch. Sau đó, nhà thầu dừng thi công vì thiếu vốn. Khi có vốn lại tiếp tục thi công trở lại, vì thế nhiều năm ngôi trường này phải nằm bỏ hoang giữa bãi đất đầy cỏ dại mọc um tùm.

Ông Đinh Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy xã Gia Minh cho biết, để hoàn thiện đưa vào sử dụng ngôi trường phải cần từ 5 - 7 tỷ đồng nữa. Hiện nguồn ngân sách địa phương rất khó khăn, chưa biết khi nào trường mới xây dựng xong.

Một công trình khác là trường mầm non Ân Hòa (xã Ân Hòa, huyện Kim Sơn) được xây dựng từ năm 2010 bằng nguồn vốn "Chống xuống cấp trường lớp học" của UBND tỉnh Ninh Bình. Công trình trường được xây dựng là dãy nhà 2 tầng với 8 phòng học. Sau một năm xây dựng, trường ngừng thi công khiến nhiều người dân bất ngờ vì công trình trường cũ đã phá bỏ để xây trường mới, nhiều học sinh trong xã không biết học tập nơi đâu.

Toàn bộ ngôi trường tiền tỷ này mới chỉ xây dựng được phần thô của tầng 1, sau đó bỏ hoang, rêu mốc bám đầy khắp nơi, xung quanh sân trường nhiều vũng nước lớn xuất hiện, cỏ cây mọc xanh tốt khắp nơi, làm nơi trồng rau muống cho nhiều hộ dân.

Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, không có trường học, hiện hơn 100 học sinh, giáo viên của nhà trường phải học nhờ ở công sở cũ của UBND xã. Tuy nhiên, do nơi học nhờ không đảm bảo nên nhà trường phải chia làm 2 nơi mới đủ các lớp học. "Học ở công sở cũ của xã, phòng học chật trội không đảm bảo theo quy định, thiếu giáo viên nên nhà trường gặp nhiều khó khăn trong công tác dạy và học. Có những lớp 25 - 30 trẻ chen chúc trong lớp học rộng hơn 10 m2",cô Yến nói.

Cũng theo vị hiệu trưởng, vì không có cơ sở vật chất nên nhiều năm liền nhà trường bị xếp loại thi đua thấp so với các trường trong huyện.

Trường Mần non xã Ân Hòa đắp chiếu nhiều năm qua.
Trường Mần non xã Ân Hòa "đắp chiếu" nhiều năm qua.

Nhiều lần chính quyền địa phương đã có kiến nghị, trình đề nghị cấp kinh phí xây dựng trường cho các cháu. Nhưng vẫn chưa có được câu trả lời. Hiện tại, các lớp học mầm non của xã phải học nhờ trong UBND xã nhiều năm qua.

Công trình trường mầm non Xuân Thiện (xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn) cũng trong tình cảnh tương tự, được khởi công xây dựng dựa vào nguồn "Chống xuống cấp trường lớp học" của UBND tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, thi công được hơn 4 tháng thì nhà thầu ngừng thi công do thiếu vốn.

Ông Lê Kim Long, Chủ tịch UBND xã Xuân Thiện chia sẻ, trường được thiết kế xây dựng dãy nhà 2 tấng kiên có với 6 phòng học. "Xã làm chủ đầu tư công trình nhưng từ khi khởi công dự án đến nay chưa nhận được đồng vốn nào", ông Long nói.

Ghi nhận của PV Dân trí, nhiều hộ dân dùng phòng học "đắp chiếu" này thành nơi nhốt trâu bò, để phóng uế bừa bãi. Nhà thầu không có tiền xây dựng nên họ ngừng thi công từ năm 2010 đến nay, 6 năm qua địa phương phải loay hoay tìm nơi học tập cho các cháu trong xã.

Theo cô Đinh Thị Thu, Hiệu trưởng nhà trường, từ khi trường cũ phá đi để xây trường mới rồi bỏ hoang, 6 năm qua nhà trường phải học nhờ nhà kho cũ của UBND xã. Khó khăn chồng chất khó khăn khi phòng học thấp, chật trội, nóng bức, không đủ không gian cho trẻ vui chơi.

Trường mầm non Xuân Thiện khởi công xây dựng năm 2010, bỏ hoang 6 năm qua.
Trường mầm non Xuân Thiện khởi công xây dựng năm 2010, bỏ hoang 6 năm qua.

"Lứa tuổi các cháu mầm non phải vừa học vừa chơi nhưng do phòng chật, không có sân chơi nên chỉ suốt ngày phải ở trong lớp. Chúng tôi cũng chỉ biết kiến nghị, chưa biết khi nào trường mới có cơ sở vật chất mới để đảm bảo công tác dạy vào học", cô Thu thở dài.

Khi được hỏi về dự án công trình trường học, cả Chủ tịch xã và Hiệu trưởng nhà trường đều thở dài, không biết đến khi nào công trình mới tái xây dựng lại để các cháu học sinh có nơi học tập. "Xuân Thiện là xã khó khăn nhất của huyện Kim Sơn, tỷ lệ hộ nghèo còn rất cao, nguồn ngân sách thu hàng năm không đáng là bao, chúng tôi rất mong nhận được sự quan tâm của cấp trên để sớm hoàn thiện ngôi trường cho các cháu", ông Long chia sẻ.

Thái Bá