Ninh Bình: Dân tố xã “ăn bớt” đất sản xuất
(Dân trí) - Thực hiện dồn điền đổi thửa theo chủ trương, tuy nhiên xã Gia Hòa lại không làm theo hướng dẫn của cấp trên, tự ý không chia đất theo “sổ đỏ”. 20 hộ dân thiếu đất bức xúc với cách làm “không giống ai” nên đã bỏ ruộng hoang, còn chính quyền lại thờ ơ trong cách giải quyết?
Nhiều hộ dân thôn Trung Chính, xã Gia Hòa, huyện Gia Viễn (Ninh Bình) phản ánh, trong “cuộc cách mạng ruộng đất” tại địa phương, khi thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT) UBND xã đã chia thiếu đất sản xuất cho nhiều hộ dân. Bên cạnh đó, xã này còn rũ tung ruộng đất ra chia lại, chia đất không theo “sổ đỏ”. Cách làm bất hợp lý trên khiến gần 20 hộ dân thôn Trung Chính không nhận đất sản xuất. Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp này bị bỏ hoang trong vụ chiêm xuân năm nay.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2003 xã Gia Hòa đã thực hiện DĐĐT lần 1, lúc này bình quân các hộ dân trong toàn xã vẫn còn 13,5 thửa/hộ. Năm 2014, xã thực hiện DĐĐT lần 2, bình quân 3 thửa/hộ. Đến năm 2015, UBND xã Gia Hòa yêu cầu thôn Trung Chính phải DĐĐT lại vì cho rằng lần 2 thôn đã làm sai. Để yêu cầu thôn DĐĐT lại, xã đã tổ chức đến 3 cuộc họp, việc bàn cãi chia lại ruộng chưa ngã ngũ thì UBND xã đã yêu cầu Đội sản xuất Trung Chính đã thực hiện chia lại ruộng.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Quang Bình cho biết, trong sổ đỏ của gia đình ông ghi rõ có 5.135m3, sau khi trừ đi đất thổ cư, vườn ao và đất giao thông thủy lợi nội đồng còn lại 4.485m2. Tuy nhiên, không hiểu lý do vì sao gia đình ông chỉ được chia 4.070m2, bị thiếu hơn 400m2 đất sản xuất.
“Năm 2014 xã đã chia ruộng đầy đủ, gia đình tôi sản xuất yên ổn từ đó. Không hiểu sao giờ xã lại rũ tung đất ruộng này ra chia lại. Nơi chúng tôi được chia ruộng mới ở một nơi khác, diện tích cũng không đủ nên tôi cương quyết không nhận. Vụ mùa năm nay gia đình không có lúa, tôi yêu cầu xã phải có câu trả lời thỏa đáng mới nhận ruộng sản xuất”, ông Bình bức xúc.
Không chỉ hộ ông Bình mà còn gần 20 hộ dân khác cũng tố xã đã “ăn bớt” đất của gia đình họ khi DĐĐT. Hộ ông Nguyễn Văn Trực có 5.213m2 đất các loại, trừ đất giao thông thủy lợi (75m2) … gia đình ông được chia mới 3.515m2 thiếu hơn 1.000m3. Hộ ông Trần Quang Thanh có 5.546m2 đất, sau khi trừ vườn, thổ cư, ao, diện tích giao thông thủy lợi tổng diện tích đất ruộng phải là 4.961 m2 nhưng xã thông báo chia chỉ có 3.938 m2, cũng thiếu hơn 1.000m2…
Theo ông Trần Quang Lưu, việc DĐĐT tại địa phương phải được thực hiện theo Hướng dẫn số 774 của Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình. “Hướng dẫn nêu rõ: Tôn trọng quyền lợi của chủ sử dụng đất đã được giao theo Nghị định 64 của Chính phủ, Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy, Quyết định 313 của UBND tỉnh. Ngoài ra UBND huyện Gia Viễn cũng đã có Kế hoạch về việc thực hiện DĐĐT, nhưng xã Gia Hòa lại không thực hiện theo chỉ đạo từ cấp trên, có cách làm riêng chẳng giống ai”, ông Lưu nói.
Theo tìm hiểu của PV, trong Kế hoạch số 11 về thực hiện DĐĐT của UBND huyện Gia Viễn ghi rõ: DĐĐT là để sắp xếp lại vị trí sử dụng đất chứ không phải là chia lại ruộng đất. Trên cơ sở diện tích nông nghiệp các hộ đang sử dụng ổn định để DĐĐT, không đặt vấn đề xem lại những nội dung đã thực hiện trước đây. Việc đổi ruộng đất là thực hiện quyền chuyển đổi quyền sử dụng đất theo nguyên tắc tự nguyện…
Cũng theo ông Trần Quang Lưu, một điều nực cười đã xảy ra khi UBND xã Gia Hòa yêu cầu thôn Trung Chính chia lại ruộng đất. Đó là đầu vụ lúa chiêm xuân 2016, các hộ dân trong thôn đã cấy lúa xuống diện tích được chia năm 2014. Lúc này, ông Bùi Phú Nam đã mang trâu cùng cày bừa lội xuống ruộng vùi lấp đi toàn bộ mạ của nhiều hộ dân (chủ cũ), lí do là để những hộ mới đến sản xuất.
“Việc làm của ông Nam không hề bị chính quyền địa phương ngăn cản. Ông Nam cởi trần phá lúa ở dưới ruộng, trên bờ một số công an xã đứng nhìn và đe dọa người dân chúng tôi: Nếu ai ngăn cản sẽ bị bắt ngay lập tức. Nhiều người chỉ biết đứng nhìn xót xa cho diện tích lúa vừa cấy chưa kịp bén rễ”, ông Lưu kể lại.
Ông Đinh Trọng Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hòa cho hay, việc xã thực hiện DĐĐT lần này là rà soát lại số khẩu năm 1993, không chia đất theo bìa đỏ của các gia đình mà lấy bình quân 720m2/khẩu rồi đem chia. “Năm 2014 DĐĐT lại thôn Trung Chính là sai quy trình, thôn áp dụng nguyên đợt DĐĐT của năm 2003 rồi chia ruộng, không rà soát số khẩu được chia năm 1993”, ông Phú nói.
Về những hộ trong thôn Trung Chính được chia thêm đất sản xuất, ông Phú lý giải, những khẩu này trước kia bị chia thiếu, nay phải chia lại cho họ mới công bằng. Ông Phú cũng khẳng định, xã làm đúng quy trình và hướng dẫn từ cấp trên.
Không chỉ chia thiếu đất sản xuất cho khoảng 20 hộ dân, UBND xã Gia Hòa còn “cắt” không chia đất sản xuất cho hộ dân có sổ đỏ tại địa phương. Đó là trường hợp ông Bùi Phú Sáu. Năm 1996 ông được UBND huyện Gia Viễn cấp sổ đỏ (số hiệu 689183) với diện tích 634m2 đất ruộng gồm 360 m2 đất hai lúa, 274m2 đất một lúa (chia năm 1993). Ông Sáu là đối tượng hưởng trợ cấp của nhà nước với mức hỗ trợ 270.000 đồng/tháng, ngoài số tiền trên ông chỉ biết trông chờ vào diện tích ruộng nói trên để nuôi 2 con.
Trớ trêu thay, trong đợt DĐĐT năm 2015, UBND xã Gia Hòa cho rằng ông không có hộ khẩu gốc ở địa phương nên đã thu hồi toàn bộ diện tích đất của gia đình ông. Ông Sáu đã nhiều lần cầm sổ đỏ đi gõ cửa nhiều nơi nhưng vẫn chưa được giải quyết. Ông bùi ngùi: Chẳng lẽ sổ đỏ nhà nước cấp cho tôi giờ không còn giá trị gì nữa sao?.
Thái Bá